Nhìn vào thế ứng xử trước thiên nhiên, chúng ta nhận ra văn hóa dân gian Nam bộ khi đặt trong diện mạo văn hóa dân gian cả nước có những nét khác biệt. Sự tác động của thiên nhiên diễn ra từ đặc điểm thể loại cho tới việc hình thành một thiên nhiên nghệ thuật với những đặc trưng riêng.
Trước tiên, phải kể đến đặc trưng thể loại. Thiên nhiên vùng châu thổ với những nét khu biệt đã khiến cho bức tranh thể loại của văn học dân gian ở Nam bộ có những nét khác lạ. Mỗi thể loại của văn học gian dân Nam bộ, nhìn chung, đều có nét thay đổi do sự tác động của thiên nhiên.
Với loại thể ca dao – dân ca, sông nước Nam bộ vừa là môi trường diễn xướng, vừa là nhân tố tạo ra nhịp điệu, lề lối diễn xướng, nhất là các điệu hò sông nước: hò chèo ghe, hò Đồng Tháp,… Với truyện cổ, hệ thống truyện dân gian Nam bộ thường hướng đến thiên nhiên nhiều hơn xã hội.
Loại truyện tích địa danh là loại truyện dùng để giải thích những địa danh thời khai phá và thường có số lượng lớn: Địa danh Cao Lãnh, Sự tích sông Nhà Bè, Cù lao Trâu… Đó có thể là những loại cây gần gũi, thân thiết với người dân sở tại được phản ánh bằng cái nhìn suy nguyên tạo nên những truyện tích hấp dẫn: Sự tích trái thơm, Sự tích cây đước… Tất cả dường như là đối tượng thẩm mỹ của người Việt khi họ sáng tạo ra truyện dân gian, thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa thiên nhiên và con người.
Với truyện trạng, sự tác động của thiên nhiên cũng khá rõ nét. Nếu hiện thực được miêu tả trong truyện trạng của Bắc bộ, Trung bộ là hiện thực xã hội, những mâu thuẫn, xung đột gay gắt giữa các thế lực với các trạng qua một loạt hệ thống truyện như: Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Xiển Bột,… thì hiện thực ấy là rất mờ trong hệ thống truyện Đồng bằng sông Cửu Long. Truyện trạng ở đồng bằng Bắc bộ ít chịu lực hút của thiên nhiên.
Còn đến với truyện Ông Ó, Bảy Lẹ vùng Bến Tre, chúng ta lại thấy những chi tiết phóng đại quá cỡ các thành tố tự nhiên. Chẳng hạn: Con cọp bị đá ỉa ra một loạt trái dừa, rồi nơi đó bỗng mọc lên một hàng dừa thẳng tắp; những viên đá được nhặt từ những buổi đi cày, sau người ta phát hiện ra đó lại những thỏi vàng rực ánh… Có thể thấy rõ nhất là hệ thống truyện Bác Ba Phi. Một vùng đất mới được bàn tay con người khai khẩn, phát phá, còn ẩn nhiều của nổi của chìm, tài nguyên đa dạng là cơ sở cho hệ thống truyện dân gian Nam bộ sinh thành và phát triển.
Với ca dao, thiên nhiên Nam bộ vừa là cội nguồn cảm xúc của con người, vừa là nơi để họ giãi bày tâm sự:
Chèo ghe đi bán cá vồ
Nước chảy ồ ồ chẳng có ai mua.
Hoặc:
Anh gánh nước dưới đồng lên đây tưới cội
Tưới cội rồi gặp hội mưa dông
Bởi anh sa cơ nên em đã có chồng
Mời anh uống chén rượu nồng giải khuây.
Chủ đề tiêu biểu của ca dao Nam bộ, về cơ bản là nói về quê hương, đất nước, lao động sản xuất, đời sống tình cảm, phong tục tập quán và tâm lý xã hội. Ở mỗi chủ đề, chúng ta thấy đều xuất hiện hình ảnh thiên nhiên, hoặc ít hoặc nhiều. Hình ảnh thiên nhiên có khi được trực tiếp miêu tả như là đối tượng phản ánh:
Thấy dừa thì nhớ Bến Tre
Thấy bông sen nhớ đồng quê Tháp Mười.
