Mèn ơi! Từng miếng dưa cải thìa vàng hồng, giòn rào rạo, chua ngọt dìu dịu và hăng đắng nhẹ thật hao cơm…
Chấm với nước cá đối lá kho tương thật hài hòa hương vị. Muỗng nước kho vừa thơm vừa mặn-ngọt lẫn cay cay (vị của ớt và tiêu), còn được ghép thêm tràng nhạc điệu giòn chua của thân cải thìa, mới khoái khẩu làm sao. Cho nên, nhiều đôi đũa cứ nhấp nhô chấm – lua mê say.
Điểm khác biệt ấn tượng của dưa cải thìa so với dưa cải tiều sậy hoặc dưa cải bẹ xanh là trội độ ngọt và có phần mọng nước hơn. Mặc khác, mùi vị của nó cũng gần giống với các loại dưa cải ôm khá nhiều bẹ không giống hình cán “muỗng”, như: cải bẹ xanh, cải tiều sậy, cải cho củ cải trắng. Do vậy, món dưa cải mới này, có thể “tung hứng” tốt với nhiều món chung hệ. Chẳng hạn như: trộn xổi với ít tỏi ớt giã, rưới lên vài muỗng canh nước tương ngon để ăn chay. Hoặc thay nước tương ướp thành nước mắm, để chấm cùng dĩa thịt ba rọi heo kho “rệu” (mềm tan). Hay xào với tôm mực, xào “gió đầu cành” (cánh, đầu, giò) gà/vịt… đều “êm thắm”.
Riêng thịt cá đối nước lợ rất ngọt bùi, chỉ mỗi tội chứa khá nhiều xương nhỏ. Trước nay, các món cá đối phổ biến (kho, chiên, nướng…) thường bị “tanh… lén”. Có nghĩa, nếu để nguội sẽ dễ bị tanh. Hoặc ăn xong, có cảm giác tanh miệng. Song, nhờ có vài muỗng canh tương hột trợ giúp, đã khắc chế hiệu quả tật xấu này của đám cá ưa “rủ nhau” chạy ngược dòng nước.
Nhưng khổ nỗi, niềm vui của tôi và một số người thân, lại bắt đầu từ nỗi buồn vì cải ế của mấy nhà xóm trên.
Viện cớ rằng, dịch COVID-19 đang bùng phát lại, cách nay khoảng 1 tuần, một số thương lái ở miệt Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang liền đè giá cải “muỗng” xuống tận đáy: 1.500 đồng/kg, loại 1. Còn hàng loại 2-3, chỉ có nước đem cho bò ăn hoặc khiêng đổ bỏ.
“Bị” vậy, nhỏ cháu dâu tôi được bạn nó chở mang cho một bịch cải “lái chê” (loại 2) cỡ 15kg. Thế nên, chồng nó phải gọi điện “năn nỉ” tôi sang lấy cải về “ăn phụ”. Thấy dư thừa, tôi đã thử lấy một mớ gần 2kg mang làm dưa chua. Nghe rủ làm dưa chua cải “muỗng”, nhà tôi còn nghi ngờ hỏi lại: “Được không đó?”- “Hên xui”!, tôi cười tủm tỉm đáp. Nào ngờ, hên dễ sợ!
Ăn cảm thấy lạ miệng, tôi liền chia sẻ hình ảnh và ghi cách chế biến ngắn gọn cho một người bạn đồng môn tốt bụng ở TP.HCM. Do tôi nghĩ, bạn ăn chay nên sẽ cần rau mới để đổi món. Nào ngờ bạn trả lời: “Nhìn hấp dẫn thật đó! Nhưng đợi lúc nào rẻ còn vài ba ngàn đồng/kg, tui sẽ làm. Nay, giá cải thìa sạch trên này, không dưới 20.000/kg ông ơi!.”
Còn thằng cháu lười ăn đồ dở và khoái thức ngon trong nhà tôi, hí hửng nói: “Vậy là năm nay nhà mình ăn Tết sớm với món dưa cải “muỗng”. Đã thiệt!”
Cách làm dưa chua cải thìa:
• Chuẩn bị nguyên liệu:
2kg cải thìa
1 lít nước vo gạo
3.5 muỗng canh muối bọt, loại không pha thêm i ốt.
1 muỗng canh đường cát vàng ngà.
1 cái vại sành hoặc hủ nhựa, dung tích gần 2l.
8 que tre hoặc trúc tươi cỡ đầu đũa, dài khoảng 15cm; có thể thay thế bằng cách, chẻ mỗi chiếc đũa tre thành 2-3 que nhỏ.
• Thực hiện:
Cải cắt hết phần lá, dùng: luộc, xào, nấu canh. Còn phần thân, lấy dao nhỏ chẻ đôi nơi gốc cải, sâu khoảng 1 lóng tay. Rửa sạch, để ráo. Phơi 2 ngày nắng.
Đổ nước vo gạo vào nồi sạch. Cho lượng muối và đường đã chuẩn bị vào, quậy đều. Đậy nắp, nấu sôi. Tắt lửa, vớt bỏ lớp bọt trắng trên mặt. Chờ nguội.
Xếp thân cải đã phơi héo vào vại hoặc hủ. Đổ ngập nước vo gạo vừa nấu vào. Dùng mớ que tre/trúc gài chìm chặt cải lại. Đậy nắp, để trong mát cỡ 3- 4 ngày sau sẽ ngon ăn.