Năm 1927, một người Pháp tên là Duverne đã thực hiện hành trình từ Paris đến Hà Nội bằng ô tô. Chuyến đi trên một chiếc xe Rolland Pilain 12 mã lực qua 3 châu lục Âu, Phi, Á với chiều dài 23 nghìn cây số, mất 7 tháng, đến Hà Nội ngày 28-3-1928 với sự chào đón của 5.000 người Pháp và Việt.
Khi người Pháp bắt đầu xây dựng Hà Nội để tiến tới đặt thủ phủ Liên bang Đông Dương tại đây, họ đã tạo ra mạng lưới đường phố ô bàn cờ có phân làn ưu tiên cho ô tô, cho dù số lượng ô tô ở Hà Nội đến khi người Pháp rút khỏi Đông Dương chưa bao giờ lên đến con số 1.000. Trong khi hiện nay, lượng xe ô tô ở Hà Nội là khoảng 740 nghìn chiếc.
Nhưng điều tôi bận tâm khi đọc mẩu tin về chuyến hành trình của Duverne là nó có tạo ra một cảm hứng gì với đời sống người Việt không? Một tờ báo tiếng Việt là Hà thành ngọ báo trong hai năm cũng đưa tin về “cuộc đi ô tô Paris-Hanoi” này, cùng những địa danh xa lạ xuất hiện ngẫu nhiên. Việc Hà Nội với cách viết Hanoi, được xếp cùng những cái tên Madrid, Casablanca, Tripoli, Jerusalem hay Teheran liệu có khiến thành phố nhỏ bé nằm ở rìa vùng Viễn Đông này trở thành một điểm đến mang tính quốc tế hóa vào những năm 1920 không?
Những tấm bản đồ của thời thuộc địa luôn cho thấy rõ mạng lưới đường ô tô như một nỗ lực tạo ra một tổng thể thống nhất trong những xứ Đông Dương rời rạc của người Pháp. Trước khi đường xe lửa xuyên Việt nối liền năm 1936, những con đường bộ “routes coloniales” vẫn là huyết mạch chính. Con sông Mê Kông dù chảy qua ba nước Đông Dương song không thể trở thành đường giao thông thủy do nhiều thác ghềnh và đá ngầm. Bởi vậy, mạng lưới đường bộ vẫn đóng vai trò kết nối quan trọng nhất, mà cho đến cuối thế kỷ XX, tên gọi các con đường quốc lộ ở cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia vẫn tuân theo số thứ tự người Pháp đã đặt.
Chẳng hạn, đường số 1 trước năm 1945 chạy từ mục Nam Quan qua Hà Nội – Huế – Sài Gòn rồi đi qua Phnom Pênh lên biên giới Campuchia – Thái Lan, còn con đường chạy từ Sài Gòn – Lộc Ninh sang đất Campuchia rồi đi dọc dòng Mê Kông lên tới tận biên giới Lào – Trung Quốc mang số 13. Hành trình của Duverne qua Lào để vào Việt Nam theo đường số 8, qua cửa ngõ Cầu Treo để rồi tới Vinh và theo đường số 1 ra Hà Nội. Cuộc đi xuyên lục địa này liệu có gợi ý một chút gì về thế giới đại đồng, vào những năm tháng mà sự bất bình đẳng tưởng như không thể san bằng?
***
Ngót một thập niên sau, ô tô đã trở thành chủ đề thời thượng trong xã hội Việt Nam và xuất hiện nhiều trong văn xuôi. Mở đầu tiểu thuyết Giông tố (1936), Vũ Trọng Phụng tạo ra một tình huống mang tính hoạt kê liên quan tới cái ô tô. Câu chuyện bắt đầu từ cái ô tô bị hỏng giữa đêm trên đường quê, là xe của một tay “chủ đồn điền giàu có khét tiếng miền trung thổ, bữa nay đương đêm khuya về thủ đô”. Giữa cảnh làng quê, chiếc ô tô là biểu tượng của quyền lực, nhưng trở thành sân khấu bi hài kịch khi chủ xe là Nghị Hách nảy tà tâm dụ dỗ cô Thị Mịch đi gánh rạ ngang qua, rằng ông ta mua rạ để nhồi lốp ô tô. Chiếc xe đã thành nơi Nghị Hách dụ Mịch vào để hãm hiếp, bắt đầu bi kịch của gia đình ông đồ Uẩn cũng như phơi bày sự rệu rã của cộng đồng làng Quỳnh Thôn trước sức ép quyền lực và vật chất.
