Công ty Truyền thông Bloomberg vừa công bố công trình khảo sát Bloomberg Billionaires Index năm 2017 với 500 người giàu nhất thế giới, theo đó, chỉ trong một năm, số người này đã bổ sung vào khối tài sản khổng lồ của họ 1.000 tỉ USD, tăng 23% và nâng tổng tài sản của họ lên 5.000 tỉ USD (ngân sách hiện nay của nước Mỹ là 3.700 tỉ USD).
Còn theo Forbes, hiện trên thế giới có hơn 2.000 tỉ phú và con số này ngày một tăng nhanh, cứ mỗi ba ngày là có một triệu phú xuất hiện. Mỹ có 535 tỉ phú, xếp thứ nhì sau Trung Quốc với 594 tỉ phú. Trên đất nước châu Á này có một câu lạc bộ tỉ phú lấy tên China Entrepreneur Club có 64 hội viên và kết nạp theo thủ tục đồng thuận 64/64. Số người này hiện sở hữu 300 tỉ USD, bằng 4,5% tổng GDP của Trung Quốc. Sự thừa kế là một trong những yếu tố quan trọng trong xã hội Trung Quốc, các nhà nghiên cứu ước tính cứ mỗi 10 năm, người Trung Quốc để lại một di sản thừa kế 1.000 tỉ USD, chủ yếu cho con cái của họ. Số tài sản thừa kế này sẽ tăng lên 3.000 tỉ USD trong vòng 20 năm.
Thuế khóa là một trong những vấn đề hàng đầu của xã hội phát triển, khi các chính phủ cần có chính sách khoan nhượng về thuế khóa cho các doanh nghiệp để củng cố nền sản xuất. Luật thuế của chính quyền Donald Trump cắt giảm thuế cho các công ty, làm tăng thêm 1.700 tỉ USD trong khoản khiếm hụt ngân sách đã lên đến 18.960 tỉ USD. Cuộc cải cách thuế khóa của Mỹ có ảnh hưởng sâu xa đến nền kinh tế châu Âu, làm thay đổi cán cân thương mại và thanh toán.
Tình trạng tám người giàu nhất thế giới có khối tài sản bằng với tài sản của 2,3 tỉ người nghèo dẫn đến hai câu hỏi lớn là nợ trên thế giới như thế nào và các chính phủ giúp người giàu tránh thuế ra sao.
Với nợ nần, gần đây Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã báo động: nợ chung của khu vực phi tài chính đã tăng gấp đôi, tính từ cuối thế kỷ XX đến nay là 226.000 tỉ USD, gấp hơn ba lần sản lượng kinh tế toàn cầu hằng năm. Riêng nền kinh tế Mỹ, tổng số nợ của khu vực tư trong quý I-2017 là 14.900 tỉ USD, tăng 900 triệu USD chỉ trong ba tháng. Trong khi lương tăng từ 9,2 tỉ USD vào năm 2014 lên 10,3 tỉ USD vào quý II-2017 thì nợ của các gia đình đã tăng từ 13,9 tỉ USD lên 14,9 tỉ USD chỉ trong bốn tháng.
Về thuế khóa, nhiều quốc gia chiêu dụ các doanh nghiệp lớn bằng thuế suất thật thấp, biến đất nước họ thành những “thiên đường thuế” (tax haven) lý tưởng. Theo số liệu mới nhất, đã có 21-30 ngàn tỉ USD được đưa đến những thiên đường thuế này. Báo cáo của Mạng Công lý Thuế khóa (Tax Justice Network) cho biết hệ thống tránh thuế của giới nhà giàu phương Tây được “thiết kế và điều hành” bởi một nhóm chuyên gia được trả lương cao xuất thân từ những ngân hàng lớn nhất thế giới (UBS, Credit Suisse, Goldman Sachs…), các văn phòng luật, các hãng kế toán…, được sự nương tay của các tổ chức quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và nhóm G20. Từ năm 2005 đến nay, số tiền tránh thuế ngày càng gia tăng, khoét sâu hố ngăn cách giữa những người siêu giàu với phần còn lại của thế giới. Buổi họp cuối cùng của các bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (Ecofin) đã không đi đến một quyết định nào, vì nhiều nước hội viên như Luxemburg, Anh, Ireland, Hà Lan, Malta và Cyprus đang làm chủ nhiều thiên đường thuế trên lãnh thổ của họ. Ở Mỹ có hai bang, đặc biệt là Delaware, có những thiên đường thuế thậm chí FBI và CIA cũng không thâm nhập được. Nhà kinh tế Kim Clausing thuộc Trường Reed College ước tính rằng những thiên đường thuế và kỹ thuật thay đổi thu nhập đã khiến ngân khố Mỹ bị mất đi 111 tỉ USD riêng cho năm 2012.
- Tổng hợp