Tác giả Kim Dung viết Thiên Long Bát bộ, lấy bối cảnh lịch sử Trung Hoa xảy ra vào thời Liêu – Tống – Tây Hạ trước bộ Anh hùng Xạ điêu nổi tiếng… khoảng hơn 100 năm thời… Mông cổ Thiết Mộc Chân mới nổi dậy – lập nên nhà Nguyên – lúc ấy Đại Lý, Thổ Phồn, Lâm Ấp (Chiêm Thành)… còn tồn tại.
Đoàn Dự là có thật trong chính sử, một trong ba nhân vật chính của truyện, hai nhân vật kia Kiều Phong và Hư Trúc là hư cấu.
Đoàn Dự (1083-1176), còn có tên Đoàn Chính Nghiêm, Đoàn Hòa Dự, Hiển Tông Tuyên Nhân Đế là một vị vua thứ 17 của Vương quốc Đại Lý, ở ngôi từ năm 1108 đến 1147.
Nước Đại Lý liên quan đến Đoàn Dự
Năm 902 một loạn thần cướp ngôi lập nước là Đại Trường Hòa và ba triều đại kế tiếp nhau đã tồn tại sau khi Nam Chiếu bị suy vong cho đến khi Đoàn Tư Bình chiếm được quyền hành năm 937 và thiết lập ra Vương quốc Đại Lý đa số là người Bạch đã từng tồn tại từ năm 937 cho đến năm 1253, nằm trong khu vực mà ngày nay là tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Sau đó bị tiêu diệt bởi Mông Kha nhà Nguyên (Mông Kha là Hốt Tất Liệt, – cháu nội Thành Cát Tư Hãn, con trai Đà Lôi anh em kết nghĩa với Quách Tĩnh (nhân vật hư cấu) trong bộ Anh hùng Xạ điêu). Tuy nhiên, sự chống đối của họ Đoàn với nhà Nguyên, và sau này là nhà Minh chỉ thực sự chấm dứt vào cuối thế kỷ XIV.
Theo Minh sử, khoảng niên hiệu Hồng Vũ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1368-1398 – Chu Nguyên Chương, tức Minh Thái Tổ trong bộ Ỷ thiên đồ long ký; Kim Dung hư cấu ban đầu là nhân vật trong Minh giáo, sau lập mưu loại bỏ Trương Vô Kỵ là giáo chủ và đánh bại nhà Nguyên lập nên nhà Minh). Đoàn Thế (hậu duệ họ Đoàn) bị bắt, nhà Minh đổi nước làm phủ Đại Lý, đặt vệ quân và chỉ huy sứ ty, cho thuộc vào tỉnh Vân Nam.
Đại Lý là một quốc gia theo Phật giáo Mật tông (Acarya), từ vua tới dân đều sùng đạo, vua thường tại vị một thời gian rồi xuất gia làm sư.
Việt Nam thời đó tương ứng với triều Lý – Trần. Chúng ta nên biết khi Ngô Quyền giành độc lập năm 938 – nước Nam Chiếu hay Đại lý đã độc lập – sau khi đánh bại quân Nam Hán.
Nước Đại lý và triều Lý (Việt Nam lúc ấy quốc hiệu là Đại cồ Việt) đụng độ năm 1012 thời Đoàn Tư Bình tại biên giới Việt Bắc, do một tù trưởng ly khai theo Đại Lý định lập vương quốc riêng. Lý Thái Tổ sai 2 hoàng tử đánh bại 2 vạn quân liên minh tù trưởng ly khai và Đại Lý. Sau trận chiến này, nhà Tống cũng kinh sợ nước ta không dám dòm ngó và Đại Lý lâm vào thế thủ. Sau đó, đa số tù trưởng biên giới Việt Bắc liên minh với nhà Lý.
Trong lịch sử, nước Đại Lý nhiều lần xung đột với các vương triều Đại Việt, kết cục các cuộc xung đột này phần lớn là chiến thắng của Đại Việt. Lần cuối cùng, quân Đại Lý xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam là cuộc chiến giữa nhà Trần với đế quốc Mông Cổ năm 1258, khi tướng Ngột Lương Hợp Thai mượn đường dẫn theo nhiều kỵ binh Đại Lý thâm nhập Đại Việt.