Có khi được dùng để bộc bạch, thổ lộ tình cảm:
Gió thổi hiu hiu lục bình trôi líu ríu
Anh đừng bận bịu, bớ điệu chung tình
Nhạn bay cao khó bắn, cá ở ao huỳnh khó câu…
Với vè, những bài miêu tả trực tiếp thiên nhiên có một số lượng đáng kể. Đó là những bài: “Vè các thứ lúa”, “Vè trái cây”, “Vè các loại chim”, “Vè các thứ cá”,… chúng ta có thể tham khảo đoạn trích sau để thấy được sự phong phú của thiên nhiên Nam bộ:
… Tha rác vô nhà, se sẻ, bồ câu
Thứ đậu lưng trâu, sáo sành, sáo nghệ
Lặng không biết kể, còng cọc chằng bè
Con mắt se se, cúm núm, diệc, cò
Ăn uống hồ đồ, gà đãi kên kên
Đáp xuống bay lên, con diều, thầy bói
Cái mồng đỏ chói cao cát hồng hoàng
Đêm khuya canh tàn, chim ục, chim heo.
(Vè các loại chim).
Tựu trung, thiên nhiên đã khiến cho bức tranh thể loại của nghệ thuật ngữ văn dân gian có những đổi thay, có những nét khác lạ. Dù rằng, những nét riêng ấy là do nhiều nhân tố tạo ra nhưng không thể không thừa nhận sự tác động của thiên nhiên.
Mặt khác, từ thiên nhiên ngoài đời đến thiên nhiên trong các tác phẩm folklore là một quá trình sáng tạo của con người. Thiên nhiên trong folklore là thiên nhiên nghệ thuật được tạo ra từ thái độ thẩm mĩ của người nghệ sĩ dân gian. Thiên nhiên trong vốn văn hóa dân gian Nam bộ cũng không nằm ngoài quy luật sáng tạo này. Thiên nhiên nghệ thuật trong các tác phẩm folklore ở Nam bộ có những nét riêng khi đặt nó cùng nằm với thiên nhiên nghệ thuật trong các tác phẩm folklore của Đồng bằng sông Hồng.
- Xem thêm: Vui biết chừng nào, đẹp biết chừng nào
Rõ ràng, dựa vào những nét riêng của làng Nam bộ, thiên nhiên hiện ra trong các tác phẩm folklore ở mọi thể loại là một thiên nhiên của thời khai phá. Ở đây, có thể thấy thiên nhiên nghệ thuật được con người tạo ra từ cả hai góc độ tâm lý: một, kinh sợ trước thiên nhiên hoang vu; hai, tự tin khẳng định mình có thể làm chủ được nó.
Với thái độ tự tin, con người có thể biến cải, thích ứng với thiên nhiên, đấy chính là cơ sở vững chắc giúp con người trụ lại trên mảnh đất này. Ý nghĩa bề sâu trong những bài ca dao nói về đặc sản của từng vùng đất, cả vùng Nam bộ là niềm tin, sự tự hào của con người có thể làm chủ được thiên nhiên ấy. Hệ thống truyện dân gian về những con người có thể đánh được cọp (Giết cọp ở Giồng Găng), những bà mụ thuần hóa tính cọp (Bà mụ cọp), chinh phục được những loài vật (nhóm truyện Bác Ba Phi) đều được xây dựng từ thái độ tâm lý này. Dường như sự khác biệt trong thái độ với thiên nhiên của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và người dân nơi Đồng bằng sông Hồng, chính là khía cạnh đó.
Thiên nhiên nghệ thuật trong folklore của Đồng bằng sông Hồng thường có đặc điểm kỳ vĩ như gợi ra sự khác biệt:
Ai đưa em đến chốn này
Bên kia là núi, bên này là sông
Trong khi đó, thiên nhiên nghệ thuật trong folklore Nam bộ lại không có những đặc điểm như vừa nêu. Ở đây, một thiên nhiên hoang vắng đem lại cho con người sự choáng ngợp, nhưng họ vẫn tin sẽ làm chủ được. Đó là thế giới của những loài vật không dễ gì gặp lại ở Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay như cọp trên bờ, cá sấu dưới sông, ma trong rừng. Nói về các loài vật ấy, người ta thường dẫn câu tục ngữ:
Xuống sông hốt trứng sấu, lên bờ xỉa răng cọp
Hoặc những truyện trạng nói về cua đinh, rùa, chim, chuột, cá sấu,… có khá nhiều trong kho tàng folklore. Đến với những tác phẩm ấy, chúng ta dễ có cảm giác như gặp, như đang thực sự sống lại thời khai phá hết sức gian khổ của những thế hệ cha ông.
