Trung tuần tháng 12 vừa qua, một thông tin phấn khởi được phát ra từ cuộc họp thượng đỉnh tại Moscow (Nga) cho biết Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận được lời hứa hẹn của đại diện các nước tham dự sẽ cung cấp 52 tỉ USD để hỗ trợ các nước nghèo nhất thế giới. Dự kiến toàn bộ số tiền trên sẽ được tiếp nhận từ các nước đã hứa cung cấp trong vòng ba năm kể từ giữa năm 2014, trong đó 20% được dành để trợ cấp trực tiếp, 80% còn lại dùng cho vay với lãi suất thấp. Theo các giới chức cao cấp của WB, khoản tiền trên sẽ được sử dụng trong việc cung cấp điện cho từ 15 đến 20 triệu người, tiêm vắc-xin cho 200 triệu trẻ em, cho vay dưới dạng vi tài chính cho hơn một triệu phụ nữ và cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho 65 triệu người. Khoảng 32 triệu người sẽ được tiếp cận với nguồn nước sạch và 5,6 triệu người khác được cung cấp các dụng cụ y tế, vệ sinh tốt hơn.
Một hình ảnh của tình trạng cực nghèo trên thế giới
Hiện nay, IDA là đạo quân tiên phong của WB trong một dự án mới nhằm chấm dứt tình trạng cực nghèo trên thế giới vào năm 2030. Song điều đáng lo là không rõ các chính phủ có truyền thống chi viện cho các nước nghèo thông qua WB có đáp ứng được những yêu cầu của tổ chức tài chính này hay không. Trong lần họp thượng đỉnh trên, số nước hứa hẹn đóng góp là 46 nước, ít hơn năm nước so với năm 2010. Song cơ cấu sự phân bố tiền hỗ trợ cho các nước cực nghèo có sự thay đổi, theo đó, ngay từ bây giờ, một ngân khoản trên 4 tỉ USD được dùng để cho vay và sẽ được thu hồi dần. IDA sẽ đảm trách cả hai mặt trợ cấp không hoàn lại và cho vay để phát triển. Chương trình đầy tham vọng này đang được các tổ chức dân sự theo dõi sít sao tại những nước có đóng góp vào ngân khoản viện trợ và cho vay. Họ sợ rằng một phần ngân khoản đóng góp cho WB sẽ được sử dụng cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng về năng lượng, nhất là các đập thủy điện, góp phần hủy hoại môi trường sống mà không làm lợi cho người nghèo. Từ nay đến khi được cung cấp đủ 52 tỉ USD cần cho sự hỗ trợ các nước cực nghèo, WB và tổ chức IDA trực thuộc còn phải vượt qua nhiều thử thách không nhỏ để có thể làm tròn chức năng của một trong hai định chế tài chính lớn nhất của thế giới.
Lê Nguyễn tổng hợp