Nước Yên liên quan Mộ Dung Phục
Bắt nguồn từ Tiền Yên (337-370) trong Thập lục quốc cuối đời Tấn (sau Tam quốc Ngụy Thục Ngô 300 năm) là nhà nước đầu tiên dân tộc Tiên Ty – dân tộc này là hậu duệ người Sơn Nhung, gốc Hung Nô nên tính hung dữ – nằm phía Đông Bắc Trung Quốc do họ Mộ Dung thành lập… qua bao thăng trầm – Hậu Yên (384-409), Nam Yên (398-410), Bắc Yên (409-436)… Quốc gia thời Mộ Dung Phục là Bắc Yên. Cha con Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục muốn khôi phục lại nước Yên nhưng không thành công, lịch sử không có nước Đại Yên, chỉ là tên gọi do Mộ Dung Phục “nổ” cho oai vậy thôi!
Nước Tây Hạ với Hư Trúc
Tây Hạ (1038-1227) nằm ở Tây Bắc bộ nên sử sách chữ Hán gọi là “Tây Hạ”, nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) do người Đảng Hạng – gốc người Khương, có huyết thống với người Tiên Ty, ngoài ra còn có người Hán, người Hồi Cốt, người Thổ Phồn – Triều đại này chính thức dựng nước năm 1083 chia 3 chân vạc với Tống, Liêu… Sau đó, nước Kim (Nữ Chân – dòng họ Hoàng Nhan) tiêu diệt, Tây Hạ thần phục nước Kim… Thành Cát Tư Hãn nổi lên và Tây Hạ bị Mông Cổ tiêu diệt vào năm 1227 (Trong bộ Anh hùng Xạ điêu, Kim Dung hư cấu Hoàng Dung giúp Quách Tĩnh thu phục bằng cách nhảy dù trên núi băng cao vào thành Tây Hạ).
- Xem thêm: Nhớ ông Kim Dung
Nước Liêu liên quan Kiều Phong
Nước Liêu (907-1125) của dân tộc Khiết Đan, là một dân tộc thượng võ, dũng mãnh, (bắt nguồn từ một nhánh du mục Hung nô tự thời Bắc Ngụy – Xuân Thu Chiến quốc) từng tồn tại ở Trung Á và Bắc Á. Liêu quốc kiểm soát phía Bắc Trung Quốc hơn 100 năm. Sau khi bị người Nữ Chân (Kim) đánh bại, họ chuyển sang phía Tây và giữ được tổ chức nhà nước, được sử Trung Quốc gọi là Tây Liêu. Tây Liêu tồn tại từ 1125 cho đến khi bị đế quốc Mông Cổ tiêu diệt vào năm 1218. Nếu tính khi lập quốc đến năm diệt vong kéo dài 315 năm.
Có rất nhiều giả thuyết về từ gốc tên gọi Khiết Đan. Từ Êèòàé trong tiếng Nga, Cathay trong tiếng Anh, Catai trong tiếng Bồ Đào Nha, Catay trong tiếng Tây Ban Nha, đều có nghĩa “Trung Quốc” và đều bắt nguồn từ tên gọi của dân tộc này (nay còn tên hãng máy bay Cathay Pacific – Ngày trước, thế giới phương Tây hay gọi Trung Hoa – China là Cathay.
Có thời kỳ Tây Liêu đô hộ Cao Ly (Nam Bắc Triều tiên bây giờ), sau đó, Cao Ly được phong vương chư hầu và và triều cống nước Liêu(1022), tương tự như các triều đại Trung Hoa đối với một số nước chư hầu.
Gia Luật Hồng Cơ là nhân vật có thật trong chính sử, Kim Dung tiểu thuyết hóa là anh em kết nghĩa với Kiều Phong. Hông Cơ là Liêu Đạo Tông (1032-1101), vị hoàng đế thứ 8 của nhà Liêu trong lịch sử Trung Hoa, trị vì được 46 năm.
