Nói đi nói lại hoài. Sợ người ta quên. Sợ người ta coi nhẹ, mải mê chạy theo những “hí luận” nọ kia…
Bởi con đường độc nhất đó sao quá ư đơn giản, đơn giản đến khó tin! Nếu có, quả là phương thuốc thần cho cuộc sống đầy bát nháo, điên đảo mộng tưởng… trên một thế giới phẳng, toàn cầu hóa hôm nay?
Đó chính là Tứ Niệm Xứ (Satipatthana) mà trong đó, Anapanasati – có khi được gọi là “An ban thủ ý” hay “Nhập tức xuất tức niệm” – được tách ra như một “kỹ thuật” riêng. Hình như Tứ Niệm Xứ vẫn còn có vẻ phức tạp quá, nên Phật đã lược hóa đi bằng cách chỉ dẫn một “kỹ thuật” giản đơn nhất mà cũng tuyệt vời nhất, như cánh cửa mở vào kho tàng của… Như Lai, đó là Anapanasati vậy.
Ana là thở vào, Apana là thở ra và Sati là niệm, là nhớ, là nghĩ.
Chỉ có vậy thôi sao? Chỉ vậy!
Thở vào thở ra thì ai mà chẳng thở?Vậy thì có cái gì hay? Cái hay, cái “bí quyết” nằm ở chữ niệm. Niệm, ấy là nhớ, nghĩ. Nhớ cái thở.Và, nghĩ về cái thở. Xưa nay ta vẫn thở, còn sống thì còn thở nhưng mấy khi ta nhớ ta nghĩ về nó. Đôi khi khò khè cò cử ta cũng có nhớ, có nghĩ một chút, nhưng nhớ và nghĩ theo kiểu… bệnh lý!
Còn Phật muốn ta nhớ nghĩ (niệm) về cái thở theo một cách khác. Hãy nhớ nghĩ thiệt sâu xem sao. Nói khác đi, không phải chỉ “niệm” mà “chánh niệm” xem sao. Hãy thử rình mò, dõi theo nó xem sao. Có gì lạ không? Có đó. Nhưng, đừng nói. Bất khả thuyết. Thử đi. Nếm đi. Hãy đến và nếm thử đi. Đừng vội tin.
Thì ra, một khi ta thực sự “nhớ” đến nó (chánh niệm), ta sẽ quên mọi thứ trên đời! Cứ y như một cái công tắc. Bật qua bật lại. Hoặc nhớ chuyện nọ chuyện kia thì quên cái thở, nhớ cái thở thì quên chuyện nọ chuyện kia. Sinh lý nó vậy.Vỏ não nó vậy. Khi một vùng này của vỏ não được kích hoạt thì vùng kia bị ức chế. Thời đại của… options. Tùy chọn. Giận thì bầm gan tím ruột. Tức thì đỏ mặt tía tai. Mất bao nhiêu là năng lượng. Bải hoải tay chân, bao tử, tim mạch, huyết áp… Còn cứ ung dung tự tại thở vào thở ra thì hết chuyện!
Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ. Niệm không chỉ là nhớ mà còn là nghĩ nữa. Có gì hay để nghĩ về cái hơi thở đó? Có đó. Sẽ giật mình thấy đời người chẳng qua là một hơi thở. Lúc sanh hít vào một hơi. Lúc tử hắt ra một cái! Khoảng giữa là những đợt sóng lăn tăn. Lăn tăn mà cũng bày đặt tham lam, sân hận, khổ đau… Sẽ giật mình thấy hơi thở không phải của ta, không phải là ta…
Ngàn xưa ngàn sau nó đến nó đi ung dung… tự tại ngoài ta, chẳng cần biết có ta trên cõi đời này! Sẽ giật mình thấy nó – cái hơi thở vào thở ra đó – nó chẳng cần phân biệt, chẳng thêm chẳng bớt. Cái anh chàng giàu nứt đố đổ vách kia với anh chàng nghèo rớt mồng tơi nọ cũng đều phì phò sì sụp phình xẹp như nhau! Cái hơi thở vào thở ra của “những người muôn năm cũ” vẫn cứ còn bay bay lởn vởn đâu đây cùng ta phì phò mọi nơi mọi lúc…
Nhưng hình như không dừng ở đó. Cho đến một lúc, chánh niệm trở thành vô niệm.
Ở đó, một thứ tâm bất sinh.