Giới chuyên gia quốc tế khẳng định nhu cầu sừng tê giác từ Việt Nam và Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến nạn tàn sát tê giác châu Phi. Thực tế, sừng tê giác có kết cấu cũng giống như móng tay và tóc người, hoàn toàn không có bất kỳ tác dụng y khoa (như hạ sốt, giảm đau, sát khuẩn hay kháng viêm), cũng không có tác dụng chữa bệnh ung thư như lời đồn ở Việt Nam, mà nguy hiểm hơn là còn chứa chất độc.
Từ năm 2010, tiến sĩ Lorinda Hern và bác sĩ Charles Van Niekerk đã thành lập Dự án Giải cứu tê giác RRJ (Rhino Rescue Project) để bảo vệ loài tê giác Nam Phi trước nguy cơ tuyệt chủng. RRJ lựa chọn một phương pháp “phá cách” là tiêm thuốc độc vào sừng tê giác để “giảm giá trị” sản phẩm gây sốt tại châu Á. Các chuyên gia RRJ bắn súng gây mê tê giác, khoan sừng tê, bơm thuốc độc ngấm sâu vào sừng. Chất độc này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của tê giác, nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu thụ sừng tê, thậm chí gây chết người. Đây là cách để cứu tê giác, cũng là một cảnh báo cho những ai đang có ý định sử dụng sừng tê.