Năm 2019 sẽ là năm không mấy dễ dàng với ngành thời trang, với những sự kiện tiếp diễn từ tiền đề đã có trước hoặc mới xảy ra trong năm 2018.
Vùng đất hứa châu Á
Theo chia sẻ của Richemont, tập đoàn thời trang lớn thứ nhì thế giới thì trong ba tháng cuối năm 2018, doanh thu của Cartier đặc biệt giảm mạnh tại Paris trong khi có vẻ khả quan ở phần còn lại của thế giới. Lý do của sự sụt giảm rõ rệt này không đâu khác ngoài cuộc biểu tình rộng lớn của những người áo vàng tại Pháp; buộc các tập đoàn thời trang phải tập trung kích thích tăng trưởng tại những thị trường khác. Cuối năm 2018, nhiều thương hiệu đã tổ chức các sự kiện đặc biệt chăm sóc khách hàng thị trường châu Á, cho thấy châu lục này vẫn là thị trường tiêu thụ đồ hiệu chủ yếu hiện nay và trong tương lai.
Những năm gần đây nền kinh tế các nước Đông Nam Á phát triển mạnh mẽ, nếu quan sát cách người dân Đông Nam Á mua sắm khi đi du lịch nước ngoài có thể thấy nhu cầu mua sắm đồ hiệu ở khu vực này không hề kém cạnh so với các nước phát triển tại châu Á. Thị trường Đông Á với Hàn Quốc và Nhật Bản cũng sẽ được quan tâm hơn nữa bởi sức mua ổn định và thói quen tiêu thụ đồ hiệu lâu năm. Tuy nhiên, sẽ có nhiều thử thách tại thị trường này bởi rất nhiều thương hiệu nội địa có chất lượng không thua kém nước ngoài.
Nhiều báo cáo cho thấy Trung Quốc là thị trường thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới hiện nay nhưng trên thực tế, tỷ lệ người tiêu thụ đồ xa xỉ tại đây rất nhỏ so với con số hơn 1,3 tỉ dân. Có theo dõi diễn biến chiến tranh thương mại với Mỹ mới thấy nền kinh tế Trung Quốc cũng rất mong manh. Đồng nhân dân tệ đang có xu hướng giảm, mua sắm không còn là sở thích của tầng lớp trung lưu, tỷ lệ mất việc tăng cao do nhiều nhà máy của nước ngoài tại Trung Quốc phải đóng cửa. Đây là lúc để những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, tìm thấy cơ hội trong lĩnh vực gia công và xuất khẩu hàng thời trang.
- Xem thêm: Châu Á, điểm hẹn thời trang cuối năm
Xu hướng thời trang xanh và thời trang phi giới tính
Nhận thức về môi trường của người tiêu dùng thời trang ngày càng được nâng cao. Ngoài mục đích mặc đẹp, họ cũng quan tâm đến những chất liệu thân thiện với môi trường. Da và lông cừu vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng vì là chất liệu từ ngành công nghiệp thực phẩm được tái sử dụng. Nhưng lông thú và da bò sát sẽ giảm thiểu đáng kể. Những chất liệu dự báo sẽ lên ngôi phải có những tính năng vượt trội như nhẹ, bền, thấm hút tốt, không nhăn… Chất liệu tái chế từ rác thải sẽ tiếp tục được nghiên cứu, phát triển và hy vọng sẽ được đưa vào sản xuất nhiều hơn.
Về thói quen sử dụng, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tái sử dụng đồ cũ và mặc một món đồ lâu hơn bởi nhận thức về lãng phí thời trang đối với môi trường. Một lý do khác là xu hướng thời trang đang có vẻ chững lại lâu hơn.
Có thể thấy được trong vài năm gần đây, sàn diễn thời trang đã có nhiều thay đổi với sự xuất hiện đông đảo của người mẫu chuyển giới. Trang phục nữ giới trông mạnh mẽ hơn với màu sắc, kiểu dáng cũng như chất liệu. Ngược lại, thời trang nam giới lại có phần mềm mại hơn, chưa kể những dịch vụ hay mỹ phẩm riêng cho nam giới cũng nở rộ.
Sự ra đời của cửa hàng bán lẻ thời trang phi giới tính đầu tiên Phluid Project ở khu Manhattan, New York được xem là đem đến một trải nghiệm mua sắm mới khi khách hàng nam hay nữ đều có thể tìm được một sản phẩm cho mình. Các thương hiệu thời trang bình dân như Zara hay Uniqlo cũng thường xuyên giới thiệu những bộ sưu tập phi giới tính nhằm phá vỡ rào cản trong ăn mặc. Có thể nói, đây sẽ là xu hướng thời trang lẫn bán lẻ của tương lai và sẽ là cuộc cách mạng kể từ khi Jean Paul Gaultier trưng bày cả đồ nam lẫn nữ trong cùng một boutique từ thập niên 80.
Thời trang mang tính tưởng nhớ
Trong gần 10 năm trở lại đây, thời trang luôn lội ngược lịch sử để tạo nên xu hướng và chắc chắn năm 2019, điều này sẽ không là ngoại lệ. Theo dữ liệu của Google, người dùng có xu hướng tìm kiếm những thương hiệu kinh điển như Versace, Dior, Givenchy, Alexander McQueen hay thời trang thập niên 1980, 1990, 2000, phong cách Harajuku… Trước khi (cách ăn mặc) thập niên 1980 thống lĩnh thời trang năm 2017 và 2018 thì thập niên 1970 đã trụ lại đến bốn năm.
Có thể lý giải cho xu hướng này bằng tâm lý muốn an toàn và tập trung vào thương hiệu thời trang cốt lõi. Các thương hiệu không còn muốn phá vỡ giới hạn như những năm 1980, 1990 bởi kiểu thời trang như vậy không có tính thực tiễn và không mang lại lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh cao như hiện tại. Thứ họ đang bán là niềm tự hào về giá trị thương hiệu đã xây dựng trong quá khứ bằng những chiến dịch marketing đắt tiền, bao gồm việc thuê gương mặt đại diện và giám đốc sáng tạo lừng danh.