Câu chuyện thần tiên ấy tưởng chừng sẽ lặp lại và còn kéo dài, nhưng điểm tin đầu tháng 7 về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ cho thấy một xu thế rất bi quan đang dần xuất hiện.
Sản xuất tại Nhà máy giày New Balance Athletic,Boston
Theo một nghiên cứu thị trường của Standard & Poor, trong lúc Trung Quốc đang đi chậm và lượng hàng hóa sản xuất tại Mỹ rất yếu kém, rất có khả năng thu nhập của giới doanh nghiệp trên sàn S&P 500 trong quý II năm nay sẽ giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, đặt dấu chấm hết cho mười quý liên tục tăng trưởng (bắt đầu từ quý IV-2009). Đồng thời, trong những tuần qua, thu thập thông tin đa chiều từ nhiều doanh nghiệp sở hữu các chuỗi cửa hàng, các nhà sản xuất thép đến các công ty khổng lồ trong ngành công nghệ thông tin đều cảnh báo nguy cơ sa sút về lợi nhuận trong tương lai gần. Procter & Gamble – nhà sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng trong năm 2012 mà lý do là nền kinh tế Trung Quốc lẫn châu Âu đều ngưng trệ, trong khi đồng USD lại mạnh lên khiến hàng hóa Mỹ đắt hơn trên thị trường quốc tế. Tập đoàn Ford dù tin rằng sẽ đạt được doanh số cao tại châu Âu nhưng vẫn có thể buộc phải đóng cửa một nhà máy lắp ráp do nhìn thấy nhu cầu trong tương lai sẽ giảm sút. Đồng cảnh ngộ, Tập đoàn Nike thông báo về tình trạng lợi nhuận bị sụt giảm và lo ngại về điều kiện kinh tế rất khắc nghiệt tại châu Âu lẫn Trung Quốc trong những tháng sắp tới. Danh sách các doanh nghiệp than phiền về nguy cơ tăng trưởng kém trong năm nay khá dài, trong đó có McDonald’s (chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh), Cisco (mạng máy tính), Starbucks (cà phê), Tiffany & Co (nữ trang), Alcoa (sản xuất nhôm).