Những diễn biến gần đây tại vùng biển nơi Trung Quốc đang xây đắp các đảo nhân tạo cùng với những phản ứng cứng rắn của Mỹ, khiến giới bình luận quốc tế cho rằng tình hình Biển Đông đã trở nên vô cùng căng thẳng với sự đối đầu quân sự đang tiềm ẩn ở khu vực này.
Sau vụ hải quân Trung Quốc nhiều lần cảnh báo máy bay tuần tra của Mỹ trên không phận Biển Đông ngày 20-5, Washington tuyên bố vẫn tiếp tục các chuyến bay nói trên, tỏ quyết tâm ngăn chặn tham vọng chủ quyền của Trung Quốc ở vùng này.
Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng hoạt động trinh sát tuần tra ở Biển Đông có thể mới chỉ là bước đầu, máy bay và tàu hải quân Hoa Kỳ hiện chưa đi vào trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các công trình cải tạo mà Trung Quốc đang làm.
Theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc không thể tác động đến việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Mỹ cũng nói rõ không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại những nơi ở Biển Đông được xem là vùng biển và vùng trời quốc tế.
Trung Quốc tỏ ra rất tức giận về hoạt động bay trinh sát của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi gọi đây là “hành vi có thể gây ra tai nạn, rất vô trách nhiệm, nguy hiểm và có hại cho hòa bình và ổn định khu vực”.
Ông Hồng Lỗi nói rõ: “Trung Quốc sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ khu vực liên quan, có những biện pháp phù hợp và cần thiết để ngăn chặn việc gây tổn hại cho sự an toàn của các đảo và bãi đá Trung Quốc cũng như bất kỳ sự cố nào trên không và trên biển”.
Cùng ngày, Hoàn Cầu Thời báo đăng bài xã luận nói rằng những hành động khiêu khích của Mỹ không ngăn chặn được kế hoạch xây đảo của Trung Quốc ở Trường Sa. Tờ báo đưa ra lời đe dọa: “Washington nên nhớ rằng sức mạnh tàu chiến và chiến đấu cơ của họ ít có khả năng giành chiến thắng trước sự khôn ngoan từ hàng thế kỷ của Trung Quốc”.
Nỗ lực hạn chế máy bay nước ngoài vào không phận quốc tế vừa nói sẽ làm gia tăng đáng kể căng thẳng trong khu vực và có thể kích động đối đầu giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù vẫn còn đang che đậy mục đích quân sự của đảo nhân tạo, nhưng rõ ràng hành động hung hăng của Trung Quốc cho thấy họ muốn thay đổi cán cân quyền lực ở Biển Đông, muốn sánh vai với hải quân Mỹ đang giữ vị thế vượt trội trong khu vực.
Bên cạnh mối quan ngại về quân sự, Hoa Kỳ còn lo ngại về quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nhất là Bắc Kinh có vẻ như cũng muốn thiết lập tại đây một vùng nhận dạng phòng không tương tự nhưở vùng biển Hoa Đông.
Để đối phó với hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, kể từ tháng 1-2015, Hoa Kỳ đã gia tăng các chuyến bay giám sát và các chuyến tuần tra trên biển ở khu vực Biển Đông. Đặc biệt gần đây Mỹ đã cho tiến hành các chuyến bay tuần tra của máy bay giám sát hiện đại nhất P-8A Poseidon bên trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng.
Rất có thể là máy bay giám sát P-8A Poseidon sẽ tiếp tục được sử dụng để bay tuần tra trên khu vực này, vì đây là một loại phi cơ đa năng, không chỉ có chức năng ghi các hình ảnh, thu thập các dữ liệu, mà còn có chức năng săn tàu ngầm và bắn tên lửa diệt hạm. Hải quân Mỹ đã tiếp nhận 21 chiếc P-8A vào tháng 1-2015 và có thể đặt mua tổng cộng đến 117 chiếc.
Ngoài ra Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đang xem xét phương án gởi các chiến hạm đến vùng biển gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng, cụ thể là trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đảo này, vì đối với Washington, đó cũng là vùng biển quốc tế, mà tất cả các nước đều có quyền tự do lưu thông.
Như vậy là sau khi các lãnh đạo Mỹ, từ Tổng thống Obama đến Ngoại trưởng Kerry đưa ra những tuyên bố quan ngại về các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, Washington nay quyết tâm dùng các phương tiện quân sự để đối phó với Bắc Kinh ở Biển Đông, có thể dẫn đến nguy cơ đụng độ giữa hai cường quốc ở khu vực này ngày càng tăng.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Steven Warren khẳng định, Mỹ không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc xung quanh các kết cấu nhân tạo. Tuy các máy bay giám sát P-8A và tàu hải quân Mỹ tuần tra ở Biển Đông chưa thử hoạt động trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo, nhưng đó sẽ là bước tiếp theo. Ông nói với báo giới: “Chúng tôi sẽ tiếp tục các sứ mệnh tuần tra thông thường của mình”.
