Dù không phản ánh hoàn toàn “sức khỏe” của các ngân hàng cũng như sự vận hành của nền kinh tế, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn được xem là một tiêu chí đánh giá quan trọng. Kể từ năm 2011, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn trì trệ, hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nợ xấu cao, phải tiến hành tái cơ cấu quyết liệt… thì tăng trưởng tín dụng cũng rất ì ạch. Chỉ đến năm nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng mới “trơn tru” trở lại. Tín dụng tăng đều qua các tháng với tốc độ khá cao, việc đạt và vượt mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra từ đầu năm hoàn toàn có thể xảy ra. Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng của tín dụng cũng được cải thiện, khi cơ cấu tín dụng cũng cho thấy các ngân hàng đã hướng vào những lĩnh vực ưu tiên. Dòng tiền đã được khơi thông, giúp xóa đi mối lo về nguy cơ cách đây không lâu về khả năng dư thừa thanh khoản của các ngân hàng. Không chỉ hài lòng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh chỉ tiêu trong năm nay và đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa của một số ngân hàng đã được điều chỉnh lên mức 16 – 35% – cao hơn nhiều so với mức bình quân dự kiến của toàn hệ thống ngân hàng. Đây là một tín hiệu cho thấy tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm sẽ được đẩy mạnh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, các ngân hàng này cũng được yêu cầu phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện cấp tín dụng; chấp hành các quy định của pháp luật về tỷ lệ bảo đảm an toàn, ngoại hối, quản trị rủi ro và giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng. Mở rộng tín dụng phải gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, giám sát chặt chẽ cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như lĩnh vực bất động sản hay các dự án cần thu hồi vốn trong thời gian dài.
Động thái “nới chỉ tiêu” này phù hợp với thông điệp phát ra trước đó của nhà điều hành. Theo đó, tại cuộc họp báo về tình hình sáu tháng đầu năm, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2015, mục tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ là 13 – 15%, tuy nhiên trong trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng lên 17% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tín dụng tăng tốc là tiền đề giúp nền kinh tế tăng tốc độ hồi phục, tuy nhiên điều này cũng khiến lãi suất cho vay khó giảm thêm, dù lạm phát năm nay được dự báo chỉ quanh mức 3%. Trên thực tế, thời gian qua lãi suất huy động còn nhích lên, khiến cho tỷ lệ lãi cận biên của các ngân hàng phải thu hẹp, hiện chỉ trong khoảng 2,5 – 2,7%. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận thu được từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại sẽ không tăng bất chấp tăng trưởng tín dụng có thể cao hơn. Chưa kể các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn trước.
Dù vậy, việc giữ lãi suất cho vay ổn định cũng đã là một nỗ lực của các ngân hàng, đặc biệt là với các khoản vay trung, dài hạn. Bởi các dự báo đều cho rằng lạm phát trong năm 2016 sẽ cao hơn năm nay, khoảng 5 – 6%, nên các kỳ hạn cho vay trung dài hạn cũng phải được các ngân hàng tính toán tương ứng.
Ngọc Khang (DNSGCT)