Tại buổi làm việc với đại diện các doanh nghiệp bất động sản hôm 12-8, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết tình hình thị trường bất động sản bảy tháng đầu năm 2016 có một số nghịch lý dù không mới nhưng có thể dẫn tới những tiềm ẩn rủi ro cho các nhà đầu tư.
Đặc biệt, Bộ trưởng cho hay trong thời gian gần đây, Chính phủ rất quan tâm đến thị trường bất động sản thể hiện bằng việc “phiên họp nào cũng nhắc nhở kiểm soát tốt thị trường quan trọng này”. Đánh giá tổng quan trong bảy tháng qua, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhận định thị trường vẫn tiếp tục xu hướng ổn định, có tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên cũng xuất hiện những câu hỏi như thị trường có dấu hiệu khủng hoảng chưa, có xảy ra bong bóng không? Trước hàng chục doanh nghiệp bất động sản, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định những băn khoăn trên chưa đến mức phải quan ngại, nhưng thực tế thị trường đang hiện hữu một số bất cập.
Bất cập trước tiên là sự lệch pha về cung – cầu nhà ở ngày càng tăng và sâu hơn. Tại nhiều địa phương, thành phố lớn trên cả nước, cung về nhà ở cao cấp, biệt thự, khách sạn đang cao hơn hẳn nguồn cung nhà ở bình dân, nhà ở xã hội. Trong khi nhu cầu của đại đa số người dân lại là nhà ở mức trung bình, nhưng nhà lại ngày càng thiếu.
Bất cập thứ hai theo Bộ trưởng cần phải lưu tâm chính là tốc độ tăng về tín dụng cho vay và câu chuyện “ai vay ai không”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, nếu đánh giá theo thông lệ quốc tế thì tín dụng bất động sản của chúng ta vẫn đang trong hạn an toàn, nhưng phần lớn tín dụng chỉ tập trung vào các dự án cao cấp, hoặc một số nhà đầu tư có tên tuổi.
Chính điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho tất cả các bên nếu không kiểm soát tốt các dự án cho vay cũng như khả năng cung – cầu sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, tới đây, các chủ đầu tư cần chú ý tới khả năng thắt chặt tín dụng bất động sản của ngân hàng.
Bất cập thứ ba được đề cập là đang có biểu hiện tăng giá nhà trên thị trường do tác động của các nhà đầu tư thứ cấp. Một số dự án đã tăng giá từ 3 – 7%, thậm chí có dự án khách mua vẫn phải trả tiền chênh lệch hàng trăm triệu đồng.
Khép lại phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay, hiện Bộ đã soạn thảo đề án quản lý thị trường bất động sản, chuẩn bị báo cáo Chính phủ, nhấn mạnh đến sáu giải pháp, trong đó có việc phải minh bạch hơn nữa thông tin về thị trường, phát triển thị trường vốn, tăng cường thanh kiểm tra các dự án, phát triển nhà ở xã hội…
Ngoài ra, người đứng đầu ngành xây dựng cũng lưu ý các doanh nghiệp bất động sản, nếu có bất kỳ khúc mắc hay trở ngại gì, nên gửi thư điện tử trực tiếp đến bộ trưởng, bởi như thế “chắc chắn sẽ xử lý nhanh hơn là gửi lòng vòng”.
Không phải chờ đợi lâu, nhiều doanh nghiệp trong buổi gặp gỡ nói trên đã nhấn mạnh vào những sự trái khoáy đến khó hiểu của các quy định, chính sách về xây dựng, bất động sản.
Chẳng hạn quy định mang tính bất di bất dịch là buộc doanh nghiệp phải dành 20% đất của một dự án bất kỳ để làm nhà ở xã hội. Đây là một bất hợp lý không nhỏ bởi có những dự án doanh nghiệp đã phải cắt 20% đất làm trường học, nếu phải dành thêm 20% để làm nhà ở xã hội thì đất kinh doanh chỉ còn 60%, trong khi vẫn phải đóng tiền sử dụng đất 100% diện tích.
Không ít doanh nghiệp ngành địa ốc cho rằng quy định quá vô lý này dẫn tới tình trạng đơn giá tiền đất tăng cao hơn nhiều. Thế là nhà đầu tư không còn cách nào khác là phải đẩy bất hợp lý ấy vào giá nhà. Hậu quả là giá nhà tăng cao, mà lẽ ra có thể giảm thấp hơn nhiều.