Trước đó, các quan chức quân sự Mỹ cho hay, họ đang cân nhắc chọn lựa điều động tàu chiến và máy bay giám sát đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng gia tăng căng thẳng khi hai bên đối đầu ở vùng biển có các hải trình quan trọng bậc nhất với thương mại toàn cầu.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương Daniel Russel, trong một cuộc họp báo tại Washington hồi cuối tuần, nói rằng chuyến bay giám sát của Mỹ là hoàn toàn phù hợp và các lực lượng hải quân, máy bay quân sự Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền hoạt động ở vùng biển và không phận quốc tế.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn VNN, ông Jonathan Odom, Cố vấn chính sách về đại dương thuộc Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Mỹ luôn duy trì sự hiện diện liên tục tại Biển Đông, thường xuyên có các tàu đến thực thi nhiệm vụ tại các khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế. Ông lý giải thêm: “Tiếp cận và hiện diện có quan hệ mật thiết. Việc tiếp cận là để duy trì sự hiện diện và duy trì sự hiện diện cũng là duy trì khả năng tiếp cận khu vực này nhằm đảm bảo với các đồng minh cũng như đối tác trong khu vực sự cam kết của Mỹ về an ninh khu vực”.
Ông Jonathan Odom nói rõ: “Mục tiêu bảo vệ lợi ích tự do hàng hải của Mỹ được thực hiện trên toàn cầu, chúng tôi phản ứng trước các tuyên bố chủ quyền trên biển của nhiều quốc gia nếu thấy không phù hợp với UNCLOS, không chỉở riêng châu Á – Thái Bình Dương.
Một nguyên tắc nữa là Mỹ sẵn sàng phản ứng trước các tuyên bố chủ quyền quá mức của bất cứ quốc gia nào – đồng minh, đối tác, đối thủ cạnh tranh hay kẻ thù tiềm năng.
Mỹ muốn nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển. Có những tuyên bố chủ quyền trên biển đã được các quốc gia đưa ra trước khi có UNCLOS 1982. Mỹ sẽ hỗ trợ các quốc gia này trong việc hoàn thiện pháp luật quốc gia của họ sao cho phù hợp với các quy định của UNCLOS, và nhiều quốc gia đã làm như vậy.
Nhưng khi có một quốc gia không xem xét điều chỉnh các tuyên bố chủ quyền trên biển của mình cho phù hợp với UNCLOS, chúng tôi trước hết sẽ phản ứng bằng các biện pháp ngoại giao. Sau đó là tiến hành các biện pháp đảm bảo tự do hàng hải trong các vùng biển phù hợp với quy định của UNCLOS”.
Trong một diễn biến mới nhất, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông nhân lễ tốt nghiệp ở Học viện Hải quân tại bang Maryland ngày 22-5. Ông nói nước Mỹủng hộ giải pháp hòa bình, công bằng cho các tranh chấp và quyền tự do lưu thông, nhưng hiện nay những nguyên tắc này đang bị thách thức bởi các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Biden nhấn mạnh Biển Đông quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ và cảnh báo vùng biển này vẫn đang là khu vực có nguy cơ xảy ra xung đột. Phó tổng thống Mỹ nói rằng nhiều người trong số sĩ quan mới sẽ đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương để hỗ trợ kiềm chế những thách thức đang nổi lên trước khi chúng biến thành xung đột. Đó là lý do 60% lực lượng hải quân Mỹ sẽ đóng ở châu Á – Thái Bình Dương trước năm 2020.
Tuần trước, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cho hay Lầu Năm Góc dự đoán Trung Quốc sẽ hoàn thành một đường băng ở Đá Chữ Thập vào năm 2017 hoặc 2018.
Mới đây, nhà phân tích về quân sự Trung Quốc Rick Fisher tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cảnh báo: “Mùa thu sắp tới, quân đội Trung Quốc có thể bắt đầu triển khai vũ khí đến các đảo này, trước tiên là ra-đa cùng các tên lửa phòng không, chống hạm rồi tới chiến đấu cơ J-11B”.
Ông Fisher khẳng định một khi hoàn tất các cơ sở quân sựở Trường Sa, Bắc Kinh sẽ dùng chúng để ngăn chặn lực lượng Mỹ vào khu vực. Từ đó, ông đề xuất: “Mỹ nên hợp tác với Philippines, sẵn sàng cung cấp cho nước này nhiều đội chiến đấu cơ đa nhiệm và hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể phá hủy các đảo của Trung Quốc nếu nước này tấn công Philippines”. Chuyên gia Fisher nhấn mạnh chỉ khi nào các lực lượng Mỹ và Philippines có khả năng tiêu diệt các căn cứ mới của Trung Quốc thì mới có cơ may khiến Bắc Kinh xem xét lại hành động bành trướng của họở Biển Đông.