Dưới mắt Vũ Trọng Phụng, không chỉ trong tiểu thuyết Giông tố mà gần như toàn bộ các tác phẩm của ông, chẳng hạn Số đỏ, chiếc ô tô hay các phương tiện văn minh chứa đựng những chỉ dấu cho sự suy đồi của một xã hội. “Xe đỗ trước mười hai thềm xi măng. Người tài xế xuống mở cửa xe. Bà Phó Đoan, dù Nhật, ví da, và chó bước xuống”. Vũ Trọng Phụng nhẩn nha giết nhân vật của mình bằng phép liệt kê. Ô tô là sân khấu hài kịch của ông.
- Xem thêm: Xe bánh sắt và xe lọng vàng
Việc tạo ra phẩm chất khác thường của ô tô cho thấy xã hội Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX chưa đủ sức tạo nên một không gian văn hóa đại chúng gắn với ô tô. Nó bị đem ra làm sân khấu châm biếm gắn với những nhân vật như Nghị Hách, Phó Đoan, bị những thành kiến giai cấp và sự cách biệt giàu nghèo dán nhãn như một đại diện của lối sống ăn trên ngồi trốc, hoặc hơn thế nữa là của sự cai trị thực dân. Nó cũng lại có thể là nơi gửi gắm sự phản kháng ngầm bằng cách giễu cợt nhè nhẹ qua những bức tranh dân gian Đông Hồ vẽ ô tô như đại diện cho thông điệp “phong tục cải lương – văn minh tiến bộ”, mà trong ấy thấp thoáng ý vị châm biếm bằng những dòng chữ Nôm kiểu “Dậy đất tiếng còi dồn gót khách” trước hình ảnh những người An Nam mặc đồ truyền thống cuống quýt nhường đường cho xe hơi. Mạnh hơn nữa, các nghệ nhân khắc in cả những câu bồi tiếng Pháp chêm vào dưới thông điệp “đề huề” là “moa tăng phú”(Moi, je m’en fiche/ Tao mặc kệ) và “toa tăng xương” (Toi attention/ Mày liệu hồn) là cách phản ứng của xã hội với các phương tiện văn minh do thực dân đem lại.
Nhưng cũng như nhiều sản phẩm tiện nghi vật chất phương Tây, ô tô cũng trở thành biểu tượng cho sự khao khát văn minh, tiện nghi đổi đời. Nó cũng kịp xuất hiện như đạo cụ cần thiết cho tuổi trẻ, cho những nam tử rong ruổi tìm thi hứng giang hồ. Nhân vật phong trần hấp dẫn nhất của Tự Lực Văn Đoàn là Dũng trong Đoạn tuyệt (1936) của Nhất Linh được giới thiệu bí ẩn như một nam nhân nay đây mai đó, gợi nhớ hình ảnh những nhà cách mạng kiểu Nguyễn Thái Học, mà đường đi của chàng luôn là “đi bằng thuyền lên từ bãi Yên Phụ” hay “trên chuyến xe lửa đêm lên Yên Bái”, hoặc đi bộ trong gió bụi – “mặc cho đầu tóc phất phơ bay”. Nhưng trong một lần hội ngộ tình cờ trên một con đường rừng, Loan gặp Dũng đang bị tai nạn hỏng xe. Lúc này Loan trong tâm trạng bất hòa với gia đình chồng, được một bà huyện rủ đi lễ bằng xe nhà. Dũng gây bất ngờ khi lái hộ chiếc xe này với một thần thái đầy phiêu lưu tốc độ hiếm có trong văn học Việt Nam:
“Vừa lúc ấy, xe chạy lên đỉnh đồi cao. Gió thổi vào xe vù vù làm cho các tà áo Loan bay hết cả lên mặt, bà Huyện kêu rú lên. Còn Loan thì tuy sợ, nhưng nàng thấy có một cái thú lạ lùng, cái thú mê hồn của sự nguy hiểm. Nàng đăm đăm nhìn Dũng đương cúi rạp trên tay lái, đầu tóc rối bời trước gió và trong giây lát, nàng nhớ lại vẻ mặt rắn rỏi cương quyết của Dũng khi ngồi bên lò sưởi ở nhà Thảo hai năm trước. Lúc này, nàng mới cảm thấy rõ rệt hết cả cái mãnh liệt của đời Dũng, một cuộc đời đắm đuối trong sự hành động mê man. Mắt Loan lúc đó mở to và sáng lên khác thường. Nàng thầm mong cho chiếc xe kia đâm vào thân cây hay hốc đá và tan tành ra như cám, để nàng được hưởng một cái chết mạnh mẽ bên cạnh người nàng vẫn yêu mà lúc này nàng càng thấy yêu, để khỏi trở về cái cảnh đời khốn nạn, nhỏ nhen nó giày vò nàng bấy lâu, chưa biết bao giờ buông tha nàng ra”.
