Từ năm năm qua, David Martinon, người gác cổng của nước Pháp trong lĩnh vực không gian mạng, báo động tình trạng chiến tranh mạng thường trực trên thế giới.
Là người phụ trách kỹ thuật số của nước Pháp từ năm 2013, vị cựu cố vấn của Tổng thống Nicolas Sarkozy, đã từ lâu thu hút sự chú ý của các cơ quan quyền lực cao nhất của nước Pháp về những hiểm nguy gia tăng số lượng các cuộc tấn công mạng gây tình trạng căng thẳng thường trực trong thế giới ảo.
Các cuộc tranh cãi, xung đột không gian mạng giữa các cường quốc trên thế giới có thể dẫn đến hậu quả trong thế giới thực. Theo David Martinon, cuộc xung đột trên mạng của các quốc gia giống như tình trạng chiến tranh mạng.
Với tư cách là đại sứ của Pháp về kỹ thuật số, David Martinon đang vận động các cuộc đối thoại ngoại giao để ngăn ngừa bất kỳ cuộc leo thang nào. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa David Martinon và báo Le Point.
______
Le Point: Sau khi hoàn thành sứ mạng lãnh sự Pháp tại California từ năm 2008 đến 2012, ông được bổ nhiệm vào chức vụ ngoại giao ít được người biết đến: đại sứ mạng không gian ảo của nước Pháp. Vậy công việc cụ thể của ông là gì?
David Martinon: Chức năng của tôi tiến triển theo tình huống. Tôi thường nói rằng chức danh của tôi thu hẹp lại, trong khi nhiệm vụ của tôi phình ra.
Ban đầu, tôi được bổ nhiệm làm đại diện của Pháp về các cuộc đàm phán quốc tế liên quan đến lĩnh vực thông tin truyền thông và phát triển kỹ thuật số.
Cách đây năm năm, nhiệm vụ của tôi tập trung vào các cuộc tranh luận về quản trị internet quốc tế và đặc biệt là cải tổ ICANN (Internet Corporation for Assigned Names and Numbers), một tổ chức phi lợi nhuận chịu trách nhiệm điều phối việc duy trì và thiết lập thủ tục pháp lý cho nhiều cơ sở dữ liệu liên quan đến tên miền của mạng internet, đảm bảo hoạt động ổn định và an toàn mạng.
Tháng 10-2015, Lauren Fabius, Ngoại trưởng lúc bấy giờ, đã bổ nhiệm tôi làm đại sứ mạng và kinh tế kỹ thuật số với nhiệm vụ là phối hợp các chủ đề internet và mạng, đặc biệt là các cuộc đàm phán quốc tế về an ninh mạng.
Từ tháng 11-2017, tôi được bầu vào Hội đồng Các đại sứ kỹ thuật số với sứ mệnh là đối thoại trực tiếp với các công ty kỹ thuật số tầm cỡ để chống lại việc sử dụng internet cho các mục đích khủng bố.
Từ đó, tôi chịu thêm trách nhiệm mở rộng đối thoại này bao gồm các nội dung bất hợp pháp và đặc biệt là nội dung thù địch.
Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục đại diện cho nước Pháp trong các cuộc đàm phán quốc tế về an ninh mạng, quản trị và mạng internet. Tôi cũng tham gia hỗ trợ xuất khẩu bí quyết của các công ty Pháp chuyên về kỹ thuật số.
______
Từ một năm qua, các sự cố mạng đã tăng lên đáng kể. Ông có nghĩ rằng các sự cố không gian mạng này gây nguy hiểm cho hòa bình thế giới?
Chúng ta vừa trải qua một năm với nhiều vấn đề về an ninh mạng có thể có những tác động nghiêm trọng trong thế giới thực.
Chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên nhiều biến động, bấp bênh. Thế giới đang trong tình trạng “chiến tranh lạnh không gian mạng” thường trực. Mạng internet đã trở thành không gian xung đột và khủng hoảng.
Từ nay, chúng ta có thể nghĩ rằng cuộc xung đột mạng có nguy cơ dẫn đến xung đột quốc tế nghiêm trọng giữa các cường quốc. Nước Pháp có vai trò ngăn ngừa sự leo thang này.
______
Vậy phải chăng nhiệm vụ của ông không chỉ là tìm cách ngăn ngừa Thế chiến thứ 3 xảy ra?
Thực ra, lĩnh vực can thiệp của tôi bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, từ việc duy trì tự do ngôn luận trên mạng đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực kỹ thuật số.
______
Vậy, những người mà ông đối thoại không chỉ là những người đại diện các nước?
Tôi đối thoại với những đồng cấp nước ngoài, kể cả những người đại diện cho các tổ chức quốc tế hay tổ chức luật tư nhân.
Chúng tôi tiến hành trao đổi khá hiệu quả từ năm 2013 đến năm 2017 với nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc về luật pháp khả dĩ áp dụng trong lĩnh vực không gian mạng.
