Một nhóm nghiên cứu của Morgan Stanley cho biết tình hình kinh doanh tại các doanh nghiệp lớn chưa hề bị lung lay kể từ năm 2001 khi nước Mỹ rơi vào cuộc suy thoái ngắn kéo dài tám tháng bởi cuộc bùng nổ của quả bóng chứng khoán IT. Dù cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu đã trở nên nghiêm trọng hơn trong ba năm qua nhưng cũng chưa lần nào ngăn được dòng chảy lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nước Mỹ có vẻ phục hồi chậm chạp, nhưng ngay sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc (năm 2009), các doanh nghiệp Mỹ đã lấy lại được phong độ cần thiết. Còn bây giờ, trước mặt các doanh nghiệp Mỹ đang hiện rõ một khung cảnh khá ảm đạm.
Vậy điều gì đang tạo ra nguy cơ cho hệ thống doanh nghiệp Mỹ? Đó là giá dầu thô và tỷ giá giữa đồng USD và các đồng tiền mạnh khác. Giá dầu thô giảm 26% trong khoảng đầu tháng 4 đến cuối tháng 6, trong khi đồng USD tăng khoảng 5% so với hầu hết các đồng tiền trong rổ tiền tệ và cả hai yếu tố này đã tạo nên một sự kết hợp khá tồi tệ trên sàn chứng khoán Mỹ. Giá dầu thô thấp luôn được xem là dấu hiệu tốt cho người dân, nhưng lại là chuyện đáng buồn đối với Exxon Mobil, Chevron cùng nhiều công ty dầu thô và khí đốt khác có tên trên S&P 500. Mặt khác, hướng đi của đồng USD bị lệ thuộc rất nhiều vào doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp Mỹ. Cần lưu ý rằng gần một nửa thu nhập của các công ty S&P 500 chảy về Mỹ từ nước ngoài. Đồng USD tăng giá làm giảm giá trị của nguồn thu từ việc xuất khẩu hàng hóa sang nước khác. Tính từ năm 1975, chỉ cần đồng USD tăng giá 8% so với các ngoại tệ khác là thu nhập các doanh nghiệp Mỹ bị hạ thấp đi 2,6%. Để đảm bảo sự hài lòng của giới đầu tư, hiện nay các doanh nghiệp Mỹ chủ động cắt giảm dự báo tăng trưởng trong thời gian tới.
Lâm Kiên theo AP