Với nhiều phụ huynh và học sinh, việc du học đã được lên kế hoạch từ sớm. Dù vậy, với nhiều gia đình, thời điểm nào thích hợp nhất để du học vẫn là một dấu chấm hỏi. Trung học hay đại học? Câu trả lời tùy vào tình huống cụ thể của từng học sinh và điều kiện của gia đình. Trong số báo này, chúng tôi sẽ đề cập đến những điều nên và không nên khi chọn du học từ bậc trung học.
Du học từ bậc trung học – Tự lập sớm, dễ hòa nhập?
Một trong những lý do chính để quyết định nên du học từ bậc trung học chính là khả năng hòa nhập sẽ cao hơn về nhiều mặt trong cuộc sống: khả năng ngôn ngữ, thích nghi với cuộc sống, thích nghi với môi trường học…
Với nhiều học sinh và gia đình, việc đi du học từ trung học được xem là một bước đệm để chuẩn bị cho việc học tại đại học. Lý do đầu tiên chính là để có thể học ngoại ngữ dễ dàng hơn. Không thể phủ nhận rằng, học ngoại ngữ càng sớm thì sẽ càng hiệu quả. Và khác với việc chỉ đi đến các lớp học, du học sinh được sống trong môi trường ngoại ngữ 24/24 khi đi du học. Từ một nền tảng ngoại ngữ tốt, học sinh sẽ dễ dàng hòa nhập hơn với cuộc sống xung quanh cũng như bắt nhịp tốt với chương trình học.
Thiên Ân – du học sinh tại London (Anh) chia sẻ: “Tôi theo học tại một trường nội trú của Anh từ năm lớp 11. Lúc sang đây tôi học cũng rất khá tiếng Anh, tuy nhiên lại chỉ mạnh về đọc và viết. Tôi cũng không gặp khó khăn nhiều về việc nghe vì giọng Anh khá chuẩn, chỉ có mỗi ngại nói. Tôi nói và phản ứng khá chậm vì còn mải sắp xếp ý trong đầu. Gần một học kỳ đầu tôi giao tiếp không tốt nhưng đến học kỳ thứ hai mọi chuyện bắt đầu tốt lên. Đến giờ đại học năm thứ hai, tôi đã nói tiếng Anh tự nhiên không phải suy nghĩ với một chất giọng Anh đến 80%. Việc sử dụng được tốt tiếng Anh giúp tôi có thêm nhiều bạn và học tập tốt hơn. Trước đây tôi rất khó trình bày trực tiếp với các thầy cô những vấn đề của mình, thường là gửi email để có thời gian suy nghĩ nhằm viết cho tốt hơn. Trong những lúc cần tranh luận phát biểu trong lớp tôi cũng chưa tham gia được như mình mong muốn”.
Ngoài ra việc du học từ bậc trung học cũng giúp nhiều bậc bố mẹ yên tâm hơn khi con mình được tập tự lập từ sớm. Khi du học ở bậc trung học, học sinh bắt buộc phải ở với một gia đình nuôi hoặc ở nội trú trong trường. Các em được tạo điều kiện tự lập nhiều nhất có thể nhưng vẫn trong sự hỗ trợ và giúp đỡ của gia đình nuôi hay nhà trường. Chính điều này giúp các em không bị “sốc” khi phải ngay một lúc tự thân một mình sắp xếp cho cuộc sống xa nhà. Và sau khi làm quen một vài năm, khi lên đến đại học việc tự mình sống độc lập đã không còn quá khó khăn.
Dễ dàng định hướng nghề nghiệp hơn
Ngoài những ích lợi về mặt ngôn ngữ, việc du học từ sớm cũng giúp việc xin học đại học dễ dàng hơn. Một vấn đề mà nhiều phụ huynh và học sinh tại Việt Nam thường gặp phải khi đi du học tại bậc đại học chính là không biết phải chuẩn bị cho quá trình xin học như thế nào, trang bị những kiến thức, bằng cấp ra sao. Mỗi một quốc gia trên thế giới lại có những yêu cầu và cách thức tuyển sinh riêng và học sinh thường phải bỏ ra một khoảng thời gian khá dài để chuẩn bị cho những yêu cầu đó. Ví dụ nhưở Mỹ, các trường đại học yêu cầu học sinh phải có điểm SAT và điểm trung bình năm cao để có thể vào học tại các trường hàng đầu. Điều này vô tình làm gánh nặng của các em học sinh tại Việt Nam tăng lên gấp đôi: vừa phải ôn thi SAT, vừa phải tập trung vào việc học tại trường, đó là chưa kể đến việc phải ôn thi TOEFL hay IELTS, cũng như tham gia vào các hoạt động ngoại khóa – vốn là một yêu cầu quan trọng trong quá trình xét tuyển đại học Mỹ. Nhìn sơ qua cũng thấy đây gần như là “điệp vụ bất khả thi” cho các em.
