Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong sáu tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 6,85 tỉ USD (kể cả cấp mới và tăng vốn), bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013. Cụ thể hơn, tính đến ngày 20-6, cả nước có 656 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,85 tỉ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2013. Thêm vào đó, có 219 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,99 tỉ USD, bằng 37% so với cùng kỳ năm 2013. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được khoảng 5,75 tỉ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo đi đầu, thu hút được 326 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỉ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong sáu tháng đầu năm. Xây dựng là lĩnh vực đứng thứ hai: 58 dự án đầu tư đăng ký mới với tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 465,4 triệu USD, chiếm 6,8%. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản (16 dự án, 692,3 triệu USD, chiếm 10,1%). Kế đó là lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội (258,9 triệu USD).
Trong số 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong nửa đầu năm nay, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,55 tỉ USD, Hongkong đứng vị trí thứ hai (1 tỉ USD), Nhật Bản đứng vị trí thứ ba (806 triệu USD). Trong số 43 tỉnh thành đã nhận đầu tư nước ngoài trong sáu tháng qua, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với 886,3 triệu USD vốn đăng ký mới và tăng thêm. Bình Dương đứng thứ hai (876,05 triệu USD) và Đồng Nai đứng thứ ba (688,37 triệu USD).
Xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong sáu tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 47,82 tỉ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 67,5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực này đạt 39,29 tỉ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm 56,5% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu. Tính chung sáu tháng, khu vực này xuất siêu 8,52 tỉ USD.
Ở khu vực đầu tư trong nước, trong sáu tháng đầu năm, cả nước có 37.315 doanh nghiệp thành lập mới (giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2013), tổng vốn đăng ký đạt 230,9 ngàn tỉ đồng (tăng 19,3%). Có 33.454 doanh nghiệp gặp khó khăn, buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động (tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2013). Số doanh nghiệp hoạt động lại là 8.322 đơn vị. Chỉ riêng trong tháng 6, cả nước có 6.087 doanh nghiệp thành lập mới nhưng cũng có 6.369 doanh nghiệp khó khăn, buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong sáu tháng đầu năm nay ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung thì khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, đóng góp 2,06 điểm và khu vực dịch vụ tăng 6,01%, đóng góp 2,57 điểm. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái là bán buôn và bán lẻ (tăng 5,78%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (8,5%), hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (5,51%). Hoạt động kinh doanh bất động sản bước đầu có tín hiệu tốt với mức tăng 2,65%, cao hơn mức 1,8% của cùng kỳ năm trước. Xét về góc độ sử dụng GDP của sáu tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,19% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 4,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trong đó tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 5,04%, tích lũy tài sản tăng được 5,8% và đóng góp 1,66 điểm phần trăm.
Nguyễn Thắng