Ngạn ngữ châu Phi có câu: “Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”. Nuôi dưỡng trẻ em là nhiệm vụ của cộng đồng giáo dục, bao gồm cha mẹ, người chăm sóc, người giáo dục trẻ, cũng như cộng đồng mà trẻ sinh sống. Thế nhưng, trong xã hội Việt Nam hiện nay, nhiệm vụ nuôi trẻ dường như bị đẩy về phía nhà trường hoặc gia đình. Thậm chí, nhà trường và phụ huynh như hai phe đối trọng. Trong trường tư thục, thầy cô giáo rất “sợ” làm phật ý học sinh và phụ huynh, còn ở nhiều trường công, phụ huynh lại phải cố gắng làm vui lòng thầy cô giáo…
Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh
“Môi trường giáo dục dựa trên lòng tin như mong ước của tôi và một số người làm giáo dục khác. Đó là lý do tôi và một số người bạn bắt tay thành lập The Caterpies – tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường lành mạnh hơn cho trẻ thơ thông qua việc tác động đến những người lớn quan trọng xung quanh trẻ như cha mẹ, thầy cô, những người chăm sóc trẻ”, thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương cho biết. “Dự án của chúng tôi sẽ cố gắng thay đổi cộng đồng, những người trực tiếp ảnh hưởng lên thế hệ trẻ em Việt Nam, đồng thời định hướng trở thành cầu nối chính thức cho các bậc cha mẹ, người làm giáo dục với những người tâm huyết, có chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo nói chung và lĩnh vực giáo dục đầu đời nói riêng”.
Thông qua các khóa học, The Caterpies sẽ cung cấp kiến thức và xây dựng năng lực cần thiết cho các nhân tố quan trọng của môi trường giáo dục, từ các nhà hoạt động giáo dục đến phụ huynh cũng như cả cộng đồng. Mở đầu là khóa học “Kỹ năng quản lý cho người làm giáo dục” dành cho những ai đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có mong muốn nâng cao kỹ năng quản lý, lãnh đạo của bản thân.
Ngoài ra, dự án còn mang đến các chương trình đào tạo, chương trình phát triển năng lực, cập nhật kiến thức. Chẳng hạn như chương trình tài trợ giáo án và huấn luyện miễn phí về giáo dục cảm xúc cho các trường mẫu giáo. Tại Việt Nam, giáo dục cảm xúc – xã hội (Social-Emotional Learning) được cho là “miếng bánh bị quên lãng” hoặc chỉ được đề cập, hướng dẫn nhỏ giọt trong chương trình giáo dục trường học. Trong khi đó, cảm xúc – xã hội là chiều kích quan trọng cần được phát triển ở trẻ bên cạnh sự quan tâm về thể lý và nhận thức.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, chiều kích cảm xúc – xã hội ở trẻ phát triển sẽ giúp thành tích học tập của trẻ tăng, chất lượng các mối quan hệ của trẻ được cải thiện và hành vi “có vấn đề” giảm. Xa hơn, trẻ phát triển lành mạnh về cảm xúc – xã hội, khi trưởng thành sẽ là công dân có trách nhiệm, sẵn sàng giúp đỡ người khác và đóng góp cho xã hội. Vì vậy, để hỗ trợ cha mẹ và những người nuôi dạy trẻ trong việc giáo dục cảm xúc – xã hội cho trẻ ngay từ rất sớm sẽ hiệu quả hơn là điều chỉnh những hành vi có vấn đề khi đã trưởng thành. Aristotle từng nói: “Chỉ giáo dục cái đầu mà không giáo dục trái tim tức là chẳng giáo dục gì cả”. Nếu chỉ tập trung vào dinh dưỡng và nhồi nhét kiến thức mà quên mất vai trò rất quan trọng của cảm xúc thì không thể giúp trẻ lớn lên lành mạnh và hạnh phúc.
Trước đó, The Caterpies cũng đã có nhiều hoạt động giúp nâng cao nhận thức của cha mẹ, thầy cô về giai đoạn đầu đời của trẻ. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, sáu năm đầu tiên là khoảng thời gian hình thành nền móng về trí tuệ và nhân cách của một con người. Nhưng người Việt chúng ta chưa xem đứa trẻ là một “con người đúng nghĩa”, chỉ cần cho ăn đúng giờ, cho ngủ đủ giấc, thậm chí được “nhào nặn” theo ước muốn của cha mẹ đồng thời việc đầu tư cho độ tuổi này rất eo hẹp. Sự thật là những năm đầu đời giống khởi đầu một hành trình sống, cần được chuẩn bị thật chu đáo. Đó cũng chính là thông điệp mà bộ phim The beginning of life, đã “chạm” đến cảm xúc đông đảo người xem.
