Những diễn biến trên thị trường chứng khoán nước ta đã phản ánh đúng tầm ảnh hưởng rõ ràng từ xu hướng giao dịch của khối ngoại và sự thay đổi của giá dầu thế giới đối với các chỉ số chính. Trong tuần giao dịch giữa tháng 6, khi khối ngoại bán ròng mạnh và giá dầu giảm (tuần sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 5-2016), thì lập tức cả VN-Index lẫn HNX-Index đều đi xuống. Thanh khoản sụt giảm, VN-Index đánh rơi cột mốc 620 điểm, trong khi HNX-Index cũng lùi về dưới mốc 84 điểm. Về phía các nhà đầu tư nước ngoài, nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận đột biến, họ đã bán ròng gần 500 tỉ đồng trên cả hai sàn, chủ yếu trên HSX. Tuy nhiên, để biết xu hướng rõ hơn, người ta còn phải chờ những động thái tiếp theo của họ, bởi lực bán mạnh của khối ngoại tuần qua trùng hợp với hoạt động tái cơ cấu của các quỹ ETF.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định không tăng lãi suất đồng USD không phải là điều gì đó quá bất ngờ với giới đầu tư. Nhiều diễn biến không thuận lợi cả trong nội tại kinh tế Mỹ lẫn của thế giới đã khiến FED phải giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay (từ 2,2% xuống 2%) và phải thận trọng hơn khi đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất. Mặc dù FED vẫn để ngỏ việc tăng lãi suất trong tháng 7 tới nhưng giới chuyên gia đều cho rằng sẽ không có gì thay đổi cho đến tháng 9. Khả năng FED nâng lãi suất thêm hai lần nữa (mỗi lần 0,25%) trong năm nay sẽ xảy ra khi các chỉ số việc làm, lạm phát và kinh tế của Mỹ đều tích cực.
Thông thường, việc lãi suất USD không tăng đồng nghĩa với giá vốn tiếp tục rẻ (như hiện tại) và là thông tin mang tính hỗ trợ cao đối với thị trường chứng khoán toàn cầu. Không những vậy, các thị trường mới nổi như nước ta thường hưởng lợi nhiều hơn nữa, do không phải lo ngại việc các quỹ đầu tư Mỹ bán chứng khoán để chuyển tiền về nước. Tuy nhiên lần này, thị trường chứng khoán thế giới lẫn nước ta đều phản ứng tiêu cực sau quyết định của FED. Dường như thị trường đã đồng thuận với sự lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong thời gian tới, không loại trừ khả năng một bộ phận dòng tiền sẽ được chuyển dịch từ thị trường cổ phiếu sang thị trường trái phiếu.
Trong tình hình chung không mấy lạc quan, thì thị trường chứng khoán của nhiều nước Đông Nam Á trong đó có nước ta vẫn đang thu hút được dòng tiền đầu tư quốc tế và được nhiều nhà quản lý quỹ tin rằng sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số MSCI Đông Nam Á đã tăng 5,3%, trong khi chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương giảm 3,4%. Và như đã nói, quyết định chưa tăng lãi suất USD của FED trong ngắn hạn cũng giúp làm áp lực mất giá của tiền đồng nhằm hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu.
Dù vậy, bối cảnh hiện nay không thích hợp cho các hoạt động đầu tư ngắn hạn cũng như giao dịch lướt sóng. Tận dụng những phiên giảm điểm để mua gom và nắm giữ lâu dài các cổ phiếu tiềm năng, các cổ phiếu cơ bản tốt là điều mà các nhà đầu tư nên làm. Việc đặt niềm tin vào một nhóm cổ phiếu phụ thuộc vào giá trên thị trường thế giới sẽ khiến nhà đầu tư phải chấp nhận giá trị cổ phiếu của mình nắm giữ trồi lên trụt xuống. Điều này vẫn đang đúng với diễn biến của thị trường chứng khoán nước ta. Các nhóm cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào biến động của giá thế giới như dầu khí, thép, mía đường,… đã đi lên phù hợp với sự phục hồi của giá dầu, thép, đường trên thị trường thế giới, thì cũng sẽ đối mặt với nguy cơ giảm giá bất chấp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nếu giá của những hàng hóa này trên thị trường thế giới giảm mạnh.
Ngọc Khang (DNSGCT)