Đây là lần đầu tiên cán cân mậu dịch của Nhật bị thâm hụt trong hai năm liền kể từ 1980 là thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng dầu lửa lần thứ hai. Theo các nhà phân tích, ba nguyên nhân chính tác động lên mức thâm hụt mậu dịch của Nhật Bản trong thời gian qua, đó là vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, tình trạng nợ công lan tràn tại châu Âu khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản giảm sút, và cuối cùng là mức nhập khẩu năng lượng của chính phủ Nhật Bản gia tăng do sự đình chỉ hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân.
Hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang các nước đang sụt giảm
Năm vừa qua, trị giá hàng xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 2,1% so với năm tài chính trước, còn 63.940 tỉ yen (hơn 642 tỉ USD), nguyên nhân do giảm xuất khẩu xe cộ và máy móc sang Trung Quốc, giảm xuất khẩu vật liệu bán dẫn và các thiết bị điện tử khác sang châu Âu. Tính ra mức nhập siêu của Nhật Bản trong giao dịch thương mại với 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) là 424 tỉ yen (4,26 tỉ USD), trong giao dịch thương mại với Trung Quốc là 4 ngàn tỉ yen (40,2 tỉ USD). Trị giá hàng nhập khẩu của Nhật Bản đã tăng 3,4%, lên đến mức 72.110 tỉ yen (724,9 tỉ USD), phần lớn do nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng tăng 14,9% và dầu thô tăng 5,3%. Theo ông Takeshi Minami, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Norinchukin, việc tái vận hành các lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản còn gặp phải nhiều vấn đề phải giải quyết, do đó nhu cầu nhập khẩu dầu thô và khí hóa lỏng buộc phải duy trì ở mức cao, chỉ riêng tháng 3 năm nay, mức thâm hụt mậu dịch đã lên đến 362,42 tỉ yen (3,64 tỉ USD), điều này tiếp tục trở thành một tín hiệu đáng báo động cho nền kinh tế Nhật Bản.
Lê Cẩn theo Japan Times, Telegraph…