Nhưng tôi cũng đối thoại với những chuyên gia tư nhân tại các diễn đàn khác nhau như cuộc Hội thảo mạng toàn cầu chống khủng bố (Global Internet Forum to Counter Terrorism).
Chúng tôi không muốn mạng internet trở thành một khu vực vô luật pháp, nơi mà mỗi tổ chức hay cá nhân tự đặt ra luật riêng của mình.
______
Vậy ông cũng đối thoại với GAFAM vốn là năm ông chủ website khổng bố Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft?
Tất nhiên rồi. Những ông lớn này nằm trong những người đối thoại của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng quan tâm đến những nhà khai thác mạng nhỏ hơn cũng có vai trò không kém phần quan trọng trong việc điều hòa mạng.
______
Ông đã trao đổi với họ những gì?
Cuộc hội thảo của chúng tôi tập trung vào việc đưa ra các cơ chế giúp ngăn chặn sự gia tăng các nội dung thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố, và sự thù hận nói chung. Tôi cũng bắt đầu trao đổi với họ về biện pháp ngăn ngừa phát tán thông tin giả mạo.
______
Và những trao đổi đó có hiệu quả không?
Điều này còn tùy thuộc người đối thoại của chúng tôi là ai.
______
Tháng 2 vừa rồi, trong lúc trình bày đánh giá chiến lược về phòng vệ trên mạng, ông thể hiện sự thất vọng của mình sau sự thất bại của cuộc thảo luận được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Năm 2013, hình thành một sự đồng thuận trong nhóm các chuyên gia đại diện các nước tại Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm thiết lập các tiêu chuẩn về hành vi áp dụng trong thế giới ảo. Mọi người đều đồng ý áp dụng đầy đủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực không gian mạng.
Năm 2015, nhiều tiêu chuẩn hành vi mới đã được nêu lên, nhưng vòng đàm phán cuối cùng vào mùa hè năm ngoái đã không đạt được sự đồng thuận chung.
Tuy nhiên, các cuộc thảo luận vẫn tiếp diễn, đặc biệt, liên quan đến một nghị định thư bổ sung cho Công ước Budapest, cho phép các quốc gia hợp tác pháp lý chặt chẽ hơn. Những chủ đề này rất nhạy cảm vì có liên quan đến chủ quyền của các quốc gia.
______
Sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Pháp về vấn đề này đang ở giai đoạn nào?
Việc Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật Cloud Act (Cloud: Clarifying Lawful Oversea of Data: làm rõ việc sử dụng dữ liệu hợp pháp ở nước ngoài) vào tháng 3 vừa qua đã mở ra một trang mới.
Văn bản này được ký bởi Tổng thống Donald Trump, cho ra đời một khuôn khổ pháp lý cho sự chuyển giao các bằng chứng kỹ thuật số như email, tài liệu và thông tin liên lạc điện tử trong các máy chủ của các công ty Mỹ cho các thẩm phán và nhà điều tra ở nước ngoài.
Đạo luật Cloud Act trở thành một giải pháp thay thế cho quá trình chia sẻ thông tin diễn ra trong bối cảnh hỗ trợ pháp lý quốc tế lẫn nhau.
Văn bản này có thể tạo điều kiện hợp tác thuận lợi giữa Washington và Paris, đồng thời cũng đặt ra các vấn đề pháp lý trong việc bảo vệ người sử dụng internet.
Tuy nhiên, tôi xin được bổ sung thêm rằng chúng tôi đang làm việc này với nhiều đối tác khác nhau chứ không phải chỉ có Hoa Kỳ. Chúng tôi hợp tác với Anh trong lĩnh vực phòng chống khủng bố.
______
Học thuyết quân sự của Pháp giờ đã rõ ràng. Bộ trưởng Quốc phòng đã nhiều lần khẳng định rằng Pháp giành quyền phản ứng quân sự trong trường hợp bị tấn công mạng trên diện rộng. Vai trò của ông trong diễn biến này thế nào?
Về chủ đề này, các cuộc đối thoại chiến lược không gian mạng với các đối tác quan trọng nhất như Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Đức, Anh cho phép chúng tôi có được sự hiểu biết về các chiến lược và vị thế của mỗi đối tác trong lĩnh vực không gian mạng.
Một số quốc gia tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ xem xét các biện pháp trả đũa quân sự nếu có cuộc tấn công mạng. Nước Pháp cũng sẽ làm như vậy là điều bình thường.
______
Ông đang nói về sự trả đũa, có nghĩa là một cá nhân hay một công ty có khả năng đáp trả cuộc tấn công kỹ thuật số hay thâm nhập?
Pháp luật và học thuyết của Pháp rất rõ ràng. Chúng tôi không muốn internet trở thành một khu vực vô luật pháp, nơi mà mỗi tổ chức hay cá nhân tự đặt ra luật riêng của mình. Chúng tôi không muốn mạng internet thế giới trở thành một miền Viễn Tây.