Trong 23 năm làm nhân viên cửa hàng Kim Phát ở cửa Tây chợ Bến Thành từ năm 1953, ba tôi chỉ đội nón nỉ khi ra đường. Cái nón nỉ của ông, người Bắc gọi là mũ phớt, màu vàng nâu, vành nhỏ, có băng vải lụa viền màu nâu đậm. Cũng có loại nón khác làm bằng nỉ nhưng người ta chỉ dùng tên “nón nỉ” cho loại nón này.
Buổi sáng, ông chụp nón lên đầu, lái chiếc xe Sachs hai thì của Đức đi làm. Nón không có quai nhưng ôm sát đầu, hiếm khi bị bay trừ khi xe ông chạy trên xa lộ Biên Hòa với tốc độ cao. Hôm nào trời mưa, nón bị ướt, ông mở tủ lấy ra cái nón thứ hai mới toanh bọc trong nylon. Ông dùng tạm trong khi đợi cái kia khô. Cả hai đều hiệu Mossant.
Khi nghe kể về nón nỉ, anh bạn tôi ở nhà may Kim Sơn ngoài quận 1 kể nhà anh có ông thợ may tên là chú Đãi từ miền Bắc vào trước năm 1954 rất mê “nón Tây” – ông gọi nón nỉ như vậy. Mỗi ngày, ông tới chỗ làm trên chiếc xe đạp cũ, áo bỏ trong quần, đầu đội nón Mossant, trông rất phong lưu, dù buổi trưa có khi phải ăn chịu món tàu hũ…
Vài câu chuyện cũ
Ông Trần Đỗ Cung, một viên chức cao cấp trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa, người lập ra siêu thị Nguyễn Du từ năm 1967, viết bài Luận về cái mũ khá thú vị. Ông kể về cái mũ phớt ở quê hương ông thập niên 1940: “Hồi tôi mới lên mười một và chập chững vào Cao Tiểu (Collège de classes Primaires Supérieures) đã có thời trang đội mũ dạ gọi là mũ phớt theo kiểu các tài tử màn bạc Humphrey Bogart, Nelson Eddy, Fred Astaire, Clark Gable… Nào là mũ Fléchet, mũ Mossant rồi đến kiểu Stetson của cao bồi Texas. Trong lớp đệ nhất cao tiểu Thanh Hóa, học sinh đua nhau đầu đội mũ phớt tay xách cặp da, bộ mặt hớn hở, đi đâu cũng huýt sáo miệng Oh ma Rose Marie, ngón tay túm da cổ họng dật dật cho ra trémolo.
Đặc biệt có ba anh em họ Hoàng là cháu ruột dược sĩ Hoàng Hy Tuần trên Phố Lớn từ Vinh ra nhập học (có họ với nhà làm phim Hoàng Anh Tuấn). Tiêu biểu nhất có Hoàng Văn Huyền đội một chiếc mũ Fléchet dạ mầu nâu non, đỉnh nặn thành hai múi và vành trước kéo uốn xuống ngang mày trông hết sức tài tử lãng mạn. Anh chàng lại đội mũ lệch nghiêng về bên phải rất chi anh-chị-bất-cần-đời. Tôi rất thèm thuồng và năn nỉ mẹ đến tiệm Tân Thành Vinh mua cho một chiếc mũ phớt mầu kem nhạt, tuyết xoắn như lông cừu trông khá khác biệt…”.
Trước đó một chút, Sài Gòn thập niên 1930 đã thịnh hành nón nỉ. Trên các báo Công Luận, Sài Gòn, Phụ Nữ Tân Văn đã có nhiều ô quảng cáo nón nỉ, bán trong các tiệm trang phục cao cấp trên đường Catinat, đường d’Espagne, Bonard, khu Dakao… Ba hiệu nón nỉ thịnh hành nhất cho dân khá giả là hiệu Fléchet, Mossant hay Borsalino nhập từ Pháp. Một tiệm khác, đăng trên báo Công Luận, số 7569 ra ngày 30.12.1937 khoe có “Nón nỉ bán tết, bán sỉ và lẻ giá đặc biệt. Có bốn hiệu danh tiếng lẫy lừng Mossant – Fleschet – Thibet – Varenne. Trên 100 kiểu kim thời, nhiều màu thiệt đẹp. Không có tiệm nào, hãng nào có đủ nón như thế. Giá nào cũng có từ 3$50 sấp lên”. Đây là lời rao của nhà buôn Nguyễn Văn Trận, số 94-96 đại lộ Bonard (Lê Lợi).
