Những khách hàng khó tính luôn làm cho các nhân viên bán hàng mệt mỏi và căng thẳng, nhất là vào dịp mua sắm cuối năm, khi ai cũng phải luôn chân luôn tay để đáp ứng vô số nhu cầu xem hàng, thử hàng.
Nhằm giúp các nhân viên phục vụ xử lý khéo léo hơn với những vị khách hàng khó tính, các nhà quản trị kinh doanh nên tham khảo và vận dụng những kinh nghiệm dưới đây.
Tuân thủ nguyên tắc “Khách hàng luôn luôn đúng”. Câu thành ngữ này trong lĩnh vực tiếp thị vẫn được xem là cách tốt nhất để đối mặt với những người mua hàng lắm chiêu. Một người khách hài lòng với việc mua hàng thường chỉ kể trải nghiệm tốt ấy với vài ba bạn bè của họ, nhưng nếu không hài lòng thì người ấy sẽ kể chuyện không hay với cả chục người khác.
Trong thời đại truyền thông xã hội, lời chê còn được tuyên truyền trên mạng và sẽ có hàng trăm người nữa biết được chuyện ấy.
Khi doanh nghiệp đã đầu tư nhiều công sức và tiền bạc vào việc lôi kéo khách hàng nhưng nếu để vài ba khách hàng than phiền và kể xấu thì bao nhiêu cố gắng tiếp thị cũng có thể biến thành mây khói.
Một điều may mắn là thông thường vẫn có đến 99% khách hàng tuân theo các quy định mua hàng và chỉ có 1% tỏ ra gây khó dễ cho người bán.
Do vậy, nếu có ai trở lại và trách móc điều gì đó, bạn hãy chịu khó lắng nghe và niềm nở chiều lòng họ. Hãy tỏ ra cố gắng bằng mọi cách có thể để đáp ứng mọi đòi hỏi, kể các vặn vẹo của khách hàng khó tính, bằng không, người chịu thiệt thòi sẽ chính là bạn vì cả thế giới vẫn tin rằng “Khách hàng luôn luôn đúng”!
- Xem thêm: Xử lý khi gặp khách hàng khó tính
Đào tạo nhân viên cách xử trí các trường hợp rắc rối. Nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến việc huấn luyện kỹ năng phục vụ cho đội ngũ nhân viên trước những ngày lễ tết cuối năm nhằm giải quyết nhanh mọi nhu cầu của đông đảo khách hàng, trong đó có cả những khách hàng đặc biệt khó tính.
Một khi được huấn luyện đầy đủ, đội ngũ nhân viên bán hàng của bạn sẽ trở nên năng động, khéo léo và tự tin hơn trong cách xử trí với những yêu cầu rắc rối của khách hàng.
Chẳng hạn, nếu cửa hàng của bạn không còn đúng món quà tặng nhân dịp năm mới mà khách hàng dự kiến mua, nhân viên sẽ hướng dẫn họ đến đâu để mua được, dù đó có thể là cửa hàng của đối thủ cạnh tranh.
Tuyển dụng đủ người để hạn chế tối đa sự tức giận của khách hàng. Khi xét thấy cần thiết, nên tăng thêm lượng nhân viên phục vụ khách hàng để có đủ người tiếp đón khách hàng và đề phòng những trục trặc trong việc bán hàng.
Nếu khách hàng phải chờ đợi quá lâu mà không có ai nhòm ngó đến thì tất nhiên người ấy sẽ cảm thấy khó chịu và chỉ cần một sự đối xử không khéo của nhân viên bán hàng là cơn giận dữ có cơ hội bùng phát.
Tình trạng thiếu nhân lực trong giai đoạn bán hàng cao điểm còn buộc đội ngũ nhân viên làm việc quá sức và khi đã mệt mỏi thì họ cũng không thể niềm nở và chu đáo trong phục vụ khách hàng.
Đừng cam kết những gì không thể thực hiện được. Có thể nhân viên bán hàng muốn chiều lòng người khách hàng khó tính bằng một lời hứa hẹn, nhưng nhất định đó không phải là lời hứa suông. Khách hàng không thích sử dụng lý trí để phán xét điều mà nhân viên đã hứa, mà tin tưởng rằng họ sẽ được toại nguyện trong đôi ba ngày tới.
Khi đến hẹn mà hoặc nhân viên bán hàng quên mất lời hứa hoặc chợt nhớ ra mình đã hứa hão thì tất nhiên, nhân viên ấy sẽ phải gánh chịu cơn thịnh nộ của khách hàng. Do đó, đã bán hàng thì phải luôn nỗ lực làm hài lòng khách hàng, nhưng đừng hứa hẹn những gì không làm được.
- Xem thêm: Để khách hàng chịu khó lắng nghe bạn
Nếu đã hết cách, đành chịu mất khách hàng khó tính. Nếu nhân viên bán hàng đã đưa ra vài phương án để giải quyết vấn đề mà người khách hàng khó tính vẫn không thỏa mãn thì nên cho phép nhân viên chấm dứt mối quan hệ, nếu cần thì gửi trả lại tiền cho khách hàng.
Nên có những quy định cụ thể cho đội ngũ nhân viên bán hàng để họ chủ động quyết định cách xử sự với khách hàng khó tính, ví dụ khi đã tốn quá nhiều thời gian để thuyết phục mà không đạt kết quả hoặc nếu khách hàng đưa ra những đòi hỏi phi thực tế thì nhân viên được phép mời họ cứ đi tìm ở chỗ khác thứ họ muốn.