Tây Nguyên – đại ngàn xanh thẳm của dãy Trường Sơn. Nơi những bản trường ca “chảy” bất tận qua thời gian, không gian. Đó là một ký ức huyền thoại. Ngày nay, trên quê hương Đam San, dấu chân còn ghi lại đó nhưng bản trường ca bên bếp lửa bập bùng nay đi về đâu?
Bến nước xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đăk Lăk tương truyền là nơi còn vết tích dấu chân Đam San – một nhân vật anh hùng trong bản trường ca bất tận của người Ê Đê. Nơi đó còn một tảng đá. Trên tảng đá có một dấu tích mờ như dấu chân của người khổng lồ. Dân gian tin rằng chàng Đam San là nhân vật có thật, từng sinh sống trên vùng đất xinh đẹp này.
Lên Núi Hoa, tìm dấu chân Đam San
Cư M’Gar trong tiếng Ê Đê có nghĩa là Núi Hoa. Những ngày cuối năm, khi đồng bào các dân tộc bắt đầu lễ mừng cơm mới, cũng là thời điểm đất trời vùng này trở nên quyến rũ nhất. Trong cái nắng lạnh đặc trưng của cao nguyên, hoa dại cũng bùng dậy, đánh thức vẻ đẹp của vùng đất đỏ bazan từng đi vào những áng trường ca – sử thi huyền thoại.
Huyện Cư M’Gar có 24 dân tộc anh em đang sinh sống. Trong đó, nhóm cư dân bản địa người Ê Đê, Xê Đăng, M’Nông đều có trường ca – sử thi riêng của dân tộc mình. Ngày xưa, mỗi buôn có một, hai người biết hát. Giờ cả huyện chỉ còn năm người, được xem như “di sản sống”. Già làng Y Wang Hwing, người Ê Đê, ở buôn Tría, nổi tiếng hơn cả. Mười bảy năm trước, ông từng khiến những người tham dự Lễ hội Âm nhạc dân gian thế giới ở Phần Lan sửng sốt khi diễn xướng trường ca liên tục suốt 8 tiếng đồng hồ.
Buôn Tría ngày nay hiếm thấy nhà dài, nhà sàn. Chỉ có những ngôi nhà tường khang trang kiểu của người Kinh. Trước nhà luôn là một khoảng sân rộng để phơi cà phê. Nhà của già làng Y Wang Hwing cũng tương tự. Thứ duy nhất nhận ra đặc trưng của người Ê Đê là tấm ảnh ông mặc chiếc áo thổ cẩm được treo trong phòng khách bên cạnh bằng khen của Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
“Mấy năm trước đi suốt. Có thời gian tôi ở Hà Nội, biểu diễn ở các khu du lịch cho du khách nghe. Sau tôi thấy nhớ buôn làng quá nên về. Giờ về nhà phụ con cái trồng cà phê. Thỉnh thoảng địa phương có lễ hội này nọ mời thì mình mới đi hát thôi”, nghệ nhân trên 70 tuổi chia sẻ.
- Xem thêm: Sắc màu Tây Nguyên trong lễ Pơ Thi
Nổi tiếng thuộc nhiều, hát hay, chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc, ông được đưa đi biểu diễn khắp nơi, được nhiều công ty du lịch mời cộng tác. Có người gọi ông là “người hát trường ca ban ngày”. Tức là nếu có người cần nghe, ông sẽ hát phục vụ. “Không gian đúng chất để hát trường ca đâu còn nữa. Nên giờ ai muốn nghe thì mình hát thôi. Hát để người ta còn biết thế nào là trường ca, là sử thi”, ông trầm ngâm.
