Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh về đường tiêu hóa tăng lên từng ngày. Mỗi buổi sáng, Phòng khám Tiêu hóa – Gan mật thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận hơn 400 bệnh nhân đến khám chữa bệnh về đường tiêu hóa. Theo TS-BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng Phân khoa Tiêu hóa – Gan mật của bệnh viện trên, ngoài nguyên nhân thức ăn kém vệ sinh và lối sống chưa phù hợp thì bị stress kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
Bệnh về đường tiêu hóa rất đa dạng, nhưng ba loại bệnh mà doanh nhân và nhân viên văn phòng thường gặp phải là viêm loét dạ dày – tá tràng (dân gian thường gọi là đau bao tử), trào ngược dạ dày – thực quản và hội chứng ruột kích thích. Cuộc trò chuyện với TS-BS Bùi Hữu Hoàng sẽ cho độc giả những lời khuyên hữu ích để phòng và chữa các bệnh này.
Thưa bác sĩ, vì sao giới doanh nhân lại thường mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng?
Đầu tiên, tôi xin giải thích ngắn gọn về cơ chế gây bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Dạ dày của chúng ta tiết ra một loại acid để vừa kích hoạt một loại men tiêu hóa, gọi là pepsin, vừa tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập qua đường ăn uống. Dạ dày còn thường xuyên tiết ra chất nhầy để che chở và bảo vệ niêm mạc của nó không bị acid tấn công. Trong trường hợp acid tiết ra quá nhiều mà dạ dày lại trống rỗng và lớp nhầy bảo vệ dạ dày quá mỏng hoặc đã bị tổn thương thì sẽ xảy ra tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng.
Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi và mọi giới. Người ta phát hiện có một loại vi khuẩn là Helicobacter pylori (Hp) rất dễ xâm nhập qua đường ăn uống và có khả năng sống được trong môi trường acid ở dạ dày. Vi khuẩn này tiết ra một số độc tố làm tổn thương niêm mạc dạ dày, phá vỡ lớp màng nhầy bảo vệ và kích thích tăng tiết acid. Đây là nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày – tá tràng. Môi trường và thức ăn càng kém vệ sinh thì tỷ lệ bệnh do vi khuẩn Hp càng cao. Ở những nước tiên tiến, vệ sinh môi trường và thức ăn đều được đảm bảo tốt thì số người bị bệnh về đường tiêu hóa rất ít, hầu như ít xảy ra ở trẻ em và chỉ xuất hiện ở những người từ 50 tuổi trở lên.
Doanh nhân dễ mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng có thể do ba nguyên nhân. Thứ nhất, do yêu cầu của công việc nên họ thường ăn uống không điều độ, đói no thất thường, ăn nhanh hoặc bỏ bữa. Hậu quả là khi acid tiết ra trong dạ dày mà không có thức ăn để tiêu hóa thì nó có điều kiện tấn công, gây tổn thương bề mặt dạ dày. Thứ hai, doanh nhân thường dùng thuốc lá, rượu bia và cà phê, mà đó là những tác nhân kích thích tiết acid và ảnh hưởng tiêu cực đến lớp màng nhầy dạ dày. Thứ ba, doanh nhân thường dễ bị stress – yếu tố kích thích tăng tiết acid qua cơ chế thần kinh, dẫn đến loét dạ dày. Trong tiếng Anh có cụm từ stress ulcer nghĩa là loét do stress. Người cao tuổi cũng dễ bị viêm loét dạ dày vì thường xuyên phải dùng các thuốc giảm đau kháng viêm trong điều trị đau khớp hoặc dùng Aspirin trong điều trị các bệnh tim mạch. Các loại thuốc này ức chế sự tiết chất nhầy để bảo vệ dạ dày.
Thông thường, việc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng cần kết hợp nhiều loại thuốc giúp hạn chế sự tiết acid vốn là nguyên nhân chính gây loét và thuốc giúp tăng cường lớp nhầy bảo vệ, đồng thời phải dùng kháng sinh để tiêu diệt Hp nếu bị nhiễm vi khuẩn này.
Phải chăng bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng hầu như không thể điều trị dứt điểm mà thường xuyên tái đi tái lại như nhiều người vẫn nghĩ?
Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – tá tràng hoàn toàn có thể chữa khỏi. Sau khi chữa trị, bệnh nhân cần phải chủ động thay đổi lối sống của mình để duy trì tình trạng ổn định và không gây kích thích tiết acid. Nếu cứ tiếp tục ăn uống không điều độ, kém vệ sinh, uống rượu bia và hút thuốc nhiều, làm việc trong môi trường nhiều áp lực thì bệnh sẽ tái phát.
Các loại thuốc ức chế tiết acid thường phải sử dụng liên tục trong vòng sáu đến tám tuần hoặc lâu hơn để đủ thời gian làm lành các vết loét ở dạ dày. Tôi biết nhiều bệnh nhân thường không uống thuốc đủ thời gian theo chỉ định, vừa thấy hết đau đã ngưng uống nên kết quả là chỉ mới chữa hết triệu chứng chứ chưa chữa lành bệnh được, do đó bệnh cứ tái phát. Đôi khi việc điều trị bằng các cách chữa mẹo dân gian, thiếu khoa học, không những không chữa khỏi bệnh, mà còn gây những hậu quả đáng tiếc, chẳng hạn có người chữa viêm loét dạ dày – tá tràng bằng cách nuốt ốc sên sống, mà như vậy thì các độc tố của loài vật này có thể gây liệt chi.
Cách chữa bệnh hiệu quả là phải có kiến thức về bệnh, không để bệnh cứ tái đi tái lại nhiều lần, không tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa, uống thuốc theo đúng hướng dẫn cả về liều lượng và thời gian, đồng thời phải có ý thức chủ động thay đổi lối sống để duy trì hoạt động ổn định của dạ dày, không để bệnh tái phát.
Được biết, nhiều bệnh nhân đã chữa viêm loét dạ dày – tá tràng bằng bài thuốc bột nghệ trộn mật ong cũng thu được kết quả khả quan. Bác sĩ có khuyến khích phương thuốc này không?
Nghệ có tác dụng tốt trong việc làm liền ổ loét, làm lành nhanh vết sẹo. Mật ong tăng cường hỗ trợ cho tác dụng liền sẹo của nghệ. Hỗn hợp nghệ – mật ong không gây hại, mà hỗ trợ giúp làm lành vết thương trong dạ dày – tá tràng. Do đó, kết hợp bột nghệ trộn mật ong với các loại thuốc khác trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là hợp khoa học và nên áp dụng.
Như bác sĩ đã nhấn mạnh, tỷ lệ bệnh nhân bị trào ngược dạ dày – thực quản đang gia tăng. Vậy đó có phải là hệ quả của lối sống vội vã và ăn uống kém lành mạnh?
Đúng vậy! Lối sống hiện đại với những đặc trưng như ăn các loại thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, uống rượu bia không kiểm soát, ít vận động thường xuyên, bị stress… là các yếu tố thuận lợi góp phần làm tăng tỷ lệ bệnh trào ngược không chỉ ở nước ta, mà còn ở cả các nước châu Á nói chung.
Bạn hãy hình dung rằng giữa thực quản và dạ dày có một lớp cơ vòng tác dụng như chiếc van một chiều nhằm ngăn không cho thức ăn và acid từ dạ dày bị trào ngược lên thực quản. Việc bị stress, lại hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia, rồi ăn quá no hoặc ăn các thức ăn nhiều dầu mỡ và gia vị sẽ gây rối loạn co bóp và làm tăng áp lực trong dạ dày khiến cho dịch dạ dày có chứa acid bị dội ngược lên trên, làm tổn thương thực quản. Cũng có khi chiếc van này bị yếu tự nhiên hoặc do người bệnh sử dụng các loại thuốc gây giãn cơ. Các triệu chứng thường gặp của bệnh là đau nóng rát ở giữa ngực, cảm giác như có cái gì đưa lên cổ gây nghẹn và nhiều triệu chứng tương tự bệnh về đường hô hấp như viêm họng, ho khan, khàn tiếng… Nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy ngoài yếu tố stress thì thừa cân, béo phì cũng là nguyên nhân làm tăng tỷ lệ bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.
