Khép lại tập Người làm vườn, là bài thơ số 85 mở ra cả vườn Xuân miên viễn: Bạn đọc, bạn là ai, người trăm năm về sau, đang đọc thơ tôi?/ Tôi chẳng thể gửi đến bạn bông hoa duy nhất trong sắc Xuân tràn đầy, ánh vàng độc nhất từ lớp mây đằng kia/ Xin mở toang cửa, nhìn bốn phương trời/ Và thu nhặt ngay trong vườn nhà mình hoa nở rộ những kỷ niệm ngát hương của bông hoa trăm năm về trước đã tàn phai/ Tim dào dạt nguồn vui, có thể bạn sẽ cảm thấy hân hoan, niềm hân hoan sinh thú ca vang một sớm mùa Xuân gửi qua trăm năm tiếng nói yêu đời. Lời nhắn nhủ của thi hào vĩ đại Ấn Độ – R. Tagore (1861-1941) đã vượt qua ranh giới trăm năm… Dù đóa hoa Xuân kia chẳng thể nào gửi đến… vườn thơ vẫn tỏa ngát hương thơm… kẻ hậu sinh vẫn được hát cùng người tiếng nói yêu đời từ niềm hân hoan vọng gửi.
Trong tính mỹ học của vũ trụ… Người sáng tạo nghệ thuật trên bến bờ chân – thiện – mỹ… Tôi đọc thơ Người – Tôi biết đời Tôi… Sự phát triển hài hòa của cá nhân là giản dị hằng thiêng. Tôi đọc lại thơ Tagore trong một chiều lạnh cuối đông giữa đợt rét kéo dài như tìm lại cho mình một nguồn sáng an ủi. Người đi cùng tôi những năm tháng giảng đường vui buồn cùng con chữ… có lần lên chuyến tàu ra Bắc vào Nam đơn độc trong cuộc kiếm tìm lẽ tồn sinh, tôi đã mang cuốn thơ Tagore trong ngực áo. Thơ người không phải là thánh kinh, mà gần gũi bình dị như trang sách cuộc đời vốn mang những chân lý nhiệm mầu. Thơ thắm sắc thơm hương ngọt vị từ trái tim Người tình cuộc đời mang tôn giáo tình thương. Ở mỗi dòng thơ là linh hồn của thiên nhiên kỳ diệu, là bụi bặm lấm lem chân thực, và một trái tim trần tục – linh thánh đập miên man niềm yêu đời không ngừng nghỉ. Nếu Thơ dâng là cuộc độc thoại – đối thoại nghiêng về chân lý nhiệm màu, thì Người làm vườn – qua bản dịch của Đỗ Khánh Hoan Tâm tình hiến dâng – là lời hoan ca đi giữa cuộc đời này mà mỗi giây mỗi phút đều bát ngát mùa Xuân.
“Ủa thi nhân, chiều xuống dần; tóc anh đang ngả màu xanh xám. Trong trầm tư cô đơn, anh có nghe lời gọi vọng từ kiếp sau?”
“… Tóc tôi ngả màu hoa râm là chuyện nhỏ nhặt. Tôi vẫn hằng trẻ như người trẻ nhất hoặc vẫn hằng già như những người già nhất sống trong thôn này. Ở đây, có những người có nụ cười dịu hiền, chất phác, có những người có ánh mắt ranh mãnh, tinh ma, có những người nước mắt trào tuôn trong ánh sáng ban ngày và có những người nhỏ lệ âm thầm trong bóng tối âm u. Họ thảy đều cần đến tôi, bởi thế tôi làm gì có thì giờ ấp ủ cuộc đời bên kia thế giới. Tôi thuộc về cùng thời đại với mọi người. Có sao đâu nếu tóc tôi đã ngả màu?” (Bài 2).
Tagore buộc trái tim mình với cuộc sống – bị buộc vào nơi này mãi mãi, vì vậy mà từng vọng âm khe khẽ của cuộc đời kỳ diệu đều để lại dấu ấn trong thơ ông. Đó có thể là những khoảnh khắc kỳ diệu của mùa Xuân lưu dấu:
“Bao năm về trước, vào một ngày Xuân khi trời lộng gió tiếng suối thì thầm trở nên buồn bã và hoa xoài từng cánh lả tả rơi xuống mặt đường. Làn nước lăn tăn nhảy múa, liếm vào mạn thuyền đồng đậu ở bến sông. Tôi chạnh lòng nghĩ đến ngày Xuân lộng gió ấy, tôi chẳng hiểu tại sao” (Bài 14).