Ngoài ra, một số điểm trái khoáy khác về pháp luật bất động sản cũng được các doanh nhân chỉ ra, trong đó có các chính sách về cải tạo chung cư cũ, thủ tục triển khai dự án rườm rà, phức tạp, quá nhiều loại giấy tờ. Đó là chưa kể doanh nghiệp phải thường xuyên tiếp hàng loạt đoàn thanh tra của thành phố, bộ ngành vào “soi” dự án.
Phản hồi của doanh nhân còn liên quan đến các chủ trương lớn nhưng không được triển khai rõ ràng. Chẳng hạn quy định cấp giấy chứng nhận, bán nhà cho Việt kiều và người nước ngoài hiện vẫn còn vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp khi triển khai dự án. Ngay cả việc quy định khung pháp lý trong đền bù ở những dự án khi di chuyển mồ mả cũng chưa cụ thể, khiến doanh nghiệp khó khăn, lúng túng.
Hay như chủ trương của Chính phủ là “cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp” nhưng thực tế lại không như vậy. Cụ thể là năm 2015 việc cấp giấy phép xây dựng chỉ mất 114 ngày, nhưng sang năm 2016 phải mất 166 ngày. Nguyên nhân là do các sở tài nguyên và môi trường “cải cách thủ tục”.
Một số bất hợp lý khác của các chính sách về bất động sản cũng đã được các doanh nghiệp, đại diện các hội nghề nghiệp đưa ra.
Đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng trong phần trao đổi đã khẳng định những vướng mắc nêu trên là thực tế và hứa “sẽ ghi nhận, sửa đổi trong thẩm quyền hoặc trình Chính phủ và các bộ ngành khác có hướng tháo gỡ”.
Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, thông tin được dư luận quan tâm trong tuần qua là ý định của chính quyền Đà Nẵng muốn di dời tòa nhà Trung tâm hành chính vốn được xem là biểu tượng của thành phố này, có vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng và chỉ mới đưa vào sử dụng trong hai năm.
Tòa nhà được thiết kế theo kiến trúc ngọn hải đăng dẫn đường và phần đế tạo hình chiếc thuyền kết hợp với mái hình cánh buồm đang vươn ra khơi là điểm nhấn kiến trúc hiện đại, độc đáo.
Tọa lạc bên bờ sông Hàn, Trung tâm hành chính này xây dựng trên khu đất rộng 23.318m², tổng diện tích sàn 65.234m² và được trang bị hệ thống tích hợp quản lý thông minh, tự động nên chính quyền Đà Nẵng kỳ vọng đây sẽ là nơi làm việc thân thiện, thoải mái của 24 sở, ban, ngành và UBND thành phố.
Tuy nhiên, tuần trước chính quyền Đà Nẵng cho biết Trung tâm hành chính hiện tại tuy có nhiều ưu điểm góp phần đưa chỉ số cạnh tranh PCI của Đà Nẵng lên cao nhưng cũng có nhược điểm là không khí chưa sạch, nóng và thiếu oxy, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của những người làm việc trong tòa nhà.
Câu chuyện Trung tâm hành chính Đà Nẵng đang gây ra nhiều dòng suy nghĩ khác nhau không chỉ với người dân địa phương mà cả những ai quan tâm đến sự kiện này.
Vấn đề đặt ra là cho đến nay đã có khảo sát nào của cơ quan chức năng về những nhược điểm được nêu ra liên quan đến độ hài lòng của người dân Đà Nẵng cũng như sự xác nhận của ngành y tế liên quan đến sức khỏe cán bộ công chức đang làm việc trong trung tâm chưa? Nếu trung tâm không đạt những yếu tố kỹ thuật thì cần có ý kiến của các nhà chuyên môn để lập luận của chính quyền có tính thuyết phục cao hơn, qua đó để có phương án xử lý cũng như quy trách nhiệm thuộc về khâu thiết kế hay thi công, trong đó có việc bồi thường thiệt hại. Có ý kiến cho rằng chính quyền thành phố Đà Nẵng cần thuê công ty tư vấn chuyên nghiệp để khảo sát, đo đạc các thông số liên quan đến tình trạng nóng và thiếu oxy để đối chiếu với hồ sơ thiết kế.
Những ý kiến trên đây mang tính xây dựng trong tình hình cả nước tiết kiệm chi tiêu, nợ công chồng chất là rất đáng được quan tâm đúng mức.
Được biết, cuối tuần qua UBND thành phố Đà Nẵng đã duyệt phương án thiết kế mở thêm những cửa hút không khí và gió vào tòa nhà Trung tâm hành chính.
Gia Minh (DNSGCT)