Ban cố vấn trực thuộc Chính phủ Trung Quốc cho rằng cần thúc đẩy các hoạt động dịch vụ và tiêu dùng nội địa, giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu, đồng thời mở rộng mọi khả năng sản xuất – kinh doanh cho hệ thống doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước nâng cao tính cạnh tranh, khuyến khích hệ thống ngân hàng đẩy mạnh việc cho các doanh nghiệp tư nhân vay vốn. Trong dự thảo kế hoạch phát triển năm năm mới nhất, việc thực hiện cuộc tổng cải cách đa phương và đa chiều đã được đặt ra, nhưng khi phát biểu trước báo giới hồi tháng 3 năm nay, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã phải thừa nhận rằng tiến trình đổi mới còn rất chậm chạp vì nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng quan liêu và tham nhũng của một số nhà lãnh đạo từ trung ương đến địa phương.
Một nhóm phân tích tại Đại học Indiana (Mỹ) cho rằng trước những chướng ngại ấy, không thể có một cuộc tổng cải tổ đất nước trong thời gian sớm nhất. Lý do là thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ không đủ sức vượt qua những hàng rào “lợi ích cá nhân” vốn dĩ đã hình thành từ nhiều năm qua. Một câu hỏi khác đặt ra là liệu ban lãnh đạo mới có sẵn sàng cắt giảm các doanh nghiệp nhà nước hiện đang cung cấp một lượng lớn việc làm và nguồn tài chính cho chế độ? Nhiều người tin rằng trong mười năm qua, tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc có nguồn gốc từ những thay đổi do cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ thực hiện từ năm 1998, mà mấu chốt quan trọng nhất là lần đầu tiên phá vỡ guồng máy kinh tế độc quyền nhà nước. Ông Chu cũng được ghi công trong việc đưa Trung Quốc gia nhập WTO, góp phần không nhỏ giúp nước này vượt qua Đức từ năm 2009, trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ Trung Quốc vẫn giữ một số đặc quyền nhất định trong hoạt động dầu mỏ, viễn thông và nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác nhằm tạo nên những doanh nghiệp có sức cạnh tranh toàn cầu bằng các sản phẩm gắn dòng chữ “Made in China”. Thế nhưng cuộc đổ dốc kinh tế từ đầu năm 2011 đã thực sự khơi dậy nỗi thất vọng trong công chúng lẫn giới doanh nhân. Tăng trưởng trong quý III năm nay tại nước này chỉ đạt 7,4%, thấp nhất kể từ đầu năm 2009, thua xa kỷ lục 14,2% của quý III năm 2007. Những chỉ trích đã và đang dâng cao đối với cách quản lý kém hiệu quả của Chính phủ. Trong báo cáo của mình, WB khẳng định rằng thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc cần thu gọn hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, mở rộng thị trường cho các nhà đầu tư tự do lẫn nước ngoài, nếu không Trung Quốc sẽ bị mắc kẹt trong chiếc bẫy “nước có thu nhập trung bình”. Điều éo le là trên thực tế, giới giám đốc các doanh nghiệp nhà nước lại là thành phần nòng cốt tham gia đại hội Đảng trong tháng 11 tới để bầu ra những nhà lãnh đạo mới. Xem ra, những thay đổi tại Trung Quốc vẫn còn là câu chuyện dài tập.
Lâm Kiên theo AP