Chiều cao nguyên buốt lạnh. Bên hiên nhà, người đàn ông quá 70 tuổi húng hắng ho. Rồi ông cất giọng hát một đoạn trong trường ca Đam San bằng tiếng Ê Đê. Tạm dịch: “Họ phóng tầm mắt ngắm làng Đam San. Nơi dựng làng trông như cái mai rùa. Rẫy giăng khắp núi. Trâu bò lúc nhúc như mối, như kiến… Dấu chân ngựa, chân voi như bện thừng. Nô lệ trai ngực đụng ngực. Nô lệ gái vú đụng vú… Dấu chân ngựa như chân rết, dấu chân voi như trôn cối giã gạo, nồi bung, nồi bảy như ốc sên rừng, nhà dài cả một hơi chiêng, sàn sân rộng cả một hơi chim bay…”.
Ký ức đêm huyền thoại
Đoạn ca ngắt quãng đưa già Y Wang Hwing trở về những đêm trường ca huyền thoại của hơn nửa thế kỷ trước. Khi mà cả đại gia đình cùng sống trên một mái nhà dài. Bảy, tám gia đình, mấy chục con người cùng ăn, cùng ngủ, cùng thao thức trong một không gian. Đó là những lúc nông nhàn, đồng bào gọi là mùa “ăn năm uống tháng”. Bếp lửa ấm áp được nhen lên, người già bắt đầu hát trường ca – sử thi.
Hát trường ca không chỉ là biểu diễn, mà đó là một hành trình thăng hoa sáng tạo. Cùng một cốt chuyện đó nhưng mỗi người có cách diễn xướng khác nhau. Mỗi lần kể là một lần xuất thần. Tiếng hát, tiếng kể không chỉ cất lên từ miệng, còn từ sâu thẳm trong tâm hồn những con người lãng mạn, phóng khoáng. Người hát say sưa. Người nghe cũng say sưa. Giữa đại ngàn, không sự ồn ào nào làm xao lãng tâm hồn phiêu bồng của họ. Củi cứ được tiếp thêm cho bếp lửa ấm áp bừng sáng. Câu chuyện cứ nối dài từ đêm này sang đêm khác. Cứ thế, trường ca – sử thi cũng như một dòng chảy triền miên, truyền miệng từ thế hệ này qua thế hệ khác.
“Mười tuổi, tôi đã nhớ vanh vách những bản trường ca. Mười lăm tuổi, tôi mạnh dạn đề nghị được hát. Nghe hát xong, ai cũng bất ngờ. Cái này là trời cho. Tôi cứ nghe qua vài ba lần là thuộc. Rồi từ đó, trường ca – sử thi như cuốn lấy đời mình. Tôi hát trên nhà dài. Hát ở lễ hội. Hát ở khu du lịch. Rồi đi ra quốc tế…”, ông nói.
Ngoài trí nhớ đặc biệt để không quên những bản trường ca dài dằng dặc, người hát còn phải có một tâm hồn nghệ sĩ. Cho dù câu chuyện đã quen thuộc lắm. Nhưng mỗi lần kể là một lần rung động mới, một cảm xúc mới. Nếu hát bên bếp lửa trong nhà dài là sự ấm áp của nhiều thế hệ chung khát khao sự kết nối về một thế giới tốt đẹp thì hát trong lễ hội là sự tươi vui, tưng bừng. Hát trong đám tang lại giúp người ta vơi bớt nỗi buồn thương.
- Xem thêm: Hanh hao xứ Mạ
Thế nhưng, dù hát trong hoàn cảnh nào, trường ca – sử thi vẫn luôn phản chiếu tâm hồn của người Tây Nguyên. Nhân vật trung tâm của các trường ca thường là những tù trưởng dũng cảm, hùng mạnh như Đam San, Đam Di, M’Trong Dam… Bên cạnh họ là những người con gái đẹp, thủy chung như những bông hoa giữa núi rừng hoang dại. Nội dung các trường ca xoay quanh chiến công của những người anh hùng. Đó là ước mơ về một xã hội tốt đẹp, bình đẳng, cái thiện thắng cái ác. Hòa quyện trong đó là khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của đại ngàn Trường Sơn một thuở.