- Xem thêm: Lịch sử 4000 năm của khăn xếp
Một câu chuyện trên mạng kể về anh chàng Năm Bé trong nhóm cướp Bảy Viễn. Khi đi dạo trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi), anh ta thấy tiệm Tây chưng trong tủ kiếng mấy cái nón hiệu Borsalino của Ý, là thứ anh mê từ lâu mà chưa có dịp mua. Anh bước vào tiệm, bảo người Pháp bán hàng lấy nón cho đội thử để mua. Người bán hàng nhìn cái quần lãnh đen, cái áo bành-tô ka-ki xanh giống thợ thuyền anh mặc trên người với ánh mắt ngờ vực rồi chỉ tấm bảng giá: “25$ một cái, có tiền mua không?”. Giá này ngang với lương tháng thầy ký làm trong Tòa Bố (Tòa Tỉnh trưởng). Năm Bé thản nhiên: “Đưa coi đội có vừa không đã!”. Đội lên đầu vừa vặn, anh để luôn và bảo người bán gói luôn bốn cái còn lại. Móc bóp rút ra một tờ bộ lư, một tờ 20$ và một tờ con công, tất cả là 125$ trả tiền nón, làm cho người bán hàng há miệng, trố mắt nhìn. Năm Bé cầm nón đem về không biết làm gì cho hết, bèn kêu bạn tới cho bớt.
Người bình dân đã có nón nỉ tân trang
Thời Pháp thuộc, vì có nhiều người thích loại nón này mà ở Sài Gòn, nhiều người bày ra nghề buôn bán nón cũ. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1933 nghề này chưa xuất hiện mà chỉ có những tiệm Tây hoặc Hoa có bán nón mới mắc tiền mà thôi. Sau đó, có một số người bày gian hàng ngoài đường bán nón cũ. Ban đầu còn ít, sau thấy dễ kiếm ăn, nhiều người bắt chước.
Ở Sài Gòn, chung quanh chợ Bến Thành, trên lề đường Schroeder và d’Espagne, người ta bày rất nhiều gian hàng bán nón. Ở Chợ Lớn, đường Bonhoure (Hải Thượng Lãn Ông) cũng có nhiều chỗ bán nón cũ. Lúc đầu họ chưa biết cách buôn nón cũ ở ngoại quốc về mà chủ yếu là mở tiệm giặt nón rơm, hấp nón nỉ. Dần dà, họ đi rảo khắp các nơi hỏi mua lại nón cũ rồi làm sạch mới lại mà bán với giá rất rẻ. Chừng số người sửa và bán nón cũ tăng lên nhiều thì có một nhóm người Ấn Banh-ga-ly làm nghề gác cửa cho các hiệu buôn to ở Sài Gòn, đứng ra làm trung gian đầu nậu các thứ nón cũ.
Nhóm người này hay đi nhiều nơi nên biết được nhiều mánh lới khôn khéo để buôn bán đồ vặt vãnh rẻ tiền mà dễ tiêu thụ. Trên đầu họ cả chồng nón cũ, trên vai vắt vô số dây thun treo quần tây và rê-gát (régates), tay cầm hộp xà bông rửa mặt và dầu thơm, tay xách nhiều áo măng-tô bằng nỉ. Họ đi khắp các nẻo đường mà bán rẻ các món ấy.
