Hai nhà đấu giá Sotheby’s và Phillips đã khởi động cuộc đấu giá NFT (Non-fungible token) vào ngày 12/4, một tháng sau khi Christie’s bán một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số với giá 69,3 triệu USD.
Hai nhà đấu giá Sotheby’s và Phillips đã khởi động cuộc đấu giá NFT (Non-fungible token) – chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm vào ngày 12/4, một tháng sau khi Christie’s bán một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số với giá 69,3 triệu USD.
Giới quan sát cho biết đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà đấu giá truyền thống tìm cách tham gia “cơn sốt” NFT đang làm rung chuyển thị trường nghệ thuật .
Theo đó, nhà đấu giá Sotheby’s đang tổ chức đợt đấu giá NFT kéo dài từ ngày 12 -14/4. Sự kiện này rất khác so với một cuộc đấu giá thông thường của Sotheby’s. Tại đây, các nhà sưu tập có thể mua nhiều “khối” với giá cố định là 500 USD/khối, sau đó có thể đổi chúng lấy NFT.
Ông Max Moore, chuyên gia nghệ thuật đương đại tại nhà đấu giá Sotheby’s, bày tỏ hy vọng một số nhà sưu tập chưa bao giờ mua NFT sẽ thực hiện giao dịch đầu tiên của họ trong đợt mở bán này của Sotheby’s.
Kỳ vọng này dựa trên thống kê cho thấy khoảng 91% những người tham gia đấu giá cho tác phẩm “Everydays” tại Christie’s chưa bao giờ giao dịch tại nhà đấu giá này trước đây. Hơn một nửa trong số những khách hàng tham gia thuộc nhóm từ 25 – 40 tuổi.
Trong khi đó, nhà đấu giá Phillips cũng sẽ chào bán tác phẩm độc đáo có tên “Replicator” của nghệ sĩ Canada Mad Dog Jones trong một cuộc đấu giá diễn ra từ ngày 12/4 – 23/4.
Khi tác phẩm trên được bán thành công, nó sẽ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mới và bản thân chúng sẽ đi kèm với một số lượng NFT giới hạn. Tổng cộng sẽ có bảy đợt NFT phát sinh, đồng nghĩa sẽ có từ 75 – 300 sản phẩm kỹ thuật số được tạo ra trong khoảng một năm.
“Cơn sốt” NFT diễn ra vào thời điểm khá thuận lợi, khi các nhà đấu giá đẩy nhanh quá trình chuyển đổi lên môi trường kỹ thuật số sau một năm phải hoạt động trực tuyến vì đại dịch COVID-19.
Ba tháng trước, hầu như không ai nghe nói đến NFT – một sản phẩm kỹ thuật số như bản vẽ, đoạn hoạt hình, bản nhạc, ảnh hoặc video có chứng chỉ xác thực được tạo ra bởi công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Nhưng điều đó đã thay đổi vào tháng Ba, khi một bức tranh ghép kỹ thuật số của nghệ sĩ người Mỹ Beeple được bán với giá 69,3 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s và thiết lập kỷ lục mới cho một NFT. Sau đó, bài đăng đầu tiên trên mạng xã hội Twitter cũng được bán với giá 2,9 triệu USD.
Kể từ đó tới nay, thị trường NFT ghi nhận lượng giao dịch trị giá 10 triệu USD mỗi ngày, theo số liệu thống kê từ trang web DappRadar. Hoạt động giao dịch thường thông qua các loại tiền kỹ thuật số trên các trang web chuyên biệt như Nifty Gateway và OpenSea – vốn chỉ ở rìa của thế giới nghệ thuật.
Song xu hướng NFT đang trở nên phổ biến hơn, giữa lúc các nhà đấu giá truyền thống muốn “lướt” theo cơn sốt này.