Thị trường chứng khoán từ đầu tháng 11 đến nay đã trải qua giai đoạn khó khăn, hai chỉ số đi xuống, các bluechip bị bán tháo, hàng loạt cổ phiếu đang ở vùng giá thấp nhất trong năm, thanh khoản giảm sút… Có trùng hợp không khi cùng với tất cả diễn biến này là việc khối ngoại liên tục bán ròng? Đây đã là tuần bán ròng thứ năm liên tiếp của khối ngoại và chỉ trong tuần từ 7 đến 11-12, trên cả hai sàn, họ đã bán ròng với tổng giá trị lên tới 1.131,74 tỉ đồng. Trên HSX, VIC chính là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất (460 tỉ đồng), tiếp đó là VCB (81,6 tỉ đồng), PVD (66,3 tỉ đồng), MSN (49 tỉ đồng)… Còn trên sàn HNX thì PVS (73,2 tỉ đồng) – một cổ phiếu dầu khí trước đây thuộc loại dẫn dắt thị trường – vẫn liên tục bị họ bán ra.
Tuần bán ròng mạnh nhất của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay có thể nhằm “đón đầu” kỳ họp cuối năm 2015 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – FED (trong hai ngày 15 và 16-12). Với khả năng rất cao FED sẽ tăng lãi suất USD, các nhà đầu tư và các quỹ ETF đang hoạt động tại nước ta muốn chuyển tài sản từ cổ phiếu sang tiền cho yên tâm. Động thái này cũng là điều bình thường, mang tính phòng vệ, nhằm bảo vệ giá trị của tài sản để chờ xem phản ứng của thị trường tài chính – tiền tệ sau một chính sách có tầm ảnh hưởng lớn, từ đó có định hướng đầu tư trong tương lai. Dĩ nhiên, chỉ có dòng vốn ngắn hạn mới bịảnh hưởng bởi những thông tin như vậy và thị trường thường phản ứng quá mức vào giá của cổ phiếu, khiến cho các chỉ số liên tục suy giảm thời gian qua. Cũng vì vậy, nếu không có gì quá bất ngờ, sau đợt giảm giá này, dòng vốn ngoại sẽ không còn bị rút ra mạnh. Dòng tiền có thể tiếp tục rời khỏi nhóm thị trường mới nổi và thị trường cận biên trong đó có nước ta, nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ không còn quá lớn.
Với cái nhìn tích cực trong dài hạn thì dòng vốn ngoại sẽ sớm trở lại, nhưng đó là chuyện của tương lai. Còn hiện tại, với sự “dẫn dắt xu thế” của khối ngoại, thị trường chứng khoán cũng có tuần giảm điểm thứ năm liên tiếp. Cụ thể, sau tuần thứ hai của tháng 12, VN-Index giảm thêm 8,19 điểm (1,43%), dừng tại 563,43 điểm; HNX-Index cũng đã xuyên mốc 80, lùi về 79,22 điểm, giảm 0,92 điểm (1,15%). Nguồn cung giá thấp ít dần trong khi người cầm tiền chưa dám “bung sức” khiến cho thanh khoản toàn thị trường tiếp tục giảm xuống. Khối lượng khớp lệnh trên sàn HSX giảm 8,2%, còn trên sàn HNX, khối lượng khớp lệnh cũng giảm 5,3% so với một tuần trước đó.
Đà giảm giá mạnh chủ yếu đến từ nhóm bluechip như BID, VCB, CTG, DPM, FPT…, rồi lan qua cả nhóm cổ phiếu đầu cơ. Điểm sáng của thị trường tuần qua chính là việc dòng tiền bắt đáy đã được kích hoạt, nhiều nhà đầu tư mở vị thế mua mới khi cảm thấy nhiều cổ phiếu tốt đang trong vùng giá hợp lý. Dòng tiền bắt đáy giúp VN-Index vùng lên mạnh trong một phiên (8-12), lên hơn 10 điểm, nhưng không thể kéo dài sang ngày thứ hai, do dòng tiền đổ vào thị trường không hấp thu nổi lượng cổ phiếu tuôn ra từ khối ngoại. Hệ quả là thị trường giảm sâu, đánh mất hết thành quả đạt được trước đó một ngày.
Chuỗi giảm điểm kéo dài của thị trường đã khiến cho nhiều cổ phiếu về vùng giá đáy của năm, điển hình là HAG (Hoàng Anh Gia Lai), khi đang giao dịch ở mức giá chưa bằng một nửa mức cao nhất năm và là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này kể từ khi niêm yết trên thị trường (năm 2008). Với việc giá dầu thế giới xuyên thủng mốc 40 USD/thùng, dòng cổ phiếu dầu khí trên cả hai sàn (PVD, GAS, PVC, PVS…) cũng đồng loạt đi xuống và bị khối ngoại bán tháo. Dĩ nhiên, cũng có một số cổ phiếu “ngược dòng” để tăng giá, nhưng chủ yếu chỉ là dòng cổ phiếu vừa và nhỏ ít tác động đến chỉ số.
Dựa vào việc quan sát diễn biến những lần FED tăng lãi suất trước đây, thị trường chứng khoán thường giảm điểm “đón đầu” như một động thái giảm sốc, thì khi mọi chuyện rõ ràng hơn (sau ngày 17-12), các chỉ số sẽ trở lại bình thường. Dư địa để các cổ phiếu tốt giảm thêm cũng không còn nhiều sau một giai đoạn đi xuống liên tục. Nếu không có gì quá bất ngờ, lượng bán ròng của khối ngoại sẽ được hấp thụ bởi dòng vốn nội, do giá cổ phiếu đã vào vùng hấp dẫn. Thị trường đang trong xu thế giảm và đây là thời điểm thích hợp để tìm kiếm cơ hội đầu tư trung, dài hạn.
Thị trường “dịu” trở lại trong phiên giao dịch đầu tuần mới (14-12). Có một sự cân bằng nhẹ khi số cổ phiếu tăng (108) xấp xỉ số cổ phiếu giảm giá (106). Nhờ sự cân bằng này, chỉ số trong suốt phiên giao dịch xoay quanh mốc tham chiếu, dù VN-Index kết thúc phiên giảm 1,21 điểm, xuống còn 562,22 điểm. Thanh khoản đạt khá, với tổng giá trị 2.029,555 tỉ đồng, trên mức trung bình 20 phiên gần nhất. Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường sau chuỗi ngày dài giảm điểm.
Tuấn Thành (DNSGCT)