Trên tờ báo Tân Chu Khan (Xin Zhoukan) ở Quảng Đông đã có bài viết phê phán gay gắt các nhà giàu mới ở Trung Quốc và đánh giá: “Làm giàu bằng mọi cách và nhanh, đó là thắng lợi của những kẻ thô thiển, cơ hội chủ nghĩa, thích khoe khoang, qua đó nêu bật tật xấu của cả Trung Quốc”.
Chiếc xe Infiniti G-37 mạ vàng từng gây náo loạn khi xuất hiện ở đường phố Nam Kinh hồi cuối tháng 3
Bài báo bắt đầu bằng câu hỏi hóm hỉnh: Ai là những “thổ hào”? Ngày xưa, từ này chỉ những kẻ độc tài ở nông thôn, những phú hộ chuyên nạt nộ nông dân. Thế nhưng hiện nay, từ này rất thông dụng để ám chỉ những kẻ trọc phú.
Bài báo mô tả chân dung loại người này như là những kẻ cơ hội chủ nghĩa, tuy thân cận nhưng đồng thời cũng e ngại chính quyền. Họ biết luồn lách qua các sơ hở, tranh thủ mọi cơ hội làm giàu. Phương châm của họ: Áp phe là áp phe, không có chính trị gì cả. Phong cách hào nhoáng, khoe khoang của họ là để cho thấy tài sản và thành công của họ, một cách xác định bản lĩnh của họ.
Bài báo dựa trên bảng xếp hạng của Rupert Hoogerwert về những người giàu ở Trung Quốc, phác họa chân dung những người có tài sản trên 10 triệu nhân dân tệ, khoảng 1,2 triệu euro: đó là những người ở độ tuổi gần 40, 70% là nam giới, có trung bình ba chiếc xe hơi, đi nước ngoài trung bình 2,8 lần trong năm, thích nhất là đi Pháp và Mỹ. Họ đứng đầu trong việc mua sắm hàng xa xỉ, qua mặt những kẻ giàu mới của Nga. Các tập đoàn quốc tế cũng phải theo sự ưa thích của họ. Ví dụ như người giàu của Trung Quốc rất thích vàng và bạc để khoe của, Apple đã ra một iPhone 5 mạ vàng cho loại khách hàng này!
Điều tệ hại hơn nữa, theo bài báo, là cả nước lao vào phong trào “khoe của” và không phải chỉ có cá nhân, mà cả các địa phương, nơi nào cũng muốn nổi bật, đua nhau xây dựng công trình đồ sộ, muốn trở nên thành phố lớn tầm cỡ quốc tế, phá bỏ các di tích văn hóa, lịch sử.
Và còn tệ hơn nữa, theo bài báo, là trong lúc phá đi di tích lịch sử thật, thì họ lại đua nhau xây dựng di tích giả, những khu phố cổ mới toanh với khẩu hiệu “thành phố làm cuộc sống đẹp hơn”.
Bài báo cũng chế nhạo thói ham lễ lộc, không có lễ thật thì các nơi cũng sẵn sàng bịa ra, dựng lên các lễ, nào là lễ dưa hấu, lễ đậu phụ… lấy tiền công quỹ để mời khách, mời các nhân vật nổi tiếng, minh tinh, đến nơi để lãnh đạo địa phương chụp ảnh lưu danh.
V.Đ