Một bức tượng chú dê núi đang nằm, kích thước chỉ 4 x 7cm, được đúc bằng bạc và vàng thật tinh xảo và thật đẹp, có niên đại 3.200-2.700 năm trước Công nguyên là báu vật vô giá của Bảo tàng Mỹ thuật Boston. Một bức cuốn thư vẽ cừu và dê, tác giả là Triệu Mạnh Phủ – học giả, họa sĩ, nhà thư pháp nổi tiếng Trung Quốc thời nhà Nguyên – được định giá khoảng 100 triệu USD… Và vô số các tác phẩm mỹ thuật khác lấy con dê làm đề tài sáng tác, cho thấy “anh chàng 35” này được các nghệ sĩ tạo hình từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á, từ cổ chí kim ưu ái biết ngần nào.
Trong số các bậc thầy mỹ thuật hiện đại, Picasso không chỉ vẽ rất nhiều mà còn làm tượng dê đủ kiểu: thôi thì dê già, dê đực, dê cái, dê cỏn(1), cái đầu dê, bộ xương dê… và cả thần Dê (Satyr) hay còn gọi là Dâm thần vì luôn gạ gẫm, giở trò… dê cụ với những cô nàng xinh đẹp. Ngoài những tác phẩm nhiều kích thước và được vẽ với nhiều chất liệu, Picasso còn vẽ hàng loạt phác thảo dê và đặc biệt là vẽ dê trên đĩa gốm. Những đĩa gốm được ông vẽ năm 1952, sau đó được nung với số lượng hạn chế – thường là 100 bản cho một bức vẽ dê – hình tròn, ôvan hay vuông với men màu ngà, xanh dương, vàng, đen, phía sau có dấu triện với dòng chữ “Madoura Plein Feu” (gốm Madoura nung già lửa) và “Empreinte Originale de Picasso” (Picasso nguyên bản), nay có giá khoảng 50.000 USD một đĩa. Còn những tranh in lụa các phác thảo của Picasso nay cũng có giá hàng ngàn USD.
Hình ảnh con dê cũng tràn ngập trong tranh Marc Chagall, mà một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất là bức Tôi và ngôi làng với con dê như đang trò chuyện cùng họa sĩ trong khung cảnh làng quê nhà của ông ở nước Nga. Người nghệ sĩ tha hương luôn đau đáu hình ảnh làng quê ấu thời, nên trong tranh ông là cái thế giới đã mất với những nhà thờ Chính thống giáo, những nghệ sĩ hát rong với vĩ cầm hay đại hồ cầm, những dê, bò, cừu… bè bạn của tuổi thơ. Trong một bức chân dung tự họa ở giai đoạn cuối đời (1982), Chagall vẽ ông ở phía sau một con dê như thể ông muốn nói: “Tôi là con dê này”; đầu dê và đầu người họa sĩ chạm vào nhau âu yếm; một mắt dê được vẽ trực diện với người xem như thể chính là mắt người tự họa; và trên tấm bảng pha màu là chữ “Ch” – viết tắt tên họa sĩ và cũng là viết tắt từ “chèvre” (“dê” trong Pháp ngữ). Vì sao Chagall yêu thích con dê đến vậy vẫn là một điều chưa được lý giải, bởi ông sinh vào tháng Bảy, không thuộc tuổi Bạch Dương theo tử vi Tây phương.
Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Amalthea (hay Amaltheia) thường được coi là mẹ nuôi của thần Zeus – thần cai quản bầu trời hay “vua của các vị thần”. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, tên của nữ thần Amalthea hàm nghĩa là nữ thần nuôi dưỡng trẻ ấu thơ và có khi được thể hiện bằng hình ảnh một con dê cái với bầu sữa ngọt lành đã nuôi dưỡng thần Zeus sơ sinh. Câu chuyện thần thoại về nữ thần Amalthea trong hình hài dê cái cho thần Zeus bú sữa đã được các họa sĩ châu Âu cổ điển dựng thành tác phẩm, chẳng hạn như Jacob Jordaens (1593-1678, một trong ba tên tuổi lớn của hội họa Hà Lan thời kỳ Baroque, hai người kia là Peter Paul Rubens và Anthony van Dyck) với một loạt phác thảo và tranh, hay họa sĩ Pháp Nicolas Poussin (1594-1665) với những cách dựng hình khác nhau cũng về đề tài thần thoại này.
Với họa sĩ Tây Ban Nha Francisco Goya (1746-1828), hình ảnh con dê lại mang ý nghĩa đen tối: trong bức tranh tường hiện lưu giữ tại Bảo tàng Prado ở Madrid, con dê là hiện thân của quỷ Sa-tăng và ở trong số 14 bức “Tranh Đen” được ông vẽ trực tiếp lên những bức tường trát thạch cao ở nhà riêng của ông, thể hiện những thế lực tàn độc, u tối đang tìm cách ngự trị thế gian. Có thể hiểu được trạng thái tâm lý của Goya khi vẽ loạt tranh này: lúc đó ông đã 75 tuổi, sống cô độc trong cảnh đau yếu cả thể xác lẫn tinh thần nên trong ông đầy những ám ảnh ghê rợn về kiếp người.
Ở phương Đông, linh vật của năm Mùi trong thập nhị can chi cũng được nhiều tác giả từ xưa tới nay đưa vào tác phẩm mỹ thuật, như bức Cừu và dê của Triệu Mạnh Phủ (1254-1322) đã nói ở trên. Trước đó, họa sĩ Trần Tông Huấn (1201-1230), một gương mặt hội họa thời Nam Tống cũng có bức tranh vẽ bốn con dê hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Bắc Kinh. Xa hơn nữa là bích họa được vẽ trong các hang động ở Bagan (Myanmar) mô tả một bầy dê mà sữa của chúng được dùng để cúng dường Đức Phật trước ngày Ngài thành chánh quả(2)…
(1) Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/ Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa (thơ Hồ Xuân Hương)
(2) Theo bộ kinh Phật bản hạnh tập có từ đời nhà Tùy, khi Đức Phật tu khổ hạnh, có hai thiếu nữ đã dâng cúng thức ăn, nước uống cho Ngài; sau đó một người chăn dê đã nhận nhiệm vụ này mãi đến khi Đức Phật hồi phục hoàn toàn sức lực sau sáu năm khổ hạnh
- Diên Vỹ