Thêm nữa, các du học sinh còn có được một lợi thế khác rất quan trọng, được tư vấn và định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Các trung tâm du học ở Việt Nam hoạt động rất tốt trong lĩnh vực tư vấn du học, chuẩn bị giấy tờ, tuy nhiên về phần định hướng nghề nghiệp thì vẫn còn nhiều lỗ hổng. Rất khó để có thể tư vấn cho học sinh ngành học phù hợp nếu không nắm được cả một quá trình học tập của học sinh đó, chưa kể đến việc phải cập nhật liên tục những ngành học mới tại các trường đại học.
Ngọc Chi – du học sinh tại bang Texas (Mỹ) chia sẻ: “Khi chuẩn bị đi du học, tôi và cả gia đình đã có định hướng là sẽ theo học ngành quản trị kinh doanh, một ngành học thời thượng ở Việt Nam. Tuy nhiên khi đi du học từ năm 11, tôi đã bắt đầu tìm hiểu, quan sát và dần nhận ra rằng đó là ngành học không phù hợp với mình. Các tiêu chí như an toàn, thời thượng, dễ xin việc và rất nhiều người theo học có thể là đủ để mình chọn lựa quản trị kinh doanh khi còn là một học sinh ngây ngô chưa biết gì ở Việt Nam. Nhưng khi tôi đã tìm ra được sở thích, sở trường của mình là gì, cũng như định hướng nghề nghiệp, tôi đã chọn ngành Toán thống kê”.
Xa nhà sớm – liệu có nên?
Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh cho rằng du học từ bậc trung học là không nên. Bởi nếu như nhiều em dễ dàng làm quen hơn với môi trường sống, môi trường học tập và học cách tự lập từ sớm thì một số khác chưa chuẩn bị đầy đủ tâm lý lại gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí còn có nhiều trường hợp du học giữa chừng được vài tháng là học sinh đã khăn gói về nước, lỡ dở cả việc học trước đây. Cũng không loại trừ khả năng các em trở nên xa lạ với cách suy nghĩ và văn hóa truyền thống do tiếp cận quá sớm cuộc sống phương Tây mà chưa đủ thời gian chuẩn bị.
Có nhiều trường hợp phụ huynh trước khi con đi du học vẫn ra sức chiều con với lý do “Khi đi du học rồi thì làm gì còn bố mẹ bảo bọc, nên bây giờ còn lo cho con được bao nhiêu thì lo. Khi du học tự khắc con sẽ học cách tự lập”. Đây là một quan niệm sai lầm vì nếu không được làm quen với việc tự lập cũng như chuẩn bị trước tinh thần từ nhà, các em sẽ không thể nào bỗng chốc trở nên tháo vát ngay được. Nếu nhưở nhà còn có bố mẹ bảo ban, kiên nhẫn thì khi đi du học ở với gia đình nuôi hoặc trong môi trường nội trú, các em rất dễ cảm thấy tự ti với những vấn đề của mình. Chưa kể nhiều em vẫn còn trong giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý bất ổn rất cần sự chia sẻ của gia đình thì nay lại phải tự đối mặt với các vấn đề một mình. Những buổi nói chuyện, than thở qua internet với gia đình nhiều khi còn làm vấn đề tồi tệ hơn vì biết bố mẹ cũng chẳng giúp gì được mình.
Việc học ở trung học cũng không thể gọi là đơn giản nếu các em không thể bắt nhịp. Trên thực tế, có rất nhiều học sinh Việt Nam khi du học rất giỏi các môn tự nhiên vì chương trình học nhẹ hơn nhiều so với chương trình ở Việt Nam, nhưng cũng có nhiều em không thể bắt kịp được với các môn xã hội, đại cương của chương trình bậc trung học. Và thật ra, học ở đâu cũng vậy, nếu không thật sự quan tâm và thích thú với việc học thì không phải tự nhiên khi đi du học, các em sẽ tìm được niềm vui thích học tập. Nếu ở nhà các bậc phụ huynh còn phần nào theo sát được việc học của các em và tìm hướng giải quyết khi có vấn đề thì khi du học các em sẽ phải hoàn toàn tự giác với việc học của mình.
Với những em chưa có sự trưởng thành, tự chủ, cuộc sống xa nhà một mình lại càng không dễ dàng. Ở lứa tuổi còn ham vui, thích chứng tỏ và dễ bị lôi kéo, việc bỗng dưng thiếu vắng sự kiểm soát của cha mẹ khiến các em sẽ dễ bị phân tâm, nhẹ nhất là ham chơi hơn học, nặng hơn là bị lôi kéo vào những thú vui không lành mạnh. Chính vì vậy, nếu bậc phụ huynh nào vốn lo lắng và không yên tâm về con, sợ con bị lôi kéo thì không nên cho con đi du học sớm.
Nhật Hà (DNSGCT)