Chiếc ô tô trong Đoạn tuyệt đã đóng vai trò hơn cả một phương tiện giao thông. Nó là cơn mê đắm của tình ái, là sự bấu víu vượt ra khỏi tốc độ bế tắc của đời thường. Nó cũng là sự hiện diện hiếm hoi của hào hoa nam tính, mà sau này vào đầu thập niên 1950, còn truyền tụng qua giai thoại về cựu hoàng Bảo Đại hay nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, những người mà xe hơi nhất định có mặt trong những cuộc tình diễm ảo. Nhưng ở Hà Nội – thành phố mà Đoàn Chuẩn sống và viết những bài hát ca ngợi mùa thu quyến rũ “với bao tà áo xanh đây mùa thu” (Gửi gió cho mây ngàn bay, 1953) – sự hiện diện của xe hơi cũng chóng vánh như kết cục các cuộc tình của ông. Vợ ông kể, những chiếc xe nhà mặc dù phục vụ công ty vận tải gia đình, song ông cùng người bạn Từ Linh chẳng làm gì, chỉ lấy tiền nhà lái xe rong chơi. Trên một chiếc xe như thế, Đoàn Chuẩn đã chinh phục bằng được một nàng thơ và cho ra đời những tình khúc nổi tiếng.
- Xem thêm: Một chiếc xe nhanh đạp giữa đàng…
Theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến, năm 1954, khi Hà Nội được tiếp quản, số lượng xe hơi hoạt động ở Hà Nội chỉ còn 174 chiếc. Cũng vào tháng 8 năm này, Tố Hữu viết bài thơ Ta đi tới, sau thời điểm Hiệp định Geneve được ký kết. Bài thơ nói về một hành trình mang tính sử thi, trong đó mở đầu bằng những tuyến “đường cách mạng, dài theo kháng chiến”, ông để lại một câu thơ nhiều tranh cãi: “Đường ta rộng thênh thang tám thước”. Nếu theo đúng cách diễn giải cụ thể, một thước ta bằng 0,4m thì đường này chỉ rộng khoảng 3,2m. Kích thước này bằng đúng chiều ngang hai chiếc xe hơi Peugeot hay Citroën khoảng đời 1954. Nhiều người cho đây chỉ là ước lệ, hoặc nếu thước tây thì phải 8m. Tuy nhiên dù chọn con số nào thì cũng chỉ là một kích thước khiêm tốn so với ngay cả đường phố đô thị cùng thời. Nhưng bài thơ nói điều khác.
Bài thơ Ta đi tới như đã nói, tổng kết một giai đoạn mà những người chiến thắng đã thực hiện cuộc hành trình “kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ/ Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân”. Trên con đường “thênh thang tám thước” có thể ngoa dụ đó, thơ ca cũng hàm chứa những dữ kiện thời cuộc của nó. Bài thơ dài nói về cuộc hành trình của một cộng đồng – trong hành trình ấy con người đi bằng gì? Hành trình từ “mục Nam Quan đến bãi Cà Mau” chỉ có đôi lần nhắc đến phương tiện là “Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca” và “Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền” – đều là hành trình đường thủy. Còn lại dường như là hành trình bằng đôi chân “từ than bụi, lầy bùn” và nhiều hơn thế, có lẽ là sự tưởng tượng về một tương lai hừng hực khí thế thắng lợi của một Điện Biên Phủ hãy còn chói lòa mà hiển nhiên “ta đi tới, trên đường ta bước tiếp”. Trong đó vắng mặt chiếc ô tô.
