Ô hay cái mũ sao mà lại tai hại? Bộ có đội nó mà khi ngã xuống đầu vẫn bị đau sao? Thưa không ạ. Nói thế là để thốt lên một sự đau đớn trong lòng, đau đến đứt ruột! Và riêng gửi đến phái đẹp.
Ngày nay đi trên đường, nhìn từ phía trước, hay phía sau, từ bên phải, hay bên trái của một cô mặc bộ veste đen sang trọng, với những đường cong nổi bật trên thân thể; thì ở góc nào ta cũng chỉ thấy một khuôn mặt được che kín mít bởi cái mũ bảo hiểm. Vâng cái mũ ấy đấy ạ! Nó biến nàng thành một phi hành gia! Dẫu nàng đang đi cạnh tôi, hít khói bụi của chiếc xe tải như tôi. Và ô kìa! Nàng vừa doãi chân xuống để chống cho chiếc xe ngưng lại vì đèn đỏ.
Cái mũ kia dường như giúp nàng lúc sắp ra đường, không hề phải suy nghĩ là có làm ai đó mất dịp ngắm mình hay không; nàng đeo khẩu trang kín mít từ cằm trở lên, hay từ mũi trở xuống, y chang một cái mặt nạ. Chỉ còn để hở đôi mắt, nàng giống như bao nhiêu thiếu nữ đạo Hồi ở tít bên Trung Đông. Nhìn từ sau, so với các thiếu nữtheo đạo Hồi quàng khăn trên đầu, thì đầu của nàng bị xấu đi nhiều vì cái nón bảo hiểm. Nếu nó không xấu về mặt thẩm mỹ thì cũng xấu về cảm giác. Thật vậy, cái nón nhựa nhẵn thín ở trên đầu nàng, không hề tạo cho bất cứ một anh đàn ông nào, bạn và tôi, tưởng tượng ra được một điều gì khi lái xe bên cạnh nàng; hay có thể có bất kỳ một hy vọng gì; vì hễ có ý định gì thì óc ta sẽ liên tưởng ngay đến việc… bị cái mũ khện vào đầu; có khi cái đầu mình phun máu mà cái mũ còn nguyên; bởi vì nó là “made in Japan” còn cái đầu của mình chỉ là “made in… làng tôi!”.Suy cho cùng, cái mũ bảo hiểm vẫn cần đến trong điều kiện giao thông đô thị như hiện nay.
Chưa hết! Cái mũ còn làm cho nàng nghĩ rằng mình đeo khẩu trang là đẹp.Mặt nàng kín mít. Có thể nàng chào tôi, hay mỉm cười với tôi, sau cái khẩu trang; nhưng tôi chẳng nghe thấy! Có thể nàng ấm ức, nhưng tôi thì không.Bởi vì, so về số lượng, nàng là người quen thì tôi chỉ có một; trong khi số người không quen mới nhiều. Mà đối với số đông đảo này, tôi không có một cơ hội cỏn con nào được thấy cặp má hây hây, đôi môi chúm chím, như kêu gọi, như đón chào của họ. Nó làm mất đi những nét đẹp của người phụ nữ từ ngàn xưa tới nay, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ví dụ, đôi mắt của nàng ẩn hiện sau khẩu trang thì làm sao – dẫu có là thi sĩ Đinh Hùng – còn thấy chúng là “ánh mắt giăng mưa!”.
