Hầu hết những người di chuyển bằng đường hàng không đều bị tác động bởi tình trạng này kể cả những người sống trong môi trường di chuyển thường xuyên như tiếp viên hàng không hay phi công.
Triệu chứng thường xuất hiện khi bịảnh hưởng là trạng thái mất phương hướng, dễ cáu gắt, cảm thấy mệt mỏi, mắt sưng, đau đầu, có cảm giác bị cảm lạnh và đau bụng. Những nguyên nhân bên cạnh việc phải chịu đựng một chuyến bay dài có thể đến từ việc mất nước trong cơ thể, thức ăn lạ, khoảng cách duỗi tay chân chật hẹp, không gian ngột ngạt, thiếu ngủ, mặc quần áo không thoải mái, tiếng ồn liên tục và những điểm dừng nối chuyến làm ngắt quãng giấc ngủ sẽ làm cho tình trạng jet lag trở nên trầm trọng hơn.
Đối với những chuyến bay dài – đặc biệt là những chuyến bay đêm – thường làm bạn mất ngủ trong nhiều giờ vì vậy trạng thái mệt mỏi sẽ xuất hiện trầm trọng ngay cả khi không có sự chênh lệch múi giờ tại điểm đến. Nếu bạn là một người thực hiện thời khóa biểu giờ giấc một cách nghiêm túc (nghĩa là luôn thức dậy lúc 7 giờ và đi ngủ lúc 22 giờ) thì hãy chú ý vì khi đó tác động của jet lag lên cơ thể bạn sẽ rất nghiêm trọng.
Thông thường mức độ của jet lag tùy thuộc theo độ tuổi, tuổi càng cao thì mức độảnh hưởng càng lớn, trẻ em thường ít bị tác động hơn rất nhiều. Để có thể rút ngắn khoảng thời gian lấy lại trạng thái bình thường sau chuyến bay dài và có sự chênh lệch múi giờ cao, một số hành động nếu cố gắng thực hiện trước và trong chuyến bay có thể sẽ giúp bạn nhanh chóng lấy lại năng lượng cho những chuyến tham quan hoặc những ngày làm việc căng thẳng sau đó.
Trước chuyến bay
Có một quy tắc chung nên nhớ trước khi thực hiện chuyến bay dài đến những nơi có chênh lệch múi giờ, đó là tỷ lệ 1:1, tức là cứ múi giờ chênh lệch là 1 giờ thì bạn phải có ít nhất một ngày tập sinh hoạt theo múi giờ mới. Như vậy, nếu chuẩn bị bay sang Hoa Kỳ thì có thể bạn phải chuẩn bị ít nhất từ 11 đến 12 ngày để tập sống theo giờ tại Hoa Kỳ. Điều chỉnh lại thói quen về giờ giấc, có thể sẽ tập đi ngủ và thức dậy sớm hoặc muộn hơn, sử dụng cùng lúc hai đồng hồ được điều chỉnh theo hai múi giờ tại điểm sống hiện tại và tại nơi sắp bay đến sẽ giúp bạn có thể tự điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình thay đổi một cách từ từ.
Bên cạnh việc tập làm quen sự thay đổi giờ giấc sinh hoạt cho phù hợp, trước khi đến sân bay, bạn cũng nên thực hiện một vài bài tập thể dục. Tại một số sân bay cũng có thiết kế những khu vực dành cho hành khách thực hiện một vài động tác thể dục trước khi lên máy bay. Điều này khá hữu ích bởi nó sẽ giúp bạn có được giấc ngủ ngon trên máy bay. Nếu không, bạn cũng có thể tạo cho mình một vài động tác thể dục bằng cách không sử dụng thang cuốn hay băng chuyền hỗtrợ di chuyển, thay vào đó hãy đi bộ và sử dụng thang bộ khi di chuyển đến quầy thủ tục hay cửa ra máy bay.
Trong chuyến bay
Có lẽ cách tốt nhất để có thể chống lại tình trạng jet lag là bạn phải tạo mọi điều kiện để cơ thể của bạn luôn ở trạng thái thoải mái và khỏe nhất. Tất nhiên, việc đặt chỗ trên khoang hạng cao cấp sẽ giúp bạn giảm thiểu được những trạng thái khó chịu trong chuyến bay dài rất nhiều từ không gian cũng như tiện nghi cung cấp từ hãng hàng không. Nhưng nếu vì một lý do nào đó mà bạn phải ngồi tại khoang hạng thường, hãy chú ý đến những chi tiết sau để có được trạng thái cơ thể tốt nhất sau chuyến bay.
Đầu tiên, phải cung cấp nước thường xuyên cho cơ thể nhưng không nên uống những loại nước có chất cồn hay caffeine, vì vậy đừng nên e ngại khi yêu cầu tiếp viên hàng không phục vụ nước uống cho mình.
Thứ hai, đừng lo sợ uống nhiều nước sẽ phải đi vệ sinh nhiều gây cảm giác phiền phức, bởi chính việc đứng lên và di chuyển nhiều sẽ giúp bạn lưu thông máu huyết, không gây tê cứng, đồng thời sẽ giúp hạn chế khả năng bị “say máy bay” (air sickness). Nếu không có nhiều cơ hội để có thể di chuyển trong chuyến bay, bạn cũng có thể thực hiện một vài động tác tại ghế ngồi như: duỗi thẳng chân tay, xoa bóp và di chuyển những ngón chân và tay thường xuyên, xoay cổ hoặc bẻ vai, xoa bụng… giúp lưu thông máu, tránh tình trạng tụ máu gây tê cứng trong điều kiện không khí được điều áp trong khoang máy bay.
Kế tiếp, thường xuyên đi rửa mặt, đánh răng sau khi ăn tạo cảm giác thoải mái, sạch sẽ. Nên mặc những trang phục rộng rãi, màu sắc dễ chịu.
Hãy chuẩn bị cho mình một chiếc gối kê phần cổ, miếng che mắt, tai nghe chống tiếng ồn để giúp cho giấc ngủ của bạn được sâu và lâu hơn. Một điểm cần lưu ý là hãy chọn những đôi giày thật thoải mái khi bay nếu bạn không muốn biến khoảng thời gian quá cảnh tại các sân bay trở thành cơn ác mộng.
Một vài lời khuyên khác liên quan đến việc sử dụng thuốc tạo cảm giác buồn ngủ để chống lại sự mệt mỏi trong chuyến bay, tuy nhiên phải sử dụng theo đúng chỉ định từ bác sĩ. Các sản phẩm khác có chứa chất melatonin – một dạng chất hóa học có trong cơ thể giúp điều hòa chu trình giấc ngủ, cũng được rất nhiều người sử dụng để chống lại tình trạng jet lag. Cũng có nhiều tranh cãi về phản ứng phụ từ việc sử dụng chất này nhưng có một điều chắc chắn là bạn sẽ trở nên mệt mỏi hơn rất nhiều nếu dùng sai liều lượng và không tuân theo sự hướng dẫn từ bác sĩ. Nếu còn nghi ngại về mức độ an toàn của các loại tân dược, bạn cũng có thể cung cấp chất melatonin này cho cơ thể bằng việc nhâm nhi những quả anh đào khô.
Sau khi đã thực hiện tất cả những gợi ý trên mà bạn vẫn cảm thấy khá mệt mỏi khi rời khỏi máy bay thì hãy thử thực hiện một liệu pháp thay thế bằng cách nhanh chóng phơi mình dưới ánh nắng mặt trời trong vòng 15 đến 20 phút không đeo kính râm ngay sau khi rời khỏi sân bay, nó sẽ giúp bạn nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi múi giờ tại điểm đến.