Tính từ smart (thông minh) giờ đây đang trở nên “thời thượng” hơn bao giờ hết khi hằng ngày chúng ta luôn gặp phải các thuật ngữ “xe thông minh”, “nhà thông minh”… trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có thể nói không ngoa rằng con người đang từng bước tiệm cận với những gì mà thế hệ cha anh đã tưởng tượng ra cách đây nhiều năm. Ngay từ năm 1997, bộ phim Starship Troopers đã cho thấy một cuộc sống giả tưởng mà ở đó con người dùng máy tính bảng có cây bút trâm (stylus), trình duyệt web tương tác, hội thoại video đa chiều, rồi sử dụng năng lượng có thể tái tạo như phong điện. Người ta còn đồn đại bộ phim Minority Report chính là nguồn cảm hứng để Apple tạo ra chiếc iPhone.
Phải thừa nhận rằng chính sự bùng nổ của điện thoại thông minh và máy tính bảng đã thổi bùng lên trào lưu thiết bị di động thông minh hiện nay. Với sự phát triển chóng mặt của khoa học và công nghệ, sức mạnh phần cứng ngày càng vượt trội và phần mềm cũng ngày càng tinh vi, kết quả là điện thoại thông minh đã chứng tỏ được vai trò quan trọng của nó trong cuộc sống hiện đại. Có thiết bị di động thông minh trong tay, người ta không chỉ dễ dàng nghe, gọi, gửi thư điện tử, lướt web, lập lịch làm việc, mà còn thanh toán trực tiếp nhờ công nghệ ví điện tử (NFC). Chúng ta có thể quay phim, chụp ảnh, soạn nhạc và làm được nhiều điều khác nhờ ở vô số các ứng dụng chuyên biệt được viết ra phục vụ cho từng mục đích sử dụng. Giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và bộ chuyển đổi tín hiệu, một cậu bé cũng có thể điều khiển một chiếc xe ôtô từ xa một cách dễ dàng chứ không chỉ có điệp viên 007 mới thực hiện được trên màn ảnh. Trong những căn nhà thông minh, chủ nhân có thể điều khiển hầu hết mọi thứ thông qua máy tính bảng ngay trên giường ngủ, chẳng hạn ra lệnh cho rèm cửa cuốn lên lúc nào, điều chỉnh chế độ hoạt động của các thiết bị trong nhà, chơi loại nhạc gì ở phòng nào, xem kênh gì trên TV lúc mấy giờ… Một cảnh tượng mà trước đây ít năm chỉ hiện diện trong phim ảnh.
Nhưng cũng từ phim ảnh, chúng ta thấy được sự nguy hiểm của chính những thiết bị thông minh đó khi sự kết nối giữa người với người xuyên suốt qua internet. Giới tin tặc cho rằng bất cứ thứ gì có hệ điều hành, rộng hơn là có sử dụng phần mềm điều khiển là đều có thể hack được nhất là khi thiết bị được kết nối internet. Những ai đam mê công nghệ mới và thích thú thế hệ TV thông minh có thể sẽ chột dạ khi biết rằng thiết bị này không hề an toàn.
Như những thiết bị thông minh khác, chiếc smart TV được đặt giữa phòng khách gia đình hay trong phòng ngủ hoàn toàn có thể bị đột nhập và khống chế từ xa. Mới đây, tại hội nghị về bảo mật Black Hat, hai nhà nghiên cứu là Aaron Grattafiori và Josh Yavor đã công bố những khám phá mới của họ về những lỗ hổng bảo mật trong một số loại smart TV do Samsung sản xuất năm 2012. Họ có thể điều khiển tắt, bật camera tích hợp của TV, chiếm quyền điều khiển các ứng dụng mạng xã hội như Facebook và Skype, truy cập tới hầu hết các dữ liệu và ứng dụng cài đặt sẵn trong máy… thông qua chính Smart Hub, vốn được coi là hệ điều hành của loại TV này.
Hai chuyên gia ấy làm việc tại iSEC Partners – một công ty bảo mật. Họ cho biết bắt đầu nghiên cứu về lỗ hổng an ninh từ tháng 12-2012 và đã cảnh báo các nguy cơ tiềm ẩn cho Samsung từ tháng 1-2013. Sau đó, Samsung thông báo rằng các lỗ hổng đã được vá và các thế hệ smart TV của họ được đảm bảo an toàn. Mặc dù vậy, giới bảo mật tin rằng các lỗ hổng tương tự sẽ bị khai thác trong tương lai đối với tất cả các loại TV thông minh có trên thị trường. Nếu biết rằng đã có tới 67 triệu chiếc smart TV được bán ra trong năm 2012 và có thể 85 triệu chiếc nữa tiếp tục được tiêu thụ trong năm nay thì đó quả thực là một nguy cơ không nhỏ.