Thêm một lần nữa, tranh lụa của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn cũng với chủ đề “Phù phiếm” lại được giới thiệu với người thưởng ngoạn, lần này triển lãm cá nhân thứ năm của anh diễn ra tại Khách sạn Sofitel Sài Gòn Plaza (số 17 Lê Duẩn, Q.1, từ 9-7 đến 27-9-2014).
Phòng tranh được tổ chức với sự kết hợp của gallery Craig Thomas, nơi từng giới thiệu tác phẩm của Bùi Tiến Tuấn không chỉ một lần – cả tranh lụa lẫn tranh giấy dó, và theo lời họa sĩ thì gallery Craig Thomas là nơi tranh của anh vẫn “bán được lai rai”, một tín hiệu đáng mừng cho không riêng tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn mà với cả nghệ thuật tranh lụa Việt Nam nói chung, khi mà loại hình hội họa với chất liệu, kỹ thuật và cách tạo hình truyền thống này chưa có được chỗ đứng so với tranh được vẽ bằng các chất liệu khác, chẳng hạn như tranh sơn dầu, sơn mài.
Thành công của tranh lụa Bùi Tiến Tuấn là bởi tác giả đã có những nỗ lực thử nghiệm, cách tân loại hình tranh lụa – chuyên ngành hội họa mà anh đã theo học tại Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp, anh đã có thời gian quay lưng với những gì mình được học để vẽ sơn dầu “thời thượng” hơn, dễ bán được hơn. Nhưng người con của đất Quảng Nam, nơi có một vùng quê lụa nổi tiếng tự bao đời với hàng lụa tơ tằm tuyệt hảo, rồi đã tìm thấy cho mình một con đường đi mới bằng tranh lụa. Không còn dựa dẫm vào “vốn cổ”, Bùi Tiến Tuấn đã khai thác vẻ đẹp hình thể của người nữ một cách khác, táo bạo và say mê, đưa vào tranh lụa đương đại của anh, như Tuấn bày tỏ: “Cách làm của tôi không giống với nhiều họa sĩ vẽ tranh lụa khác. Tôi chú tâm đến màu sắc trong tranh, nhuộm màu sắc như thế nào trên tấm lụa mình vẽ và phả vào tranh hơi thở cuộc sống thị dân ở vùng đất Sài Gòn hôm nay”. Không thể không nói đến ảnh hưởng của tranh khắc gỗ ukiyo-e (Nhật Bản thế kỷ XVII – thế kỷ XX) cũng như các poster vũ nữ Moulin Rouge của bậc thầy người Pháp Henri de Toulouse – Lautrec (1864-1901) đối với tranh lụa Bùi Tiến Tuấn, song những gì anh đã làm có thể coi là một sáng tạo nghệ thuật đáng chú ý của hội họa Việt Nam đầu thế kỷ XXI.
Tại triển lãm mới nhất của Bùi Tiến Tuấn, có nhiều tác phẩm anh mới vẽ cũng như một số tranh đã từng được trưng bày trước đây, nhưng dễ nhận thấy trong không gian lobby sang trọng, bề thế của Khách sạn Sofitel Sài Gòn Plaza thì những cô nàng “phù phiếm” của họa sĩ như thể đã tìm được một chốn thích hợp nhất để phô bày cái đẹp bí ẩn mà khêu gợi của họ.
Ánh sáng, cách bài trí, cách “treo” tranh (tác phẩm như được gắn chặt vào tường đá cẩm thạch lộng lẫy) và những chiếc khung tranh được tác giả chăm chút hết mức đã khiến sinh hoạt tạo hình này sẽ thật đáng nhớ với những ai đã được mời tham dự.
- Diên Vỹ