Trường ca lạc nửa linh hồn
Chiều buông. Lạnh. Già Y Wang Hwing ngưng kể chuyện ngày xưa bên bếp lửa. Ông lại cất giọng hát một đoạn về chàng dũng sĩ đi tìm nữ thần mặt trời. Trên hành trình của chàng băng qua đại ngàn. Nơi đó có cây rừng cổ thụ, có suối, có cá, có heo rừng, có con nai, con cáo… Nơi đó có sự sống chan hòa giữa con người và thiên nhiên rộng mở.
“Từ xa xưa, trong trường ca – sử thi có nhiều đoạn nói về mối quan hệ giữa người với rừng. Ai phá rừng, phá nguồn nước là bị phạt nặng lắm. Phạt con trâu, con bò chứ không ít. Nói miệng thôi. Không giấy tờ gì cả. Nhưng quy ước bảo vệ rừng nghiêm ngặt lắm. Giờ rừng không còn. Cũng lấy đâu ra gỗ để làm nhà dài. Những đêm hát trường ca bên bếp lửa cũng không còn nữa…”, già Hwing ngậm ngùi.
“Nhà dài như một tiếng chiêng ngân đâu còn. Rừng ngày xưa cũng không còn, đất không giữ được nước ngầm. Giờ lo cho rẫy cà phê. Mùa khô hạn lo đi tưới nước cho cà phê…”
Không còn không gian, trường ca cũng bơ vơ ngay trên buôn làng. Sau này, khi có danh hiệu nghệ nhân, ông được đưa đi biểu diễn khắp nơi. Mười bảy năm trước, ông tham dự Lễ hội Âm nhạc dân gian thế giới tại Phần Lan. Đó là dấu ấn được đưa trường ca – sử thi của Việt Nam ra giới thiệu với quốc tế.
Nghệ nhân nhớ lại: “Lúc đó, tôi hát khỏe lắm. Hát liên tục. Vừa thổi các loại kèn, rồi lại hát, suốt 8 tiếng đồng hồ. Hôm đó, tất cả mọi người trong hội trường nhịn đói vì không muốn bỏ lỡ buổi diễn. Còn tôi thì như thăng hoa, không biết mệt mỏi là gì. Mình thổi những nhạc cụ bằng lồ ô, tre nứa của dân tộc mình. Mình mặc chiếc áo thổ cẩm. Hát bằng tiếng Ê Đê. Vậy mà mọi người nghe say sưa. Sau khi tôi hát, Tổng thống Phần Lan đứng dậy. Thông qua phiên dịch, tôi hiểu, ông nhận xét: “Chưa từng thấy. Chưa từng có. Rất đặc biệt!””.
Ông kể trong ánh mắt tràn ngập tự hào, rồi giọng chùng lại nhắc chuyện sau đó đi biểu diễn trong khu du lịch ở thủ đô, nhưng nhớ buôn làng, nhớ những đêm hát bên bếp lửa bập bùng. Vì vậy, ông khăn gói trở về buôn. Nhưng buôn làng giờ cũng khác xưa.
- Xem thêm: Chư Mom Ray – đại ngàn Tây Nguyên
“Nhà dài như một tiếng chiêng ngân đâu còn. Rừng ngày xưa cũng không còn, đất không giữ được nước ngầm. Giờ lo cho rẫy cà phê. Mùa khô hạn lo đi tưới nước cho cà phê. Lâu lâu huyện hay tỉnh có lễ hội người ta mới mời đi hát trường ca mang tính chất biểu diễn. Tivi, điện thoại giờ đầy thứ giải trí. Mấy đứa trẻ giờ đâu có tâm trạng nghe trường ca như thời mình ngày trước nữa. Giờ mà nhà nước mở lớp dạy hát trường ca – sử thi, tôi tình nguyện đi dạy”, giọng già làng chậm rãi.
Chiều mùa đông, buôn làng lạnh se sắt. Phụ nữ trong buôn vẫn địu con ra bến tắm. Cạnh bến tắm là di tích dấu chân Đam San. Đó là “nhân chứng” về những bản trường ca huyền thoại thấm đẫm tâm hồn của người cao nguyên.
Hay chỉ là một hòn đá vô tri mà nhân gian vốn lắm ước mơ và giàu tưởng tượng?