Như đã nhắc ở phần trên, thiên nhiên nghệ thuật trong folklore Nam bộ không gắn bó với không gian làng quê. Có thể nói, đây là nét khu biệt giữa thiên nhiên nghệ thuật trong folklore Nam bộ, và thiên nhiên nghệ thuật trong folklore Bắc bộ. Đến với thiên nhiên nghệ thuật ấy, tầm mắt của con người không bị giới hạn, bó hẹp bởi những lũy tre làng. Nhìn chung, các tác phẩm folklore đều vẻ ra một chân trời khoáng đạt, gắn với những vùng, những tỉnh rộng lớn. Truyện dân gian Nam bộ khắc họa rõ nét khung cảnh rộng lớn bao la của miệt vườn, của môi trường sông nước. Nhóm truyện liên quan đến địa danh, sản vật địa phương sẽ cho ta thấy những nét ấy. Bên cạnh truyện dân gian, thì lời trong ca dao – dân ca cũng thể hiện được điều đó:
Ruộng đồng mặc sức chim bay
Biển hồ lai láng mặc tình cá đua
Đối với văn học dân gian vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi tái tạo hình ảnh đồng ruộng trong thiên nhiên nghệ thuật, người ta hay tái tạo hình ảnh “gió” để thể hiện một khoảng không gian đặc biệt. Các tính từ chỉ trạng thái của gió như gợi ra trước mắt người đọc một khung cảnh thoáng đạt:
– Gió thổi rao rao lòng anh đau dạ anh đớn
– Gió hiu hiu chín chiều ruột thắt
Ở đây, người ta có thể cho đó là sự sáng tạo từ, nhưng sáng tạo ấy gắn liền với tư duy, nó không thể nằm ngoài quan hệ giữa con người với thiên nhiên được. Thái độ thẩm mỹ con người trước thiên nhiên đã tái tạo một thiên nhiên rộng rãi, thông thoáng. Có thể thấy, chính thái độ thẩm mĩ ấy đã quyết định sự lựa chọn và sáng tạo từ ngữ kia.
Cái mảng rõ nét đặc trưng trong thiên nhiên nghệ thuật trong folklore Nam bộ là thiên nhiên ấy gắn bó mật thiết với môi trường sông nước. Tác động của cảnh quan thiên nhiên tới việc tạo thành đặc điểm này của thiên nhiên nghệ thuật là rõ nhất, và mạnh mẽ nhất. Trước hết là hệ thống hình ảnh của thiên nhiên nghệ thuật này, đấy là hệ thống mang rõ sắc thái của vùng sông nước như: bãi, doi, vịnh, cù lao, kênh, rạch,… xuất hiện khá nhiều lần trong tác phẩm. Các thành tố ngôn ngữ ấy có thể xuất hiện trong những truyện kể dân gian mà ngay cả ở nhan đề câu chuyện cũng bắt gặp, chẳng hạn như: Sự tích cù lao ông Hổ, Sự tích rạch bà Hét, Sự tích bãi ông Đụng, hoặc như trong ca dao – dân ca, chúng ta vẫn thường đọc được:
Bao phen quạ nói với diều
Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm.
