Thời điểm cuối năm 2018, nhiều hãng thời trang chọn châu Á để trình diễn các bộ sưu tập (BST) mới cũng như tổ chức sự kiện thời trang, cho thấy tầm quan trọng của thị trường châu lục này trong bối cảnh thời trang mang tính toàn cầu.
Và không thể phủ nhận thực tế rằng doanh thu của ngành thời trang cao cấp phần lớn hiện nay đến từ châu Á. Sự tăng trưởng nhanh chóng cũng như nhu cầu khẳng định địa vị xã hội thúc đẩy sức mua của những người có thu nhập cao nơi đây. Không chỉ với dòng thời trang cao cấp mà cả những thương hiệu bình dân cũng đặt niềm tin vào thị trường châu Á béo bở với kế hoạch mở thêm cửa hàng mỗi năm. Để tạo dựng hình ảnh đẹp và mối quan hệ gần gũi hơn với những “thượng đế” mới, các thương hiệu đã tổ chức nhiều sự kiện tại những trung tâm kinh tế và văn hóa.
Nếu như trước đây chỉ một vài thương hiệu tổ chức sự kiện rải rác thì năm 2018, đặc biệt là những tháng cuối năm, bỗng dưng thị trường châu Á được quan tâm kỹ càng. Đầu tiên là khu vực Đông Nam Á với sự kiện Chanel ra mắt BST Cruise 2019 tại Bangkok diễn ra cuối tháng 10-2018. Đây là địa danh thứ hai trong khu vực được Chanel tổ chức sự kiện tầm cỡ, kể từ sau show diễn Cruise 2013 tại Singapore. Hãng chịu chi đến mức dựng lại con tàu La Pausa đã từng xuất hiện tại Paris để trình diễn BST ngay bên bờ sông Chao Phraya. Ngoài ra, Chanel còn mời những tên tuổi hạng A như Pharell Williams, Gaspard Ulliel, Tilda Swington… đến tham dự.
Thượng Hải là một trong những lựa chọn hàng đầu của các thương hiệu quốc tế cho những sự kiện tại Trung Quốc, bởi đây là trung tâm kinh tế và văn hóa phát triển bậc nhất, có được sự đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế. Trong tháng 11-2018, có đến ba thương hiệu lớn trình diễn tại đây. Miu Miu với BST Cruise 2019 làm sống dậy thời kỳ huy hoàng thập niên 1930, 1940 của Thượng Hải với cách bài trí cổ điển đời nhà Thanh.
Không giới thiệu BST, Gucci tổ chức triển lãm nghệ thuật mang tên The Artist is Present tại Bảo tàng Yuz, kéo dài từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12-2018, quy tụ hơn 30 nghệ sĩ Trung Quốc và nhiều nghệ sĩ nước ngoài. Và phải kể đến Dolce & Gabbana với sự cố làm dậy sóng mạng xã hội: nếu không có scandal thì show diễn của thương hiệu Ý này được xem là tầm cỡ nhất năm nay.
Cuối cùng là Nhật Bản, thị trường chiếm 1/3 doanh số hàng xa xỉ. Khác với Trung Quốc hay Hàn Quốc, thị trường Nhật Bản tương đối khó tiếp cận bởi người tiêu dùng ở đây có bề dày mua đồ hiệu lâu nhất châu Á, đồng nghĩa người Nhật khó tính hơn cả. Dù việc vận chuyển khá trở ngại vì thủ tục và tốn nhiều chi phí, tương tự như tìm địa điểm thích hợp, tuy nhiên Nhật Bản lại có lợi thế về thói quen mua sắm khi người tiêu dùng thích mua ở cửa hàng hơn là qua internet.
Hơn nữa, Nhật Bản là một trong những điểm du lịch đáng đến nhất thế giới và lại là nước chủ nhà Olympic 2020. Chính vì vậy các thương hiệu không thể bỏ qua thị trường khó nhằn nhưng hấp dẫn này. LVMH là tập đoàn “chăm sóc” thị trường Nhật kỹ nhất với những show diễn ra mắt BST mỗi mùa tại đây, trong đó có BST Pre-Fall 2015 và Couture Xuân 2017 của Dior tại Tokyo, Resort 2018 của Louis Vuitton tại Kyoto.
Năm nay, lần đầu tiên thương hiệu Dior Homme giới thiệu BST Pre-Fall 2019 tại Tokyo với hình ảnh kết hợp giữa tương lai với hoa anh đào đậm đà văn hóa Nhật. Valentino cũng tham gia vào bữa tiệc thời trang châu Á năm nay với BST Pre-Fall 2019 có tên Valentino TKY, lấy cảm hứng từ triết lý thẩm mỹ Wabi Sabi nổi tiếng của Nhật.
Trong khi châu Âu đang đối diện với những vấn đề về kinh tế, chính trị, phần nào ảnh hưởng đến ngành kinh doanh thời trang thì châu Á lại trỗi dậy như một thị trường rộng mở. Việc quan tâm đến thị trường mới là điều phải làm, với một chiến dịch thật thông minh, thú vị và tôn trọng bản sắc.