Phòng Nghiên cứu Lực đẩy Phản lực của NASA vui mừng khi Curiosity đáp xuống bề mặt Sao Hỏa thành công
Với việc Trái đất nằm cách Sao Hỏa 246 triệu km vào thời điểm tàu Curiosity hạ cánh, thì tín hiệu từ con tàu vũ trụ này phát trở lại trung tâm điều khiển ở Trái đất phải mất 14 phút và thêm 14 phút nữa để người ta gửi tín hiệu điều khiển tới chiếc xe.
Điều đó có nghĩa con tàu phải tự điều khiển toàn bộ quá trình hạ cánh, nhờ các máy tính trang bị trên nó. Do sự trì hoãn tín hiệu vừa nói nên rất có thể vào thời điểm trung tâm điều khiển nghe tin Curiosity đi vào bầu khí quyển Sao Hỏa thì hoặc nó đã hạ cánh an toàn trên mặt đất, hoặc đã vỡ thành nhiều mảnh trong quá trình đáp.
Tất cả nỗ lực tính toán và lập trình của NASA cuối cùng đã thành công. Vào lúc 1g30 sáng ngày 6-8 theo giờ miền Đông nước Mỹ, tức 12g30 theo giờ Hà Nội, Curiosity đã hạ cánh an toàn xuống hố Gale trên Sao Hỏa. Đây có thể nói là cuộc tiếp đất trong không gian lớn nhất và quan trọng nhất của NASA kể từ khi Apollo 11 chạm đến bề mặt của Mặt trăng vào một đêm mùa hè năm 1969.
Vào thời điểm tàu chính thức chạm đất, những tiếng reo hò đã xuất hiện vang dội trong Phòng Nghiên cứu Lực đẩy Phản lực của NASA. Mọi người xúc động ôm chầm lấy nhau và mừng cho thành quả của tám năm cật lực chuẩn bị. Niềm vui được nhân đôi bởi nếu Curiosity thất bại, việc khám phá Sao Hỏa và tìm kiếm sự sống tại đây có thể sẽ dừng lại trong ít nhất năm năm. Với điều kiện kinh tế và tài chính ảm đạm như hiện nay, tham vọng đưa người lên hành tinh đỏ của NASA và người Mỹ cũng có thể sẽ dừng lại vĩnh viễn. Trong niềm vui vô bờ ấy thì đồng thời mọi người cũng hiểu rằng đây chỉ là bước khởi đầu.