***
Cuộc cải tạo tư sản và công thương nghiệp giai đoạn cuối thập niên 1950 đã buộc Đoàn Chuẩn để lại cho nhà nước 6 chiếc xe hơi của mình. Xe ô tô không còn dùng rong chơi để “gửi gió cho mây ngàn bay” khi bối cảnh xã hội đã khác. Những chuyến xe của các kế hoạch kiến thiết miền Bắc lấy công nghiệp và cơ giới hóa làm trọng đã đặt ô tô vào vị trí không thể rõ ràng hơn: “Tất cả mọi con đường đều hướng ra tiền phương/ Đây những chuyến hàng nặng tình đất nước, hàng ngược miền núi, hàng về miền xuôi” (Bài ca giao thông vận tải – Hoàng Vân, 1967).
Nhưng ở đây, có một bí ẩn của phương tiện. Những chuyến xe vùn vụt đi không ngơi nghỉ trong cuộc chiến tranh và xây dựng đất nước lại trở thành biểu tượng được lãng mạn hóa đậm nét. Có thể kể ra một tập hợp những câu thơ và lời ca viết về sự lên ngôi đầy bóng bẩy của những chuyến xe đảm nhiệm các công việc phục vụ mục tiêu chiến đấu và sản xuất. Từ những bài thơ được nhiều người yêu thích của Phạm Tiến Duật như Bài thơ về tiểu đội xe không kính hay Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây đều đã được Hoàng Hiệp phổ nhạc, đến những bài ca sôi nổi như Tôi người lái xe (An Chung, 1965) hay Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương, 1968)… Dường như chính những bài hát liên quan đến ô tô của thời này khiến cho không gian âm thanh giai đoạn mang tính tuyên truyền cổ động có được cảm giác đương đại. Sự lãng mạn giúp chúng còn được nhớ.
Trong một bài phỏng vấn năm 1995, Trịnh Công Sơn trả lời rằng ông thích bài Chào em cô gái Lam Hồng trong số những bài hát nhạc đỏ. Ý kiến này gợi ra vài suy nghĩ. Bài hát có một sự quyến rũ của nhịp điệu rất nảy và lời ca có một khí chất lãng mạn như một màn đuổi bắt giao duyên. Người ta đọc thấy cá tính của một đời sống, những số phận gắn với con đường thời chiến, mà điểm nhấn là chút phóng túng lãng tử: “Vượt đèo Ngang nào bạn ơi tay lái ta rộn lên lời ca”.
- Xem thêm: Tiếng xình xịch chạy dọc đường Nam bộ
Ngay cả trong thời chiến, âm nhạc và văn học không còn chỉ kể về nhiệm vụ mở đường hay lái xe tiếp vận phục vụ chiến đấu, mà mang một tín hiệu “con người” hơn. Chiếc ô tô phần nào ít bạo lực hơn so với các phương tiện chiến tranh khác, bởi chúng được ẩn trong vai trò phương tiện giao duyên của người đi chinh phục: “Anh lên xe trời đổ cơn mưa, cái gạt nước xua tan nỗi nhớ”. Người đọc văn hóa của thời đại ấy có thể gặp không khí ít nhiều bình yên giữa chiến tranh là chính từ những thi tứ này.
Cho đến hôm nay, khi các đô thị Việt Nam xảy ra cảnh tắc đường vì ô tô, người ta yêu thích những ý tưởng kiểu “Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau” (Bài này chill phết), song đi về quê phải bằng phương tiện gì chứ? Trong clip bài hát này, ca sĩ Đen Vâu và Min đi bằng… ô tô Volkswagen. Có lẽ nào họ chọn xe này bởi vì cái tên Volkswagen trong tiếng Đức nghĩa là “xe hơi của nhân dân”?