Kiều Phong từ bỏ Cái bang về Liêu khoảng 40 tuổi (khoảng năm 1070-1075). Anh ta hơn Đoàn Dự và Hư Trúc 20 tuổi.
Nước Thổ Phồn liên quan Cưu Ma Trí
Thổ Phồn, hay Thổ Phiên hoặc Thổ Phiền là âm Hán Việt của chữ Trung Hoa từ thời nhà Đường dùng để gọi một vương quốc từng thống trị Tây Tạng, khống chế gần như toàn bộ con đường tơ lụa suốt từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX. Vương quốc này còn được gọi là Đế quốc Tây Tạng (tiếng Anh: Tibetan Empire, tiếng Pháp: Empire du Tibet) theo cách tiếp cận của giới học giả Tây phương.
Nước này theo Phật giáo Mật tông (Phật giáo Mật tông là pháp môn bắt nguồn từ sự kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa, được hình thành vào khoảng thế kỷ 5, 6 tại Ấn Độ. Mật tông còn được gọi là Mật giáo, có liên quan đến phép tu bí mật của Phật giáo “bất ấn” và “niệm chú”, đến nay còn lưu truyền câu chú “Án ma ni bát di hồng” từ Phật giáo Mật tông).
Năm 877, những cuộc nổi loạn làm cho suy yếu. Thổ Phồn diệt vong… Dần dần, các vùng lãnh thổ của Thổ Phồn bị sáp nhập vào Trung Quốc. Đến thời nhà Nguyên – Mông Cổ, vùng đất của vương quốc Thổ Phồn xưa tức Tây Tạng nằm dưới sự cai trị trực tiếp của triều đình nhà Nguyên rồi sau đó là nhà Minh cho đến hiện nay vẫn thuộc Trung Quốc.
Đoàn Dự là vua đời thứ 8 tính từ Đoàn Tư Bình. Năm 1147, ông thoái vị và xuất gia làm sư. Ông là vị vua Đại Lý tại vị lâu nhất trong 39 năm. Con trai ông là Đoàn Chính Hưng (khác Đoàn Trí Hưng – cháu nội Đoàn Dự – Tuyên Tông Đế vị vua thứ 19, là nhân vật Đoàn Nam đế (Đoàn Nam đế – Đoàn Trí Hưng – cháu nội Đoàn Dự được Kim Dung tiểu thuyết hóa, trở thành một nhân vật trong Xạ điêu tam bộ khúc, xếp vào Thiên hạ ngũ tuyệt (Võ lâm Ngũ Bá) với ngoại hiệu là Nam đế tức là một trong 5 nhân vật có võ công cao bậc nhất 4 người kia là Trung Thần thông Vương Trùng Dương, Bắc Cái Hồng Thất công, Tây độc Âu Dương Phong, Đông tà Hoàng Dược Sư trong bộ Anh hùng Xạ điêu, qua bộ Thần điêu đại hiệp, 3 người đã mất, được thay là Châu Bá Thông, Bắc hiệp Quách Tĩnh, Tây cuồng Dương Quá; Nam đế và Đông tà còn sống). Theo truyền thống dòng họ, phụ vương ông là Đoàn Chính Thuần thoái vị nhường ngôi cho Đoàn Dự và xuất gia làm sư năm 1108. Đoàn Dự kế vị và trở thành Hiến Tông Tuyên Nhân Đế, đó là theo chính sử.
Hư cấu của Kim Dung trong Thiên Long bát bộ
Đoàn Chính Thuần bị Mộ Dung Phục giết và Đoàn Dự được Đoàn Chính Minh (đương kim Hoàng đế – anh trai Đoàn Chính Thuần) truyền ngôi. Đoàn Dự không phải con Đoàn Chính Thuần mà là con Đoàn Diên Khánh (cũng trong dòng tộc họ Đoàn, nhưng tách ra và muốn tranh giành ngai vàng). Trong một lần Đoàn Diên Khánh dan díu với Bạch Thư Phụng (vợ Đoàn Chính Thuần) sinh ra Đoàn Dự. Kim Dung sáng tạo đoạn này để Đoàn Dự yên ổn làm vua không ai tranh giành ngôi báu và lấy các mỹ nhân con gái Đoàn Chính Thuần làm vợ không mang tội loạn luân.
