Có thể nói những nỗ lực trong tháng 3 của các nhà sản xuất, kinh doanh ôtô đã được đền đáp mỹ mãn khi doanh số đã tăng trưởng ấn tượng trên hầu hết các phân khúc thị trường.
Sự trở lại ngôi vương doanh số của Toyota Vios hay của Toyota nói chung có thể không là bất ngờ lớn nhưng sự trở lại vị trí thứ 2 ngoạn mục trong top best-seller của mẫu MPV Mitsubishi Xpander cho thấy thị trường ôtô Việt Nam sẽ còn tiếp tục chứng kiến nhiều sao đổi ngôi những tháng tiếp theo.
Theo thống kê vừa công bố của VAMA (Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam), doanh số tháng 3 của thị trường ôtô Việt Nam đạt 32.308 chiếc, tăng 160% so với tháng trước với mức tăng trưởng đều trên cả ba phân khúc là xe du lịch (22.528 chiếc, tăng 151%), xe thương mại (8.917 chiếc, tăng 170%) và xe chuyên dụng (863 chiếc, tăng 390%).
Cuộc đua chiếm giữ thị phần giữa hai dòng xe CKD và CBU vẫn đang rất quyết liệt khi doanh số trong tháng 3 của cả hai đều tăng ấn tượng.
Nếu dòng xe lắp ráp trong nước bán được 19.769 chiếc, tăng 153% so với tháng 2 thì dòng xe nhập khẩu cũng không kém cạnh khi bán được 12.539 chiếc, tăng 164%.
Màn tăng tốc trong tháng 3 đã đưa doanh số của thị trường ôtô quý I-2019 tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó dòng xe lắp ráp nội địa giảm nhẹ với 46.253 chiếc, giảm 8% trong khi dòng xe nhập khẩu có tỷ lệ tăng trưởng gây sốc 234% với doanh số 31.999 chiếc.
Điều này cho thấy khoảng cách mà dòng xe lắp ráp trong nước đã tạo ra so với xe nhập khẩu những năm trước có nhiều khả năng sẽ không còn trong thời gian tới nhiều mẫu xe lắp ráp nội địa đã chuyển sang nhập khẩu.
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 3 thị trường ôtô nước ta đã nhập khẩu khoảng 11.000 chiếc, có giá trị 223 triệu USD, trong tổng số 36.777 chiếc nhập khẩu trong ba tháng đầu năm trị giá 797 triệu USD phần lớn là xe được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.
Bên cạnh đó, thông tin Toyota sẽ chuyển mẫu sedan hạng D từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu hoàn toàn từ Thái Lan cho thấy dòng CBU sắp tới sẽ có nhiều lợi thế hơn. Hiện tại chỉ còn Kia và Hyundai vẫn sản xuất, lắp ráp nội địa tất cả các mẫu xe đang bán trên thị trường Việt Nam.
Trên bảng xếp hạng Top 10 mẫu xe bán chạy nhất trong tháng 3-2019, xe lắp ráp trong nước vẫn chiếm ưu thế hoàn toàn so với xe nhập khẩu.
Sau hai tháng đầu năm chật vật, Toyota Vios đã trở lại vị trí dẫn đầu với doanh số áp đảo 3.161 chiếc. Tuy nhiên, cái tên ở vị trí á quân mới là điểm nhấn của tháng 3: với doanh số bất ngờ 1.838 chiếc, mẫu MPV bảy chỗ Mitsubishi Xpander hứa hẹn còn tạo nhiều sự bùng nổ trong năm nay vì “hợp nhãn” người tiêu dùng.
Sau khi bị lọt khỏi Top 10 trong tháng trước, mẫu MPV huyền thoại Toyota Innova cũng kịp thời quay trở lại với 1.712 chiếc được bán ra trong tháng 3, đẩy mẫu sedan hạng B Hyundai Accent xuống vị trí thứ 4 với 1.681 chiếc.
Sau màn tăng tốc hoành tráng trong tháng 2, mẫu crossover Honda CR-V rơi xuống vị trí thứ 5 khi chỉ đạt 1.389 chiếc, xếp trên vị trí thứ 6 là Mazda3 với 1.166 chiếc.
Mẫu xe đô thị hạng A nhập khẩu Toyota Wigo cũng quay lại top với 1.152 chiếc được bán ra trong tháng, hơn Hyundai Grand i10 ở vị trí thứ 8 với 1.112 chiếc.
Ở vị trí khóa Top 10 là hai mẫu xe lắp ráp nội địa Kia Cerato và Honda City với doanh số lần lượt là 1.037 và 1.022 chiếc.
Sự vắng mặt trong Top 10 của những cái tên đình đám một thời như vua bán tải Ford Ranger, SUV Toyota Fortuner… cho thấy xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng đang thay đổi trong đó giá xe là một yếu tố quan trọng.
Sự bứt phá về doanh số trong tháng 3 của nhiều mẫu xe cũng đem lại sự thay đổi lớn về thị phần của nhiều thương hiệu.
Với ba mẫu xe góp mặt trong Top 10 best-seller, thị phần trong tháng 3 của dòng xe du lịch Toyota bỏ xa các đối thủ khác với doanh số 9.068 chiếc trong khi Thaco với sự góp sức của ba thương hiệu Kia, Mazda và Peugeot đạt 5.419 chiếc, xếp trên Hyundai với doanh số 5.386 chiếc.
Xếp thứ tư về thị phần là Honda với doanh số 2.714 xe nhờ vào thành công của Honda CR-V trong khi Mitsubishi với sự công phá bất ngờ từ mẫu MPV Xpander đã vượt Ford để lần đầu lọt vào Top 5 thị phần. Tuy nhiên, cộng dồn doanh số ba tháng đầu năm, thứ tự thị phần có chút thay đổi.
Toyota vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu với 18.967 chiếc được bán ra; Thaco vẫn nhỉnh hơn Hyundai để giữ vị trí thứ 2 với doanh số 18.144 chiếc. Tuy vậy, Hyundai với doanh số 15.158 chiếc vẫn bỏ xa vị trí thứ tư là Honda chỉ đạt 8.687 chiếc còn Ford vẫn giữ vững vị trí cuối trong Top 5 với 7.500 chiếc.
Sự biến động của thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 3-2019 nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong tháng tiếp theo khi hầu hết các thương hiệu đều tăng thêm “ga” cho các chương trình khuyến mại dành cho tháng 4.
Sự vận động liên hoàn sẽ giúp đưa thị trường nhanh chóng đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng. Cùng với việc những mẫu xe thương hiệu Việt – VinFast chính thức ra thị trường, thị trường ôtô Việt Nam hứa hẹn sẽ có nhiều chuyển biến kịch tính trong nửa cuối năm nay.