Do thường giao thiệp với thủy thủ dưới các chiếc tàu qua lại bến Marseille và Sài Gòn, họ nhờ mua đồ rẻ và đem đồ về Sài Gòn đặng tránh thuế thương chánh. Trong số đó, có mấy người đầu nậu Banh-ga-ly nhân thấy có một số đông người Việt Nam bày ra bán nón cũ coi mòi phát đạt lắm, họ bèn gởi thơ sang Pháp, Tân Gia Ba, Hồng Kông, Thượng Hải… mua sỉ nón cũ đã sửa giặt như mới. Cũng có khi họ mua được nón còn tinh hảo, nhưng giá rẻ mạt vì đồ ế phải bán cho hết vào cuối năm hoặc trong các tiệm bị phá sản.
Các tiệm bán nón cũ quảng cáo nhiều trên báo. Họ rao: “Nón nỉ dơ cũ, bị rụng lông hấp sửa ra lông nỉ mướt như mới. Áo quần nỉ serge, cũ phai màu, hấp nhuộm lại đủ các màu như mới. Nón Ăng-lê “Casque Singapore” bị méo mềm hấp sửa lại như mới. Nhuộm đồ, hấp nón bằng lò điển, máy ép. Khắp Đông Dương chưa tiệm nào tranh nổi. Nón Casque Singapore thứ thiệt Ellwood’s London bán 7p.50 một cái”. Đó là lời quảng cáo của tiệm Chapellerie Saigon ở số 154 đường d’ Espagne đăng trên nhật báo Sài Gòn. Nhờ dịch vụ tân trang nón, người bình dân có thể dùng nón này với giá rẻ hơn nhiều so với nón mới cứng vừa nhập về.
Nón của thời sống chậm
Thời tôi còn nhỏ, xem phim có hai tài tử Jean-Paul Belmondo và Alain Delon đã thấy khoái cái nón nỉ hiệu Borsalino mà hai ông cùng đội, rất lãng tử. Sau đọc ở đâu đó mới biết Borsalino là hiệu nón nổi tiếng của Ý, có nguy cơ phá sản. Hồi đầu thế kỷ XX, tức là khi nón nỉ đã vào Việt Nam, mỗi năm có hơn hai triệu mũ Borsalino được sản xuất ra. Mỗi nón Borsalino được làm một cách thủ công và phải trải qua hơn 70 công đoạn.
Ký giả Nguyễn Đạt ở hải ngoại, năm 1954 từ Hà Nội di cư vào Sài Gòn năm 9 tuổi miêu tả người Sài Gòn lúc đó như sau: “Trai thanh – quý ông thì áo sơ mi quần tây trắng lốp; mũ Flechet; giày Deux Couleurs; đồng hồ quả quít đeo ở dây lưng. Gái lịch – quý bà thì áo dài Lemur – Cát Tường không thua phụ nữ Hà Nội, hoặc vận jupe như “bà đầm”; tay xách Porte Feuille, chân đi guốc cao gót; tóc búi cao hoặc uốn dợn sóng, cổ đeo kiềng vàng…” (Sài Gòn của tôi, 50 năm trước – Giai phẩm Người Việt xuân Đinh Dậu 2017). Lúc đó, nón nỉ, trong bài là “mũ Flechet” đã là thời trang của quý ông khi đi dạo phố.
Đến thập niên 1970, chiếc nón nỉ ít được dùng thường ngày ở Sài Gòn. Nhiều người đi xe máy, xe đạp để đầu trần. Lính tráng thì đội nón của đơn vị mình. Người lái xích lô đạp, xích lô máy thích đội cái nón casque nhựa trắng vì không thấm nước. Chiếc nón nỉ thỉnh thoảng lại thấy xuất hiện trên đường phố trung tâm Sài Gòn trên đầu vài quý ông đi bộ, tay cầm ống điếu. Không còn mấy người lái xe máy đội nón nỉ như ba tôi nữa.
Sau năm 1975, chiếc nón kết lên ngôi, được dùng khi đi xe máy cho đến khi có quy định đội nón bảo hiểm. Cái nón nỉ thanh lịch hầu như biến mất hoàn toàn, trừ trong vài bộ phim, vở kịch diễn tả lại một thời xa xưa, thanh lịch và sống chậm.