Việc điều trị bệnh này đôi khi phải kéo dài, đòi hỏi sự tuân thủ phác đồ điều trị và người bệnh cần quyết tâm điều chỉnh lối sống thì bệnh mới chóng khỏi. Ngoài các thuốc ức chế tiết acid trong dạ dày, người bệnh cần chủ động ăn uống một cách khoa học hơn, cụ thể là ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no, hạn chế rượu bia, thuốc lá, tránh các thức ăn chua cay, nhiều chất béo, năng vận động để tránh béo phì và chủ động tránh stress.
Như vậy, những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa đều do nguyên nhân chủ yếu từ lối sống hiện đại và tình trạng căng thẳng thần kinh, trong đó có cả hội chứng ruột kích thích?
Vâng, hội chứng ruột kích thích cũng là một bệnh tiêu hóa thường gặp, có liên quan đến việc ăn uống không điều độ, thức ăn không đảm bảo vệ sinh, uống nhiều rượu bia làm rối loạn men vi sinh ở ruột, gây nên các triệu chứng đầy bụng, đau bụng dưới, táo bón hoặc tiêu chảy… Stress cũng là nguyên nhân thường gặp của hội chứng ruột kích thích. Tôi từng biết nhiều doanh nhân bị hội chứng ruột kích thích chỉ sau một lần gặp sự cố nghiêm trọng trong công việc kinh doanh của họ.
Bệnh nhân cần phải dùng các thuốc giảm co thắt đường tiêu hóa, uống các loại men vi sinh để điều chỉnh các rối loạn vi khuẩn đường ruột, hạn chế rượu bia, điều chỉnh thói quen ăn uống và sinh hoạt cho hợp lý… Đôi khi, bệnh nhân cần điều trị kết hợp với các loại thuốc chống trầm cảm, giảm lo âu để tạo được sự thay đổi tích cực về trạng thái tinh thần.
Một số người sau bữa ăn bỗng nhiên cảm thấy trướng hơi, sau đó bị tức ngực, khó thở, chóng mặt. Hiện tượng đó có liên quan đến rối loạn tiêu hóa hay không, thưa bác sĩ?
Đây cũng là một dạng rối loạn tiêu hóa, được gọi là chứng khó tiêu, nhưng khác với bệnh viêm loét dạ dày là khi nội soi dạ dày sẽ không thấy ổ loét hay bất kỳ tổn thương đặc biệt nào ở dạ dày. Bệnh nhân ở trong tình trạng khó chịu, thậm chí bị đau ở vùng thượng vị, mau no và trướng hơi ở bụng. Hơi đó tạo một sức ép lên cơ hoành, kích thích lên tim, gây hiện tượng tức ngực, khó thở. Hấp thu thức ăn nhiều chất béo, uống nước ngọt có gas hoặc rượu bia sẽ làm cho tình trạng này nặng thêm.
Tóm lại, bệnh về đường tiêu hóa thường bị ảnh hưởng bởi lối sống nên việc phòng ngừa và điều trị phụ thuộc rất nhiều vào việc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt. Chúng ta nên chủ động sắp xếp thời gian để ăn uống cho điều độ. Trong các bữa tiệc, nên ăn vừa phải, tránh uống quá nhiều rượu bia, hằng ngày phải năng vận động, chơi thể thao. Đã điều trị bằng thuốc thì phải đúng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý ngưng thuốc, không nên vận dụng cách chữa bằng các mẹo vặt, phản khoa học.
Ngoài ra, chức năng của hệ tiêu hóa liên hệ mật thiết với hệ thần kinh. Các trạng thái stress trong cuộc sống như áp lực công việc, căng thẳng thần kinh, giận dữ, buồn bực, mệt mỏi… đều dẫn đến sự tăng tiết acid, co thắt quá mức dạ dày và ruột già, dẫn đến các rối loạn về đường tiêu hóa. Muốn có sức khỏe tinh thần tốt, chúng ta phải biết cách quẳng gánh lo âu để vui sống, tức là sắp xếp công việc hợp lý, đặt mục tiêu thời gian cho từng việc để giảm áp lực của công việc, tập yoga, thiền, tập thư giãn, ngủ đủ giấc, biết cách chia sẻ với người thân, bạn bè, khi cần có thể tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý để giải tỏa các lo âu phiền muộn…
Xin cảm ơn những hướng dẫn của bác sĩ!