Vào năm 2013, sau khi lãnh đạo cấp cao ở Coca-Cola thách thức đội ngũ IT của họ tìm cách tăng tốc sự đổi mới sáng tạo, Alan Boehme – CTO (Chief Technology Officer), CIO (Chief Innovation Officer), kiến trúc sư trưởng của công ty nhận ra rằng nếu cứ xoay quanh những câu hỏi thông thường thì sẽ không đạt được điều mong muốn.
Thay vào đó, Boehme, một cựu binh ngành IT, đã tìm cách để mang nguồn năng lượng sống động từ các công ty khởi nghiệp đến với những vấn đề mà công ty của ông đang đối mặt. Kết quả, Boehme và đội ngũ đã tạo nên một chương trình thương mại hóa độc đáo có tên là The Bridge, dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và là chiếc cầu kết nối giữa cộng đồng khởi nghiệp với các thị trường toàn cầu trọng yếu.
Mỗi năm, The Bridge chọn 10 công ty khởi nghiệp để tham gia vào chương trình kéo dài trong sáu tháng. Những công ty này được lợi từ chuyên môn tiếp thị của Coca-Cola, còn Coca-Cola có được lợi thế gia nhập đầu tiên với những công nghệ đang nổi lên trong các lĩnh vực như gắn kết với người tiêu dùng (Consumer Engagement), chuỗi cung ứng (Supply Chain), sự đột phá trong tiếp thị (Marketing Innovation), sức khỏe và sự vui khỏe (Health & Wellness) và bán lẻ (Consumer Retail). Quá trình thương mại hóa cũng bao gồm cơ hội để tiến hành thử nghiệm bên trong Công ty Coca-Cola và cơ hội để các “startup” cấp phép sử dụng sản phẩm cho Coca-Cola và đối tác của họ.
Cho đến nay, Boehme và đội ngũ đã tiến hành ba vòng của chương trình, với kết quả là những dự án ứng dụng công nghệ trong cả tiếp thị và các chức năng vận hành. Những công ty trẻ tham gia chương trình chủ yếu ở New York và Tel Aviv.
Hiệu quả của chương trình này là Coca-Cola có thể nhanh chóng đón nhận công nghệ mới với những cách thức mà họ đã không thể thực hiện nếu sử dụng các quy trình truyền thống. “Sáng tạo đổi mới là một cỗ máy, một hành trình tiến về điều gì đó mới mẻ có thể gây sợ hãi. Nó phải được theo đuổi và tìm kiếm”, Boehme nói. “Những gì bạn đạt được bằng sự kiên trì và mạo hiểm xứng đáng với tất cả những trở ngại mà bạn đối mặt”.
“Startup” không phải là công nghệ đã được chứng minh, khẳng định, mà là về công nghệ mới và những cách làm việc mới đang nổi lên. Để thành công, các công ty khởi nghiệp cần tập trung vào những vấn đề quan trọng đang diễn ra tại nhiều công ty. Câu hỏi mà The Bridge tìm cách trả lời: Làm thế nào một tổ chức lớn có thể khởi động hành trình của nó đến với những cách làm việc mới bằng cách gắn kết với các “startup”?
The Bridge cũng thành công vì đã tạo ra sự thiện chí. Boehme nói rằng họ thực sự tìm cách giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào chương trình hơn là cố tìm cách điều đình việc mua cổ phần hoặc những mô hình gắn kết khác. Điều này thực sự tạo nên một môi trường tích cực để khám phá những ý tưởng mới.
Chương trình cũng tạo ra những cơ chế để Coca-Cola bảo vệ lợi thế cạnh tranh mà họ có được từ những công nghệ mới. Các thỏa thuận không cạnh tranh có giới hạn được ký để công nghệ mới không được sử dụng bởi những đối thủ cụ thể trong thời hạn bảy tháng của chương trình.
- Xem thêm: Thương hiệu và mở rộng sản phẩm
Một số tập đoàn khác như Turner Broadcasting System Inc., Mercedes-Benz (Daimler AG) đã gia nhập chương trình với Coca-Cola như là đối tác để cùng nuôi dưỡng các công ty non trẻ.
Tầm nhìn của Boehme là mang The Bridge tiến về phía trước bằng cách kết nạp nhiều đối tác tài trợ hơn cho các công ty khởi nghiệp ở những khu vực địa lý khác để mà các cộng đồng địa phương có thể mang đến cho Coca-Cola và đối tác của họ nhiều ý tưởng công nghệ.
Một số công ty khởi nghiệp đã tham gia chương trình The Bridge:
- Cimagine là một nền tảng thực tế ảo tăng cường dành cho các nhà bán lẻ nhằm cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, đẩy doanh số bán hàng bằng cách giúp người dùng dễ dàng hình dung sản phẩm thật như 3D.
- Bringg tạo ra một “Uber” dành cho doanh nghiệp với nền tảng hỗ trợ giao nhận sản phẩm/dịch vụ theo nhu cầu.
- Fusic là một nền tảng xã hội, sáng tạo phim và nhạc, cho phép người dùng trở thành một phần của các “video clip” âm nhạc hay biểu diễn và chia sẻ với bạn bè của họ.