Đây cũng là một hoạt động của The Caterpies thu hút sự chú ý của đông đảo phụ huynh. Những thước phim về những khoảnh khắc đẹp đẽ và đầy cảm động quanh câu chuyện “nuôi con thành người”. Phim “giải mã” cho chúng ta những nhân tố nào có tác động quan trọng nhất đến một đứa trẻ trong giai đoạn 0-6 tuổi, để ta biết mình nên làm gì và có thể làm gì nhằm không lãng phí những năm tháng có tính “đặt nền móng” này trong cuộc đời của trẻ. Phim cũng bàn về những niềm vui và nỗi buồn của hành trình trở thành cha mẹ, gồm cả những khía cạnh rất “đời” như khi làm cha mẹ đơn thân, làm cha mẹ của trẻ “đặc biệt”, khi trẻ chào đời ngoài ý muốn…
Mặt khác, The Caterpies cũng góp phần phát triển một hệ sinh thái giáo dục đầu đời để cùng chung tay nuôi dưỡng trẻ bằng cách tổ chức các diễn đàn giáo dục để các tổ chức và cá nhân quan tâm đến lĩnh vực giáo dục đầu đời kết nối với nhau. Một dự án vô cùng có ý nghĩa đã được nhóm những nhà sáng lập thực hiện mới đây là dự án “Những người tiên phong trong giáo dục mới”. Nhóm đã tìm thấy Trường Bách Thảo – trường mẫu giáo đầu tiên xây dựng cách đây 70 năm với những triết lý giáo dục vô cùng tiến bộ. Và ngôi trường này đã có sự chung tay của rất nhiều người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thương nhân, đến những người tình nguyện và cả anh thợ mộc đóng bàn ghế… Tất cả đều cùng “xắn tay” cho việc giáo dục thế hệ trẻ. Qua đó, chúng ta thấy được rằng câu chuyện giáo dục không chỉ được thực hiện bởi thầy cô giáo hay những người xây dựng trường.
Màng lọc khách quan cho các triết lý giáo dục
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều triết lý giáo dục khác nhau, phương pháp nào cũng tốt, cũng hay. Không ít người ủng hộ phương pháp giáo dục Montessori, hướng trẻ trở thành cá nhân độc lập với sự hướng dẫn của thầy cô giáo. Trẻ nhỏ tham gia vào các hoạt động thực hành đa dạng, mỗi chất liệu vui chơi đều được thiết kế theo các mục tiêu cụ thể, nhằm hướng dẫn trẻ học hỏi trong quá trình chơi. Montessori thúc đẩy trách nhiệm cá nhân bằng cách khuyến khích trẻ tự chăm sóc bản thân, các nhu cầu và vật dụng cá nhân của mình, như việc trẻ tự chuẩn bị bữa ăn xế và dọn dẹp đồ chơi… Những người khác lại cho rằng phương pháp dạy Waldorf mới cần thiết cho trẻ.
Waldorf nhấn mạnh việc học sáng tạo, như diễn kịch, đọc truyện, hát hò và nấu ăn. Mục tiêu của hệ thống này là phát triển cảm xúc và thể chất cũng như trí thông minh của trẻ. Môi trường Waldorf tốt đối với những học sinh đã định hướng được mục tiêu phát triển của bản thân. Hay mô hình học qua dự án (project-based), theo đó các trường với cách tiếp cận thông qua dự án coi trẻ nhỏ là một cá nhân học tập độc lập và thầy cô giáo là người hướng dẫn; học sinh phải cùng làm việc và cùng với giáo viên đàm phán, lên kế hoạch làm việc xuyên suốt các dự án… Vậy phương pháp nào có thể áp dụng để nuôi dạy con cái chúng ta? Đây là câu hỏi mà chắc chắn cha mẹ nào cũng sẽ đặt ra.
Câu trả lời là “kiểu của con bạn”! Đại diện của The Caterpies cho biết: “Vì mỗi đứa trẻ không phải là tờ giấy trắng để cha mẹ vẽ lên những điều mình mong muốn, những ước mơ còn dang dở thuở thiếu thời. Cha mẹ hãy nhớ rằng, mỗi đứa trẻ là cả một kho tàng để chúng ta khám phá với những tài năng riêng biệt. Nếu ta nhìn nhận như vậy, trẻ con cũng sẽ dạy cho chúng ta được nhiều điều thú vị cũng ngang với những điều ta học được từ cuộc sống này. Và điều này chỉ có thể xảy ra khi ta xem con ta như người lớn với sự tôn trọng và thương yêu, lúc ấy, ta mới có thể nghe và hiểu con”.
Hơn nữa, các lý thuyết nổi tiếng trên thế giới đều có sự thống nhất về những quan điểm giáo dục tiến bộ. Vì vậy, người làm giáo dục không nên sùng bái một lý thuyết nào đó mà cần kết hợp các lý thuyết này trong từng chương trình cụ thể, chứ không dùng chúng để quảng cáo và thu hút phụ huynh. Chính vì vậy, The Caterpies mong muốn là chiếc “màng lọc” khách quan trung thực để giới thiệu phụ huynh và người làm giáo dục những triết lý giáo dục tiến bộ, để chúng ta không còn hoang mang, lúng túng trước một rừng phương pháp giáo dục mới như hiện nay.