Quay trở lại trường hợp của Samsung, vấn đề nằm ở các ứng dụng như Skype hay Facebook chạy trên smart TV của hãng này được viết dựa trên Javascript hay HTML5 và bị khai thác một cách đơn giản bằng các kiểu tấn công truyền thống. Grattafiori và Yavor đã triệt để khai thác sự lỏng lẻo của các API kết nối của những ứng dụng đó chỉ thông qua việc cấy các đoạn mã độc vào các đoạn chat hay trình duyệt rồi chiếm quyền điều khiển chiếc TV. Một khi đã xâm nhập vào, các hacker sẽ có thể làm lây lan các đoạn mã độc cho những người quen của chủ nhân chiếc TV qua các danh bạ mà người dùng lưu để sử dụng ứng dụng trên máy. Thế là chiếc TV sẽ trở thành gương mặt mới gia nhập lực lượng các thiết bị phát tán virus.
Còn đối với xe hơi thì sao? Các hãng sản xuất ngày càng cung cấp nhiều hệ thống điều khiển, định vị, cảm biến…, nhưng đó cũng chính là những điểm yếu an ninh vì chúng dễ bị đột nhập nhất. Ngay từ năm 2011, người ta đã chỉ ra các loại xe sang có thể bị hack thông qua hệ thống viễn thông, khóa cửa tự động, chìa khóa điện tử, mã độc nhúng trong file nhạc MP3 và các ứng dụng ngoài luồng (không phải chính hãng sản xuất) được chủ xe sử dụng. Hiện nay các nhà sản xuất xe hơi đang cố gắng hạn chế nguy cơ bằng cách không sử dụng tín hiệu điều khiển không dây trong xe, nhờ đó tin tặc muốn điều khiển xe từ xa thì buộc phải gắn thiết bị trực tiếp vào cáp tín hiệu của xe.
Nhắc tới thiết bị thông minh, không thể không nhắc tới chiếc kính thông minh Google Glass và thế hệ đồng hồ thông minh sắp ra mắt trong tương lai không xa. Nó cũng được kết nối internet, tận dụng dữ liệu điện toán đám mây, tích hợp với các ứng dụng mạng xã hội và do đó cũng tiềm ẩn nguy cơ bị hack. Còn gì nguy hiểm hơn khi chiếc điện thoại di động của bạn lại phản chủ, khóa bạn trong ngôi nhà thông minh của chính mình hoặc chiếc xe bạn đang lái bỗng bị mất phanh hay tăng tốc đột ngột ngoài ý muốn? Xin lưu ý rằng có vô vàn nguy cơ nảy sinh từ thiết bị thông minh này.
Một trong những cách phòng chống đơn giản mà hiệu quả nhất là cập nhật phần mềm điều khiển kịp thời, tránh xa các trang web đáng ngờ. Các ứng dụng mạng xã hội tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng nhiều nhất, nhưng nếu người dùng TV nhắm tới mục đích thưởng thức nội dung số tải về thông qua các ứng dụng như Netflix hay YouTube thì gần như không bị đe dọa bởi lỗ hổng bảo mật. Một cách phòng ngừa khác cho người dùng smart TV hay những thiết bị tương tự webcam là sử dụng một vật nào đó che ngay trước ống kính khi không sử dụng. Cách này chỉ cần người dùng cẩn thận và lưu tâm một chút là tự bảo vệ được, chẳng cần phải am hiểu sâu về công nghệ.
Cuộc chiến giữa tin tặc và an ninh mạng không có hồi kết, luôn là cuộc rượt đuổi giữa hai thế lực muốn chứng minh rằng mình giỏi hơn đối thủ. Gần như mọi thiết bị kết nối internet đều có thể bị đột nhập, do vậy tốt nhất là chúng ta nên cân nhắc và cẩn trọng khi tận hưởng các thành quả của công nghệ mới.
Quang Phạm