Bên cạnh các thành tố ngôn ngữ chỉ sông nước, là những vật dụng liên quan đến sông nước của con người. Chiếc ghe, chiếc xuồng là những vật gần gũi, thân thiết nhất. Nó là phương tiện chính quyết định đời sống cũng như hoạt động sinh hoạt của con người giữa dòng nước mà sông ngòi, kinh rạch dày đặc. Những từ ngữ chỉ sự vật trong ca dao Nam bộ, vừa có sắc thái địa phương vừa thể hiện chiều sâu nhận thức về thiên nhiên và con người ở một vùng đất lắm sông, nhiều kênh rạch. Nào là ghe ngo, vỏ lãi, tắc rán, xuồng ba lá, ghe lườn, ghe mỏ vạch, ghe cui, ghe bầu,…
- Xem thêm: Tiếng ai rao bánh trên sông
Đặc biệt, cần chú ý đến hệ thống từ ngữ có liên quan đến sông nước trong ca dao. Nó mang nét sắc thái cảnh quan thiên nhiên khó có ở ca dao thuộc vùng nào trên cả nước. Ngay các loại con nước, trạng thái của sông nước đều được con người cảm nhận một cách chân xác, từ đó đặt tên thật chính xác: nước lớn, nước rong, nước ròng, nước rặc, nước kém, nước nhửng…
Mặc khác, thiên nhiên của môi trường sông nước còn là nơi ký thác, nơi giãi bày tâm sự của nam nữ khi họ yêu thương nhau. Những thành tố của môi trường sông nước còn là chỗ dựa, được coi là nơi minh chứng để các chàng trai, cô gái hứa hẹn, thề thốt:
Bờ sông khúc lở, khúc bồi
Kiếm nơi vắng vẻ trao lời với anh
Như thế, chúng ta thấy thiên nhiên nghệ thuật trong văn hóa dân gian của người Việt ở Nam bộ mang đậm dấu vết của sông nước: từ hệ thống hình ảnh, hệ thống từ ngữ… đều chứng tỏ một cảm quan thẩm mĩ của con người trước thiên nhiên nơi đây.
Nói đến tác động của thiên nhiên lên văn hóa dân gian Nam bộ, người ta cũng thường xét đến sự tác động của sản vật thiên nhiên. Ca dao về tình yêu lứa đôi ở Nam bộ, các hình ảnh thiên nhiên thường xuyên xuất hiện. Điều đáng nói ở đây là những sản vật thiên nhiên ấy mang đậm phong cách địa phương, chẳng hạn có thể kể như: cá chạch, cá lia thia, cá bã trầu, cá sặc, cá rô mề…
Thân em như cá rô mề
Lao xao buổi chợ biết về tay ai
Hình ảnh thiên nhiên nghĩa là mang dáng dấp của vùng đất này. Nếu cây đa là nơi trai thanh gái tú ở Đồng bằng Bắc bộ thường chọn làm chỗ hẹn hò, trong đó mô típ “cây đa – giếng nước – sân đình” rất đỗi quen thuộc, thì đối với ca dao Đồng bằng Nam bộ, cây bần là loại quen thuộc hơn cả:
Bần gie đóm đậu sáng ngời.
Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên
Hình ảnh “cây bần” đem lại một hình ảnh mới cho ca dao trữ tình Nam bộ. Các cô gái trên Đồng bằng sông Hồng than thân, trách phận hay mượn hình ảnh “tấm lụa đào”, “hạt mưa sa” bộc bạch:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Các cô gái Nam bộ thì khác, vì cây bần – như trên đã nói – rất thân thuộc với con người nơi đây nên việc cho mượn “trái bần” để nói về thân phận nổi trôi, vô định của mình cũng là điều dễ hiểu:
Thân em như trái bần trôi.
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu
Ngoài cây bần, các loại cây khác như: cây ô rô, cây mù u, cây trâm bầu… trở thành những hình ảnh nghệ thuật của bức tranh thiên nhiên lắm sắc màu này. Bức tranh lắm màu nhiều sắc ấy còn gặp ở truyện trạng, nhất là truyện trạng Ba Phi. Đó là hình ảnh chiếc tàu rùa (chiếc tàu chạy bằng sức kéo của hàng trăm con rùa), đó là cá trê ở lung tràm (mỗi lần kéo lên là cả tạ),…
Chủ thể đích thực của những sáng tác dân gian trong kho tàng văn học dân gian Nam bộ là những người nông dân. Trên nền chung, họ vẫn mang những đặc điểm của người nông dân trong quan hệ với thiên nhiên. Có điều, cảnh quan thiên nhiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long có những nét riêng biệt so với thiên nhiên ở các vùng khác trên đất nước ta. Tác động của thiên nhiên, sự thay đổi cảnh quan thẩm mỹ sẽ dẫn tới một thiên nhiên nghệ thuật trong văn hóa dân gian có những đường nét mới mẻ, khác lạ.