Rút kinh nghiệm là khi trách móc một người bạn gái bằng một câu học mót của các kịch tác gia cổ điển rằng “vẻ đẹp của em nó sắc như gươm làm đứt tim tôi” thì nàng bèn bảo ngay “tại anh đấy chứ”. Do sự phản pháo chính xác đó, ta chớ có bao giờ trách một người phụ nữ đeo khẩu trang. Nàng có lý do cả đấy ạ. Thí dụ – mà không giới hạn vào – để che mặt, đặc biệt là với phụ nữ không trang điểm. Họ bảo các mặt nạ này giúp họ trông cuốn hút hơn vì nó mang lại cho họ một vẻ huyền bí khi mọi người chỉ thấy đôi mắt.Một số khác lại nói là để giữấm cho mặt mình, khiến cho khuôn mặt trông nhỏ hơn, và giữ họng không bị khô khi ngủ.Ở Nhật, khi được phỏng vấn, một số học sinh trung học nói rằng mặt nạ giúp họ giấu đi cảm xúc thật trước mọi người, và giảm đi nhu cầu “biểu cảm cho người khác thấy”. Không chê vào đâu được! Nếu thấy bạn lưỡng lự vì bị cưỡng ép chấp nhận những lý do riêng tư đó, thì nàng sẽ thêm vài lý do nữa để nó mang tính đại trà. Thí dụ, nàng có thể nói rành mạch với bạn là khẩu trang có ba tác dụng chính là ngăn bụi, ngăn hóa chất (kể cả khói xe) và ngăn vi sinh vật. Khẩu trang ngăn vi sinh vật được sản xuất bằng những nguyên liệu và công nghệ đặc biệt. Chưa hết, một trong những biện pháp hiệu quả và đơn giản để phòng dịch cúm là dùng khẩu trang vừa có tác dụng che bụi vừa có tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm bệnh cúm.Thông thường khẩu trang được dùng trong bệnh viện, dành cho các bác sĩ trong phòng mổ hoặc chăm sóc bệnh nhân.Những bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cũng phải đeo khẩu trang thường xuyên để tránh lây nhiễm cho người khác. (Cầu xin nàng ngưng lại cho! Hình như nàng nói theo sách, hay có thủ trong ví nhỏ đựng tiền một trang báo to nào đó thì phải? Không thì làm sao mà rành rẽ, đầy đủ và khúc chiết như thế được!). Thế nhưng thưa nàng, những lý lẽ đơn lẻ, và của riêng nàng í, nó tạo nên một hậu quả (phụ) lớn lao cho toàn xã hội?
(Trong tương lai thì chưa biết) nhưng nhìn lại quá khứ, nếu lẽ phải của nàng đã tồn tại vào thời Tiền Chiến chẳng hạn, thì nó đã hủy diệt những thi sĩ tài ba cùng các nhà văn cự phách. Ví dụ, khi nàng đội mũ bảo hiểm, thì tóc của nàng đâu còn là một suối tóc để cho nhà thơ Xuân Diệu thầm thì:
“Có phải không suối là một dòng tóc trôi dài; một dòng tóc óng ả, mịn màng, và mãi mãi tuôn đưa, thao thao bất tuyệt. Hỡi kẻ đi qua, không trông thấy nơi dòng suối mơ hồ dòng tóc của một giai nhân hay sao… Tóc nàng thực là một kho vàng linh hoạt. Tóc nàng vừa là: Tơ láng mướt của sắc mượt ong. Tơ dịu dàng của làn cát nhẹ gợn.Tơ nồng ấm của ánh sáng mặt trời. Tóc nàng dài và nhiều, khi buông xuống thì che phủ cả thân, làm một áo tơ chít chi ánh sáng”.
Ôi “nếu như” thì “còn đâu” những dòng chữ lai láng ấy! Xuân Diệu không thể tồn tại! Không phải vì ông không còn sống nữa mà vì rất nhiều suối tóc đã mất, đang mất và còn mất. Còn đâu nhà thơ Quang Dũng, vì ông đã sững sờ:
Tóc em buông suối chảy về đâu?
Thiên thai em mở bừng trong gác
Ðựng hết Trời xanh chứa hết mầu.
Suối tóc của các nàng chảy về đâu ư?Ông hỏi tức là ông không có câu trả lời. Nay dù không hỏi, thì tất cả đàn ông chúng tôi đều biết tỏng tòng tong rằng: “Dòng suối ấy chảy vào… cái mũ bảo hiểm!”. Nó như cái thùng không đáy! Suối nào vào, nó chứa hết! Ôi cái mũ… tai hại!