Mùa Xuân trong hoài niệm thơm ngát hương hoa xoài đặc trưng của đất nước được dung hòa – sinh thành từ người cha Himalaya hùng vĩ trầm tư và người mẹ sông Hằng bao dung thanh lọc. Và giản dị đẹp tự nhiên, loài hoa trở thành mũi tên trên cánh cung của Thần tình yêu Kama. Bao loài hoa khác nữa, có tên và không tên. Hoa thơm trong quá khứ và ngào ngạt trong thực tại, bản thân tôi cũng tỏa ngát hương thơm: “Tôi chạy như con xạ hươu trong bóng tối rừng cây, say vui vì hương thơm ngào ngạt của chính mình. Đêm nay là đêm mùa Xuân, gió này là gió từ phương Nam thổi lại”. Để rồi nhận ra mình lạc lối trong cuộc kiếm tìm ảo ảnh: “Lạc lối, tôi đi lang thang ; tôi tìm cái mình không thể có và tôi có cái mình không thể tìm” (Bài 15). Hương thơm ngào ngạt của mùa Xuân đưa lối đôi tình nhân vào tình yêu nhiệm mầu: “Tay siết chặt tay, mắt vờn theo mắt, từ đó lịch sử tâm tình đôi ta bắt đầu. Đêm ấy là đêm trăng đầu Xuân; hoa Benna thơm ngào ngạt lan trong không khí” (Bài 16). Mùa Xuân ở thôn làng được đan dệt bằng con chim màu vàng cất giọng hót, bầy ong xây tổ tìm mật, hoa trôi tắm trên sông, quấn quýt giao hòa theo tình yêu của nàng và tôi, cùng với “con đường nhỏ quanh co tới căn nhà bên ấy mùa Xuân thơm phức mùi hoa xoài” (Bài 17). Sự hiện diện của người con gái làm nên cả một mùa Xuân: “Lúc nàng bước nhanh qua trước mặt, tà áo nhẹ vương thân tôi. Từ hoang đảo vô danh của trái tim đơn côi làn hơi ấm áp mùa Xuân chợt thổi về” (Bài 22). Với sự hiện diện của tình yêu, mùa Xuân dệt nên một cõi Thiên đường chối từ mọi tôn giáo và quyền lực: “Vì lẽ mỗi độ Xuân về hoa nở tưng bừng, ong bay từng đám chen cánh rộn ràng. Thiên đường nhỏ bé nơi chỉ có hai người bất tử chúng tôi nương sống lại chật hẹp quá chừng” (Bài 44).
- Xem thêm: Xuân… trong thơ Xuân Diệu
Gắn liền với không gian thơm ngát hương Xuân trong thơ Tagore là tình yêu, cuộc đối thoại giữa tôi và nàng, giữa tôi và chàng, cùng với những quan niệm bình dị đẹp đẽ về tình yêu, nhận và cho, hữu hạn và vô hạn, hạnh phúc và khổ đau, trần tục và linh thánh, cái còn và cái mất… Người tình – triết gia mãi song đôi hòa hợp. Triết lý – trữ tình băn khoăn tự hỏi Tình yêu bắt đầu từ đâu… Chẳng ảo ảnh hão huyền mà tình cảm trần thế, gần gũi, bình dị thơm ngát sắc Xuân. “Tay nắm chặt tay, mắt dừng lâu trong mắt/ Câu chuyện lòng ta bắt đầu như vậy đó/ Ấy là đêm tháng Ba trăng tỏ/ Hương kena dịu dàng tỏa khắp không trung” (Bài 16). Trái tim kỳ diệu của người thơ đối diện thấu thị về vũ trụ và cuộc đời, nên mọi thứ đều được nói lên và chấp nhận trong cái nhìn nhẹ tênh, không cưỡng cầu, níu giữ: “Tình yêu vẫn gần gũi với em như chính cuộc đời em đang sống, song có bao giờ em hiểu rõ hoàn toàn” (Bài 28). Sự níu kéo, giữ chặt chỉ làm đèn phụt tắt, hoa úa tàn, suối cạn nguồn, đàn phựt đứt (Bài 52), bởi vì “Làm sao thân xác sờ nắm được đóa hoa chỉ riêng tinh thần tiếp xúc nổi?” (Bài 49). Ngay cả cuộc chia tay cũng là sự đẹp đẽ vẹn tròn. Người đi biết mình ra đi trong dịu dàng, êm ái. Người ở lại lặng lòng nâng niu, trân trọng: “Tôi cúi đầu, tay giơ cao ngọn đèn soi sáng bước em đi” (Bài 61). Chia ly tan vỡ một cuộc tình… sao chẳng buồn đau. Phút chia tay, vẫn để lại trong nhau ấn tượng tốt đẹp an lành. “Hãy để cho lần bắt tay cuối cùng/ Cũng đáng yêu như một đóa hoa đêm”…
Bài thơ số 66 là chân dung của gã điên trong cuộc kiếm tìm mải miết:
“Có lẽ lúc này gã đang tuyệt vọng. Dẫu vậy, chẳng chịu bó tay, vì đối với gã cuộc kiếm tìm đã trở thành lẽ sống.
Cũng như biển cả mãi mãi vươn tay lên bầu trời tìm cái không thể với được.
Cũng như các vì sao xoay vần tìm kiếm mục tiêu chẳng bao giờ tới được”.
