Hôm 24-7, hội thảo “Liên kết phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên” diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã cho thấy vùng đất Tây Nguyên đang có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế – xã hội.
Tròn 40 năm sau ngày hòa bình, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội và đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực.
Sự đầu tư của Trung ương và nỗ lực của các địa phương trong vùng đã tạo động lực mạnh mẽ để kinh tế Tây Nguyên vươn lên, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước phát triển; hệ thống đường sá đã được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, hình thành mạng lưới rộng khắp, vừa liên kết năm tỉnh trong vùng, vừa nối Tây Nguyên với các vùng khác trên tuyến hành lang Đông – Tây.
Hệ thống trường lớp được mở rộng đến khắp các buôn làng; hệ thống cơ sở y tế rộng khắp; công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được triển khai liên tục…
Sản xuất nông nghiệp từ chỗ tự cung, tự cấp, đã chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng chuyên canh, tạo ra nhiều sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nội địa và xuất khẩu, nhất là một số sản phẩm chủ lực như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu và nhiều cây công nghiệp, rau, hoa xuất khẩu.
Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của các bộ phận dân cư nhiều năm qua không ngừng được cải thiện. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết có kết quả, như đất đai, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số… Sự phát triển toàn diện của các tỉnh Tây Nguyên đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới.
Hiện nay, toàn vùng có 1.153 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 3.230 tỉ đồng; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,65%; tổng thu ngân sách đạt 6.617 tỉ đồng.
Công tác đầu tư phát triển hạ tầng có chuyển biến tốt, đặc biệt đã hoàn thành nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên và triển khai nhiều dự án như sân bay Pleiku, các quốc lộ 20, 26, 28… góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực Tây Nguyên.
Tuy vậy, xét trên tổng thể, do những điều kiện đặc thù, Tây Nguyên hiện nay vẫn còn là một vùng nghèo so với nhiều nơi trên cả nước. Một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chưa tương xứng; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội thiếu đồng bộ…
Trước mắt, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp huy động các nguồn tài chính để kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và các vùng tiếp giáp; tiếp tục sắp xếp, đổi mới các nông – lâm trường quốc doanh; giải quyết các nhu cầu cấp thiết về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc; tiếp tục triển khai có kết quả quy hoạch thủy lợi, đề xuất các giải pháp về cấp nước, phòng chống lũ, đảm bảo an toàn hồ đập; và sớm thống nhất về chủ trương thành lập, sử dụng có hiệu quả Quỹ Phát triển Cà phê Việt Nam…
Gia Minh (DNSGCT)