Bộ Xây dựng có giúp kích được cầu?
Từ khi thị trường bất động sản đóng băng, những nỗ lực của Bộ Xây dựng là rất đáng ghi nhận, dù những giải pháp đề ra mang tính chữa cháy nhiều hơn là hướng tới những mục tiêu dài hạn. Khi thị trường lên cơn sốt, những giải pháp của Bộ Xây dựng đưa ra nhằm hạ nhiệt những cái đầu nóng đừng đổ xô vào bất động sản đã không thu được kết quả; nay khi mọi thứ gần như bất động, những giải pháp nhằm kích cầu của Bộ này dường như cũng sẽ chẳng ảnh hưởng đến thị trường…
Lần này, những đề xuất của Bộ Xây dựng nhằm phá băng thị trường sẽ tác động đến cả người mua cuối cùng lẫn doanh nghiệp bất động sản, tức là tác động đến cả cung và cầu căn hộ. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu khoanh nợ, giãn thời hạn trả nợ đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, xây lắp, các chủ đầu tư xây dựng nhà ở để bán nhưng đang trong quá trình xây dựng. Đồng thời, kiến nghị ban hành quy định giảm 50% thuế giá trị gia tăng đối với các hộ gia đình, cá nhân khi mua nhà ở chung cư thương mại bình dân (diện tích căn hộ nhỏ hơn 90m2, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2) và mua lần đầu để ở.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần có lộ trình giảm lãi suất cho vay, cải cách các thủ tục cho vay, nới lỏng chính sách tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới để các đơn vị này dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn hơn. Với tình hình hàng tồn kho ngày càng nhiều, có thể nói hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đang bị “nợ đè”, không có tiền đâu để trả lãi vay chứ chưa nói đến trả nợ gốc. Chính vì vậy, trước khi tiếp cận với các khoản vay mới cho những dự án tiềm năng, các doanh nghiệp cần được cơ cấu lại các khoản nợ, giãn nợ hoặc khoanh nợ.
Những đề xuất ấy được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gần như tê liệt hơn một năm qua. Hoạt động đầu tư – đầu cơ hầu như không còn, trong khi người có nhu cầu thực tỏ ra rất dè dặt. Tất cả các phân khúc đều xuống dần đều và giá cũng giảm tương ứng. Dù từng thời điểm cũng có những phân khúc lóe sáng, nhưng nhìn chung, từ sự tê liệt của phân khúc căn hộ cao cấp, các phân khúc khác như căn hộ trung cấp, giá rẻ, đất nền, nhà phố… đều lần lượt im ắng. Sự sụt giảm còn lan sang cả phân khúc văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại…
Và dĩ nhiên, khi “đầu ra” căn hộ, nhà ở… bế tắc, hàng loạt ngành sản xuất, dịch vụ liên quan đến xây dựng cũng lâm vào khốn khó. Từ tháng 4-2011 – thời điểm bắt đầu chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước – đến nay, hàng loạt các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng vật liệu xây dựng rơi vào tình trạng hàng tồn kho chất đống, phải thu hẹp quy mô sản xuất. Số lượng gạch ốp lát tồn kho lên đến 60 triệu m2, dù hàng chục dây chuyền sản xuất đã không hoạt động thời gian qua. Lượng tồn kho xi măng và thép xây dựng giảm so với mấy tháng trước nhưng không phải nhờ tiêu thụ tăng mà bởi nhiều nhà máy đã cắt giảm sản lượng. Hiện lượng xi măng tồn kho khoảng 2 triệu tấn, thép xây dựng tồn kho tính đến hết tháng 8 là khoảng 316 ngàn tấn. Tám tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2011, khai thác đá, cát, sỏi, đất sét, cao lanh giảm 21,8%, sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng giảm 12,9%,… Kính tấm tiêu thụ cũng giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2011 và hiện ba phần tư số lò kính cán in hoa đã dừng sản xuất.