Đoàn Dự, vương tử nước Đại Lý, thấm nhuần Nho học và Phật học, rời Vân Nam. Trong truyện không nói lý do, gần đây trong một kịch bản phim kiếm hiệp cho rằng do bị ép lấy vợ nên chàng bỏ đi, phiêu bạt đến Cung Kiếm hồ, núi Vô Lượng. Chàng gặp hoạn nạn, phải trốn xuống hồ, bị thác nước cuốn vào trong một thạch thất. Tại đây, nhìn thấy một pho tượng tạc hình một thiếu nữ, Đoàn Dự say mê ngay. Đoàn Dự gọi pho tượng đẹp ấy là “Thần tiên nương tử” (Thần tiên tỷ tỷ) và đối với pho tượng ấy chàng ngàn lần hâm mộ, kính ngưỡng… và sau này chàng thấy mẹ con Vương Ngữ Yên, và bức tranh của Vô Nhai Tử thầm yêu sư muội có nét giống Thần tiên tỷ tỷ…
Chàng lạy pho tượng ngọc và càng lạy thì phía dưới chân chuyển động, để lộ một “cơ quan” bí mật có những mũi tên “sát thủ tự động” bắn bay qua đầu. Ba mũi tên này là nếu ai bộp chộp, sàm sỡ đứng cởi áo pho tượng thì sẽ bị giết ngay trước khi kịp hiểu ra những võ công bí mật trong thạch thất. Đoàn Dự không mạo phạm pho tượng, không ham võ công, kính ngưỡng say mê nhan sắc của pho tượng nên vượt qua được bẫy chết người ấy. Đoàn Dự lấy được nhiều sách chỉ dẫn võ công nhưng chàng chỉ học một môn môn công phu là Lăng Ba vi bộ (môn khinh thân… chạy trốn kẻ địch). Sau này, nhờ có Lăng Ba vi bộ, Đoàn Dự thoát được nhiều tình huống nguy hiểm trong truyện theo hư cấu của Kim Dung.
Đoàn Dự say mê Vương Ngữ Yên vì tìm thấy ở Vương Ngữ Yên những đường nét dịu dàng của “Thần tiên nương tử”. Lúc đầu, Vương Ngữ Yên xem Đoàn Dự như một anh chàng si tình ngốc nghếch; nàng chỉ yêu biểu ca Mộ Dung Phục. Nhưng cô đi đến đâu, Đoàn Dự vẫn lẽo đẽo đi theo “Vương cô nương, nếu có việc nguy nan, xin cho tiểu sinh cõng cô nương chạy trốn nhé”.
Sau khi Đoàn Chính Minh truyền ngôi, Đoàn Dự lên ngôi hoàng đế nước Đại Lý. Đoàn Dự có ba người vợ gồm: Vương Ngữ Yên, Chung Linh và Mộc Uyển Thanh. Theo nguyên tác ban đầu thì lập Vương Ngữ Yên lên làm hoàng hậu nhưng trong lần sửa đổi mới nhất của Kim Dung vào năm 2012, Mộc Uyển Thanh là người con gái chàng yêu nhất nên đã quyết định kết hôn và lập làm hoàng hậu, Chung Linh làm phi tần… sống một cuộc đời an lạc. Còn Vương Ngữ Yên là hình bóng của Thần tiên tỷ tỷ, Đoàn Dự để cô ra đi chăm sóc cho Mộ Dung Phục… đang bị Tâm thần phân liệt… hoang tưởng là Hoàng đế Đại Yên.
Đoàn Dự được Kim Dung xây dựng là nhân vật biểu tượng của Tình yêu chung thủy và Tình bạn trong sáng.