Thiên nhiên là trường học đầu tiên và lớn nhất của con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy trong những năm đầu đời, các giác quan càng được kích hoạt thì đứa trẻ càng nhạy bén và thông minh bấy nhiêu. Thay vì để trẻ quan sát thiên nhiên trong lớp học bằng các giáo cụ trực quan, hãy đưa trẻ ra ngoài trời. Không có giáo cụ nào có thể dạy trẻ phát triển giác quan tốt hơn một làn gió mùa thu mơn man, tiếng lá cây đan nhau xào xạc, tiếng chim hót trên cao…
Mặt khác, thiên nhiên có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Từ thế kỷ thứ 19, nhiều bệnh viện trên thế giới đã coi thiên nhiên như một liệu pháp để điều trị bệnh nhân, nhất là người già và trẻ em. Về thực nghiệm, các nghiên cứu cho thấy việc ngắm nhìn đàn cá bơi lội trong hồ nước giúp giảm đau và ổn định huyết áp. Thiên nhiên giúp giải phóng năng lượng, ổn định tinh thần cho trẻ bị tăng động.
Cùng với tỷ lệ trẻ em béo phì ngày càng tăng thì có đến 60% tình trạng tử vong trên thế giới bắt nguồn từ sự thiếu vận động dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ… Với nhiều người dân đô thị thiếu không gian để tập thể dục, tìm được một khu công viên hay một con đường nhiều cỏ cây để vận động ngoài trời sẽ giúp cơ thể tái tạo năng lượng.
Theo thuyết đa trí thông minh của nhà tâm lý học kiêm giáo sư khoa học thần kinh Howard Gardner, con người có đến tám trí thông minh, một trong số đó là trí thông minh thiên nhiên, bao gồm việc chú ý quan sát tường tận môi trường tự nhiên, hiểu biết về thế giới động – thực vật, chú ý những đặc điểm của từng loài và biết phân loại chúng. Trí thông minh thiên nhiên giúp các giác quan của trẻ trở nên sắc bén. Những đứa trẻ có “trí thông minh thứ 8” có thể chơi đùa trong thiên nhiên không biết chán. Với chúng, thiên nhiên là một “khu vui chơi vô tận”.
Xã hội hiện đại cho cuộc sống tiện nghi, nhưng kèm theo đó là ngày càng nhiều trẻ bị tăng động, giảm chú ý, hoặc lúc nào cũng mơ màng như “đang ở một thế giới khác”, đôi mắt trống rỗng vô cảm hoặc ăm ắp những nỗi sợ chẳng biết tỏ cùng ai. Các em hầu như không quan tâm đến thiên nhiên hay con người chuyển động xung quanh mình, mà chỉ chờ đợi những giải trí diễn ra trước mắt.
Chúng được gọi là những đứa trẻ “thế hệ Disney” và rõ ràng, chúng không còn có sự kết nối với thiên nhiên nữa! Nhiều trẻ “thế hệ công nghệ” không biết cách tương tác với thiên nhiên. Bạn hãy thử cho con vào công viên hoặc đến nông trại, đôi khi chúng không biết chơi đùa như thế nào. E rằng sẽ có đứa đi tìm cái ổ cắm điện và hỏi password wifi! Chuyện ấy có lẽ sẽ trở thành sự thật một ngày không xa.
Những thiết bị công nghệ hầu như không giúp được gì nhiều cho sự phát triển các giác quan của trẻ. Vì các thao tác bằng tay trên thiết bị di động đã được nghiên cứu để thuận tiện nhất cho con người, những động tác lướt trên màn hình chỉ củng cố thêm một thế hệ “Disney” lạnh lùng chứ khó mà phát triển cảm quan. Muốn trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn thì không thể thiếu yếu tố thiên nhiên.
Vì vậy, khi không có sẵn thiên nhiên quanh mình thì không còn cách nào khác hơn là phải mang thiên nhiên đến với các em. Tuy nhiên, việc mang thiên nhiên đến với trẻ em không phải nhiệm vụ của riêng cha mẹ mà cần sự chung tay của nhiều người như nhà vận động môi trường, nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục, nhà chuyên môn…
Hồ Chí Minh hiện có số lượng cây xanh trên đầu người có lẽ thấp nhất thế giới, chỉ đạt 0,7m2/người, không chỉ thế mà còn đơn điệu về chủng loại và xấu. Do đó, thành phố cần gia tăng mảng xanh bằng các giải pháp như đưa mảng xanh lên cao theo chiều thẳng đứng, trồng cây xanh lên các bức tường, cầu vượt, tăng mảng xanh ở các hộ gia đình bằng cách trồng cây trên sân thượng, ban công…
Việc đưa mảng xanh vào lớp học, trường học là nhiệm vụ của nhà giáo dục. Mảng xanh không cần quá rộng lớn, chỉ cần có nơi để trẻ tiếp xúc với cỏ cây, nhìn thấy được sự lớn lên một cách diệu kỳ của mầm cây, thấy cá bơi lội, quan sát những bông hoa tươi xinh đón nắng mỗi ngày… Ngoài ra, những hoạt động đi chơi công viên, đến với nông trại – cơ hội để các em tiếp xúc và phát triển giác quan và trí thông minh – cần được tăng cường trong chương trình học.
Nếu muốn dạy về môi trường cho trẻ, cần tìm những bài học mà thiên nhiên trở thành một đối tượng kỳ thú, hấp dẫn để thu hút trẻ. Đồng thời, gia đình và nhà trường cũng cần dạy cho các em trở nên tự tin khi một mình đứng trước thiên nhiên, khi đó các bài học hướng đạo, kỹ năng sơ cấp cứu, nguy cơ mất an toàn thân thể… là vô cùng cần thiết.
Mô hình trường mẫu giáo trong rừng e là chưa thể thực hiện được ở Việt Nam vì còn nhiều khó khăn, nhưng có khá nhiều bài học cho những người làm giáo dục tham khảo. Trẻ em thời nào cũng yêu thích và có bản năng khám phá thiên nhiên. Không phải trẻ con ngày nay khô khan và vô cảm với thiên nhiên hơn trẻ con ngày xưa. Trẻ con sẽ học được vô vàn bài học từ thiên nhiên nếu chúng có điều kiện với trường học này. Vì vậy, chúng ta không nên quá chạy theo “sự hào nhoáng” bên ngoài của một ngôi trường, đầu tư quá nhiều cho các trang thiết bị mà quên rằng thực chất và triết lý giáo dục mới là quan trọng nhất.