Như một ẩn dụ tinh tế chân phương, chim chẳng có gì… chỉ có đôi cánh riêng tư và bầu trời bao la… trong điệp khúc vô thanh lặng bay kiếm tìm. “Chim, chim của ta ơi, lắng nghe lời ta nói, đừng vội khép cánh ngừng bay chim nhé” (Bài 67). Có khi cuộc kiếm tìm đó được hình tượng hóa và nói về chính tôi: “Tôi đuổi theo một con hươu vàng lông” (Bài 69), hay cơn phong ba “nhận chìm con thuyền tôi thả… Chua xót, tôi thầm nghĩ phong ba đến với ý định tàn ác chống lại tôi chỉ nhằm hủy diệt hạnh phúc của riêng tôi… Tôi vẫn hằng ngẫm suy về những trò chơi trong cuộc đời mà mình là kẻ thiệt thua” (Bài 69), tôi tự xây cho mình một miếu thờ “không cửa ra vào hay cửa sổ… Bốn bề kín mít, không một lối nào để lọt vào trong tiếng chim hót líu lo, tiếng lá cây thì thầm hoặc tiếng ồn ào của thôn làng bận rộn” (Bài 72). Hình ảnh kiệt quệ, tâm hồn lấm bụi, nỗi vô vọng, niềm tuyệt vọng, tự đóng cửa nhốt chính mình… ấy quen thuộc bao nhiêu với thế giới con người, mải mê trong cuộc kiếm tìm – được mất. Vì vậy như một lời đáp lại, thông điệp vui sống đầy ắp trên từng trang thơ của Người làm vườn:
“Chẳng ai sống đời đời kiếp kiếp, chẳng cái gì vĩnh viễn không phai. Này, người anh em, nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống.
Đời ta đang sống đâu phải gánh nặng duy nhất từ xưa để lại ; đường ta đi đâu phải cuộc hành trình đơn độc dài vô tận.
…
Ta chẳng đủ thời gian để nắm chặt trong tay một vật bóp nát rồi vứt vào cát bụi… Nếu sinh ra để lao khổ, để nhọc hằn đời sẽ dài vô tận. Này, người anh em, nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống” (Bài 68).
Tim yêu thương, lòng rộng mở, người thơ đón nhận bao sự hiện hữu bình dị mà linh thánh của cuộc đời này, từ đứa trẻ ngồi cọ rửa bình nước dính đầy bùn, con cừu non gặm cỏ bên bờ sông, cái hôn âu yếm (Bài 77), tiếng vọng của đời bên ngoài trang sách:
“Gấp cuốn sách đang đọc, mở cửa sổ nhìn ra, tôi thấy một con trâu to lớn, mình lấm đầy bùn đang nấp gần bờ sông, hai mắt ngóng chờ kiên nhẫn, thanh thản, và một thiếu niên, dầm chân dưới nước, gọi trâu xuống tắm dưới dòng.
Tôi mỉm cười thích thú, một cảm giác êm dịu nhẹ lướt trong lòn (Bài 78).
Trong bức tranh đời bình dị, nhà thơ kêu gọi: “Này, anh em ơi, ta hãy tiêu hoang sáng nay bằng những bài ca vu vơ, tầm phào” (Bài 84). Vô cầu, vô tư, vô ưu… tim mãi lăn đường trần… Có vần điệu, câu thơ dừng lại mà không chấm dứt, từ ngữ lặng đi mà âm nhạc kéo dài. Xuân đến Xuân đi… Xuân lòng hiện hữu. Sống và chết như hoa nở hoa tàn… hoa Xuân sáng thơm tâm. Tâm thế người trước cuộc đời với niềm khát khao, giao cảm, gắn bó… giản dị mà hằng thiêng. Lắng nghe tiếng hát sông Hằng vọng sông nước Việt lặng xao sóng xanh thương. Bạn ơi tự mở cửa vườn. Tự mình cảm nhận sắc hương ngọt ngào.
Mùa Xuân là vườn Địa đàng. Bông hoa là Tình yêu cao đẹp. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Thiên nhiên qua tâm hoa – bút hoa hóa sinh động hữu tình, triết lý mà trữ tình, trí tuệ mà cảm xúc. Hỡi mùa Xuân, người tình nhân lơ đãng của đất/ Gió tháng ba xao xuyến đùa nghịch trên mái tóc em/ Làn sóng lả lơi…
Thơ Tagore dịu dàng như một nguồn sáng khe khẽ chạm vào tim. Người không tuyên ngôn to tát, không sáo ngữ ồn ào, như lời trò chuyện bên trong linh hồn mỗi con người, trong như dòng suối lọc mát những bóng tối và khổ đau để lấp đầy bằng nguồn sáng. Mùa xuân, tình yêu, lẽ sống yêu đời được gửi vào những vần thơ đẹp đẽ bình dị ủi an. Bên thềm Xuân đọc thơ Tagore, như đang róc rách chảy thầm một nguồn Xuân bất tận, chảy qua trăm năm, thầm thĩ nghìn năm… Rời trang sách, bạn có nghe tiếng chim hót báo tin Xuân ? Xin mở toang cửa sổ… mùa xuân gửi qua trăm năm vẫn lấp lánh tiếng nói yêu đời…
- Xem thêm: Hoa cỏ mùa xuân