Đối với người Việt, rừng không chỉ là vàng, mà còn được ví như lá phổi xanh của đất nước. Để tìm hiểu vai trò, ý nghĩa đặc biệt của những cánh rừng trong các khu vườn quốc gia đối với cuộc sống hôm nay và ngày mai, chúng tôi đã thực hiện một chuyến xuyên rừng quốc gia Xuân Sơn (thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ). Chuyến đi tới những điểm đến mới lạ đã mang lại cho chúng tôi khá nhiều cảm xúc.
Những đồi chè Thanh Sơn như chạy tới tận chân trời
Qua rừng cọ, đồi chè
Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ, đồi chè đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát…
Đó chính là những gì đặc trưng nhất, thân quen nhất của vùng đất Phú Thọ. Trong chuyến đi đến các điểm tận cùng, sâu xa nhất của tỉnh này như Trung Hà, Cổ Tiết, Thanh Sơn…, chúng tôi đã được thỏa sức ngắm những cảnh đẹp đó. Thật dễ chịu, thậm chí ngất ngây khi vùng trung du lùi dần phía sau lưng để miền núi Thanh Sơn hiện ra trước mắt và những đồi chè xanh tốt bỗng chốc chiếm hết tầm mắt.
Những thân cây to lớn, rêu phong đổ chắn ngang suối
Vũng nước trong vắt giữa rừng Xuân Sơn
Cây cầu mới được xây dựng bắc qua suối đá
Những đồi chè bạt ngàn khi xe chúng tôi vượt qua, từ thị trấn Thanh Sơn đến huyện vùng cao Tân Sơn, đều có tuổi đời cả trăm năm. Người dân nơi đây có thể trồng chè ở bất cứ chỗ nào, ngay trên bờ ruộng, ven ao và nhất là trên những quả đồi điệp trùng. Chè gắn bó với con người như máu thịt, hợp với đất như không thể tách rời. Giữa đồi chè là những thân cọ cao vút, tán lá xòe rộng, phất phơ trong gió. Các cụ bô lão gặp chúng tôi dọc hành trình đều bảo rằng đất này được ông Trời sinh ra là để chè và cọ sinh sôi nảy nở. Chè với cọ như một vẻ đẹp tự nhiên của tạo hóa, như đôi bạn tri âm tri kỷ. Rừng cọ, đồi chè còn mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân nơi đây, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường.