Cuối tuần qua Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3-2016, cũng là phiên họp cuối cùng kết thúc nhiệm vụ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau gần 10 năm ở cương vị này cùng với hai nhiệm kỳ làm Phó thủ tướng.
Dịp này ông đã nói lời chia tay và cảm ơn chân thành với các thành viên chính phủ, thủ trưởng các cơ quan trực thuộc đã ủng hộ, giúp đỡ ông thực hiện tốt nhiệm vụ với tư cách là người đứng đầu chính phủ.
Ông chia sẻ, chính phủ đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng trong suốt 10 năm qua, vượt nhiều khó khăn thách thức.
Ông cũng gửi lời cảm ơn tới 12 thành viên trong Tổ tư vấn của Thủ tướng, đã có đóng góp tích cực trong thời gian qua và nay ông Trương Đình Tuyển cùng 11 thành viên khác trong Tổ tư vấn cũng đã xin thôi nhiệm vụ.
Nhắn gửi với những thành viên ở lại nhiệm kỳ mới, ông bày tỏ mong muốn các vị này tiếp tục phát huy, hoàn thành tốt trọng trách của Đảng và Nhà nước giao.
Theo chương trình kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa 13, ngày 6-4 tới Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng. Trước khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm vào chiều cùng ngày, chương trình kỳ họp đã thiết kế thời gian để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể phát biểu. Cuối chiều cùng ngày, Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ và tân Thủ tướng sẽ tuyên thệ trước Quốc hội vào sáng 7-4.
Tại phiên họp cuối cùng của Chính phủ nhiệm kỳ này, trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và quý I-2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết trong ba tháng đầu năm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, tạo điều kiện để thực hiện cải cách về sản phẩm, dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Tăng trưởng khu vực dịch vụ cao hơn cùng kỳ; xuất siêu bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tổng mức đầu tư toàn xã hội và thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khá cao. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt.
Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống của người dân, đặc biệt là người có công, hộ nghèo, vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn… được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.
Tuy nhiên, tình hình quý I cũng cho thấy nền kinh tế nước ta đang gặp những khó khăn thách thức, trong đó có vấn đề tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại. Tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất và đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn còn nhiều khó khăn.
“Di sản” Chính phủ nhiệm kỳ này để lại ngoài các vụ án trọng điểm trong đó có Vinashin, Vinalines chưa được giải quyết rốt ráo, còn là nợ công tăng nhanh, nợ chính phủ đã vượt giới hạn. Tình hình công nợ đã được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 của Quốc hội sáng 21-3 qua báo cáo bổ sung tình hình kinh tế xã hội năm 2015.
Phó thủ tướng khái quát, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2015 đã hoàn thành. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, hai chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ che phủ rừng và chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Báo cáo cũng nêu không ít hạn chế, yếu kém như phát triển kinh tế – xã hội chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và một số cân đối lớn ổn định chưa vững chắc. Cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, vẫn còn thất thu, nợ đọng thuế, cơ cấu chi chưa hợp lý, chi thường xuyên tăng nhanh. Một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, bội chi ngân sách còn cao.
Chính phủ cũng nhìn nhận, việc sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí. Đóng góp của khu vực kinh tế trong nước vào tăng trưởng xuất khẩu thấp. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển thiếu bền vững. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại còn phức tạp.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy thể chế kinh tế thị trường chưa thật đồng bộ, thông suốt; chưa thực sự là động lực tạo đột phá để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cải cách hành chính và xây dựng thể chế để bảo đảm tự do, bình đẳng kinh doanh còn chưa đạt yêu cầu. Các loại thị trường vận hành còn vướng mắc, hiệu quả chưa cao.
Nhưng vướng mắc lớn nhất là nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, nợ Chính phủ vượt giới hạn quy định là 50%. Nợ công của Việt Nam theo tính toán của nhiều người có nhiều sai số nhưng cũng đang ở mức vượt ngưỡng 1.000 USD/đầu người.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2015 tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 16,1% so với thu ngân sách, con số này sẽ cao hơn (khoảng 24%) nếu tính cả các khoản đảo nợ. Trong số nợ phải trả, áp lực nặng nề nhất là các khoản vay ODA.
Từ năm 2012 đến nay, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài tăng lên do các khoản vay ODA đã hết ân hạn, phải trả cả vốn vay lẫn lãi. Đồng vốn này chiếm đến 70 – 80% nợ nước ngoài của Việt Nam, phần lớn dùng vào đầu tư công nhưng các công trình này lại không có hiệu quả.
Áp lực nợ ODA căng thẳng nhất là khoảng thời gian 10 năm tới đây kết thúc ân hạn, các khoản nợ phải trả cả vốn lẫn lãi cùng lúc.
Trong bối cảnh áp lực nợ ngày càng lớn, đến giữa năm 2017 Ngân hàng Thế giới sẽ chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam, khi ấy chúng ta phải vay quốc tế với lãi suất cao theo thị trường.
Theo Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), thời điểm nợ công phải trả nhiều nhất là giai đoạn năm 2022-2025 mà mỗi năm Chính phủ sẽ phải dành khoảng 155.000 tỉ đồng để trả nợ.
Giai đoạn trước mắt, theo đại diện Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước đang phải tập trung xử lý những khoản vay ngắn hạn trong nước. Đặc biệt, những khoản Chính phủ vay trong giai đoạn 2011-2013, với 70% vốn huy động thông qua tín phiếu, trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm, nay tới kỳ hạn phải trả.
Trước năm 2010, Việt Nam vẫn là nước thu nhập thấp, nên các khoản vay thường ưu đãi nước ngoài có kỳ hạn dài từ 30-40 năm, lãi suất thường dưới 1%/năm.
Tuy nhiên, từ năm 2010 tới nay, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nên nguồn vốn ưu đãi cũng giảm dần, thời gian vay chỉ còn từ 20-25 năm (thậm chí chỉ 15 năm), lãi vay khoảng 2%/năm. Thậm chí, một số nhà tài trợ chuyển sang vốn hỗn hợp – vừa hỗ trợ vừa cho vay thương mại.
Theo báo cáo Đánh giá Phát triển kinh tế bền vững do Công ty Tư vấn Quản lý Boston Consulting Group (BCG) thực hiện, Việt Nam đứng thứ 4 trên tổng số 149 quốc gia về năng lực chuyển đổi mức độ thịnh vượng về mặt kinh tế sang chất lượng cuộc sống của người dân, chỉ sau ba nước Moldova, Kyrgyzstan và Nepal.
Với chỉ số GDP/người (dựa trên ngang giá sức mua) chỉ đạt gần 5.200 USD, nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm các quốc gia có biểu đồ phát triển ổn định, có khả năng đạt chất lượng sống của người dân ngang bằng với các quốc gia có GDP/người trung bình là 10.000 USD.
Dù đang được các tổ chức trên thế giới đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng cũng như nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống, nhưng cũng đã đến lúc Việt Nam phải nghiêm túc nhìn vào những món nợ khủng mà đất nước sẽ phải gồng mình trả trong những năm tới.
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực ASEAN, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service dự đoán tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ phát triển vượt bậc trong năm 2016 và 2017 dù lực cầu thế giới yếu đi.
Hiện Việt Nam đang được Moody’s xếp hạng tín nhiệm ở mức B1 cùng triển vọng ổn định về mặt vay và trả nợ quốc tế.
Gia Minh (DNSGCT)