Nếu thế hệ sinh sau Thế chiến II giàu chưa từng có, thì thế hệ Millennials hay thế hệ Y (lớp người 20-35 tuổi) cũng sẽ giàu hơn nhờ thừa kế? Không hẳn như vậy.
Thế hệ sinh sau Thế chiến II vẫn là thế hệ giàu nhất trong lịch sử cho tới năm 2030. Theo một báo cáo chuyển nhượng tài sản của Ngân hàng Hoàng gia Canada, khi những người thuộc thế hệ này ở Anh và Bắc Mỹ chuyển tài sản thừa kế, ước tính họ sẽ để lại 4.000 tỉ USD cho lớp trẻ.
Nhờ có dư dả thời gian và trình độ học vấn cao, với số tiền “hương hỏa” này thế hệ trẻ có thể có thu nhập cao hơn, do vậy sẽ trở nên giàu nhanh hơn so với thế hệ trước. Cũng căn cứ vào xu hướng này, theo hãng tin MSN đến năm 2020 thế hệ Y sẽ nâng giá trị tài sản ròng của họ lên khoảng 5.000 tỉ USD. Hiện nay, thế hệ Y chiếm 13% trong tổng số các gia đình có ít nhất 100.000 USD tài sản sẵn sàng đầu tư.
Tuy nhiên, Lowell R. Ricketts – nhà phân tích chính của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis cho rằng chỉ có một số ít các gia đình thuộc thế hệ sinh sau Thế chiến II trao truyền lại “giá trị đáng kể về tài sản”. Cho dù một số tài sản về bản chất vẫn giữ được giá trị hoặc thậm chí tăng giá trị, nhưng theo Ricketts không thể cho rằng những người sinh sau Thế chiến II vẫn sẽ nắm giữ tài sản cho đến khi truyền lại. “Một ngôi nhà và đất đai có thể được thanh lý khi nghỉ hưu để duy trì mức sống khá giả. Do đó, ngay cả khi những tài sản đó không biến mất khỏi nền kinh tế, chúng có thể không được giữ lại và truyền lại”, ông giải thích.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy con số phũ phàng: thế hệ Y đang chịu khoản nợ kỷ lục cho việc học hành – dự kiến sẽ hơn 1.270 tỉ USD ở Anh trong 25 năm tới. Con số này cho thấy, giới trẻ không những không giàu có hơn mà ngày càng khó khăn hơn về tài chính so với người trước.
Nguyên nhân là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã tác động mạnh đến lớp trẻ. Thế hệ Y bắt đầu làm việc vào đúng thời điểm thị trường đầu tư đang gặp khó khăn, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao và liên tục nhận được mức lương thấp. Việc tăng lương chậm, chi phí sinh hoạt cao và thiếu tiền tiết kiệm hưu trí nên lớp trẻ sẽ phải cố gắng bắt kịp mức sống cho đến lúc nghỉ hưu.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự đoán năm 2050, khi lớp trẻ ở tám thị trường lương hưu lớn nhất thế giới bắt đầu nghỉ hưu, thì khoản tiền tiết kiệm hưu trí còn thiếu là 427.000 tỉ USD. Bởi vì, kinh tế ngày càng giảm tốc kéo theo tỷ lệ tiết kiệm ngày càng eo hẹp. Thiếu việc làm và chi phí sinh hoạt tăng gấp đôi, các khoản vay nợ của sinh viên đã khiến cho thế hệ Y rất khó khăn trong việc thăng tiến cũng như tích lũy. Vì vậy, Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis nhận định, những người sinh ra trong những năm 1980 khả năng cao hơn sẽ trở thành một “thế hệ mất mát” (lost generation) về tích lũy của cải.