Ở độ tuổi tứ tuần nhưng ThS Nguyễn Thanh Mai – thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Việt Mỹ – VASS quận Tân Bình vẫn giữ được nét tươi trẻ và tính cách lạc quan. Dấu hiệu thời gian duy nhất ở chị có lẽ là sự trầm tính của một người đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời. Dù ngày cuối tuần còn nhiều việc để giải quyết, chị vẫn dành một khoảng thời gian vừa đủ để chia sẻ về niềm đam mê công việc của mình.
Chào chị, trước tiên xin chị giới thiệu đôi nét về Trường Việt Mỹ VASS?
Việt Mỹ VASS là một hệ thống giáo dục uy tín và chất lượng, đã trải qua quá trình hình thành và phát triển hơn 14 năm, bao gồm các cơ sở giáo dục song ngữ từ bậc học mầm non, phổ thông và các trung tâm Anh ngữ. Đi từ những cơ sở giáo dục nhỏ, suốt thời gian qua, tôi đã gắn bó và đồng hành với thành viên của hệ thống Trường Việt Mỹ VASS là Trường Tiểu học – Trung học cơ sở – Trung học phổ thông Việt Mỹ quận Tân Bình, đã chứng kiến sự phát triển không ngừng của trường và của hệ thống VASS để đáp ứng được nhu cầu của xã hội và niềm tin của các bậc phụ huynh.
Thành quả gặt hái được theo từng năm học trong suốt 14 năm quả là không nhỏ và rất đáng mừng, cụ thể là 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT và vào các trường đại học danh tiếng trong cũng như ngoài nước. Bên cạnh đó là kết quả khá, giỏi hoặc xuất sắc với văn bằng Tiểu học quốc tế ICAS và văn bằng Trung học quốc tế IGCSE được công nhận trên toàn thế giới. Hơn nữa, chúng tôi còn rất quan tâm đến việc rèn luyện kỹ năng mềm, phát triển năng khiếu, giáo dục lòng nhân ái và giáo dục thể chất cho các em.
Là một nhà giáo với 20 năm kinh nghiệm và 14 năm giữ vị trí quản lý, hẳn là chị đã rèn giũa được một quan điểm giáo dục toàn diện? Bản thân chị dạy học sinh như thế nào để các em có hứng thú học tập?
Quan điểm giáo dục của tôi khá ngắn gọn: Chất lượng đào tạo là ưu tiên số 1 và học phải đi đôi với hành. Học phải từ những điều thực tế của cuộc sống và dạy phải xuất phát từ cái tâm, từ niềm đam mê của người thầy.
Lý thuyết sách vở đã có, tôi cùng đội ngũ giáo viên của nhà trường luôn dạy các em bằng những trải nghiệm, qua đó giúp các em tiếp thu dễ dàng hơn những mớ lý thuyết khô khan và có động lực học tập cao hơn. Chúng tôi mang đến cho học sinh các bài học là những trải nghiệm thực tế thú vị và bổ ích. Chẳng hạn, chúng tôi cho học sinh tham quan Nhà máy thủy điện Trị An để tìm hiểu về quy trình sản xuất điện phục vụ trong sản xuất và đời sống hay giúp các em tận mắt tìm hiểu quy trình làm ra các sản phẩm, trổ tài làm bánh và học hỏi phong cách làm việc của người Nhật tại Nhà máy Ajinomoto.
Chúng tôi còn tạo điều kiện cho các em tìm hiểu về cuộc sống của người dân biển đảo tại xã Thạnh An (Cần Giờ – TP.HCM), quyên góp và trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại Nam Cát Tiên (Đồng Nai) và tỉnh Tiền Giang, hay tìm về cội nguồn trong chuyến đi viếng thăm đền Hùng ở Phú Thọ, rồi cả những buổi sinh hoạt cùng Tổ chức Sinh viên quốc tế để hội nhập văn hóa qua các sự kiện “Làng Quốc tế”, “Cuộc đua kỳ thú”… để nâng cao kỹ năng Anh ngữ cho các em.
- Xem thêm: VASS bảo hiểm cho các vận động viên tham gia giải vô địch bóng bàn toàn quốc báo Nhân Dân 2018
VASS là trường có định hướng du học cho các học sinh. Vậy chị có thể cho biết những hành trang mà nhà trường chuẩn bị cho các em khi tốt nghiệp không?
Du học là một hướng đi mà trường khuyến khích vì Việt Nam đang trên chặng đường phát triển và tích cực hội nhập quốc tế. Đó là một định hướng hợp lý, nhưng không phải duy nhất.
Trở thành những công dân toàn cầu là định hướng mà VASS dành cho các học sinh của mình. Ở đây, học sinh vừa được trau dồi những bài học về truyền thống văn hóa Việt Nam, vừa bổ sung những kiến thức văn hóa, xã hội và kỹ thuật của thế giới qua chương trình đào tạo tiếng Anh cũng như qua chương trình giao lưu văn hóa với học sinh các trường bạn đến từ Úc, Singapore, Malaysia… Chúng tôi giáo dục cho các em ý thức và trách nhiệm của công dân, tư cách đạo đức và trách nhiệm đối với xã hội và bồi dưỡng các kỹ năng mềm để các em sẵn sàng học tập, sống và làm việc tại Việt Nam hay bất cứ nơi đâu trên thế giới với lòng tự tin và niềm tự hào, quyết không chịu thua kém công dân nước khác.
Theo chị, giáo dục cần phải đào sâu vào điểm nào để góp phần thành công cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước?
Chúng ta cần hội tụ những yếu tố làm nên thành công mà một trong những điều rất quan trọng là giáo dục phải bắt nguồn từ sự kết hợp sâu sát giữa nhà trường, gia đình và chính bản thân học sinh. Những thành công tuy nhỏ bé đó sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế – xã hội nước ta.
Được biết, chị có một đam mê là tìm tòi, nghiên cứu về công tác giáo dục. Chị có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Làm việc trong trường giáo dục song ngữ, tôi luôn tìm hiểu những lợi ích của việc dạy và học tiên tiến để giúp các học sinh phát triển toàn diện. Những nghiên cứu của tôi đã được chọn đăng trên các tạp chí giáo dục như World Journal of English Language của Canada và Journal of English as an International Language của Úc. Tháng 7 vừa qua, tôi có báo cáo tại hội nghị khoa học ở Los Angeles (Hoa Kỳ) với đề tài “Sự đáp ứng của trẻ tự kỷ Việt Nam đối với giáo dục song ngữ”. Tôi luôn mong mỏi và hy vọng đóng góp một phần nhỏ bé cho nghiên cứu khoa học để có thể giúp được nhiều hơn học trò của mình và những đứa trẻ tự kỷ đáng thương.
Trước khi chia tay, xin chị chia sẻ ngắn gọn về phương châm làm việc của mình?
Đơn giản thôi, mọi thành công đều bắt nguồn từ niềm đam mê!