Con số trên vừa được đưa ra trong buổi công bố “Chỉ số Công lý 2012” tại Hà Nội sáng 3-10 vừa qua.
Bộ Chỉ số Công lý 2012 được Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thực hiện tại 21 tỉnh thành với 5.045 người dân thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia.
Chỉ số Công lý phản ánh ý kiến và nhận xét của người dân về hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm công lý và các quyền cơ bản của người dân.
Những bằng chứng đầu tiên được công bố cho thấy tình trạng kém hiệu quả của các cơ quan nhà nước trong việc đáp ứng các nhu cầu pháp lý cơ bản của người dân và xử lý các vụ tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Hiện nay khoảng 20% khiếu kiện của công dân về chính sách xã hội và môi trường không nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan hữu quan của Nhà nước; khoảng 50% các tranh chấp đất đai và khiếu kiện về môi trường vẫn chờ đợi Nhà nước xử lý và các cơ quan nhà nước thường cần nhiều thời gian hơn luật định để xử lý các khiếu kiện hành chính.
Phân tích thêm về Chỉ số Công lý 2012 cho thấy gần 50% số người được điều tra cho biết tranh chấp đất đai là loại hình tranh chấp phổ biến nhất và tiếp tục là vấn đề gây bất ổn ở địa phương; có tới 38% các cuộc tranh chấp đất đai liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù và tái định cư.
Theo Chỉ số Công lý 2012, địa phương có hoạt động của các định chế nhà nước trong giải quyết tranh chấp pháp lý và khiếu nại hành chính hiệu quả nhất là thành phố Đà Nẵng trong khi Khánh Hòa là địa phương có thành tích kém nhất, nằm chót bảng.
Gia Minh tổng hợp