Michael Malin, nhà nghiên cứu chính của Mars Descent Imager, đang xử lý hình ảnh gửi về từ Curiosity
Đi tìm sự sống trên Sao Hỏa
Cho tới nay, các nước trên thế giới đã thực hiện khoảng hơn ba mươi cuộc khám phá Sao Hỏa, hành tinh có sự tương đồng với Trái đất nhiều nhất so với các hành tinh khác trong hệ Mặt trời. Tuy nhiên, chỉ có khoảng một nửa trong số các sứ mệnh đó là thành công.
Nhưng nhân loại vẫn không nản chí. Các tàu vũ trụ, máy móc, vệ tinh, kính thiên văn tiếp tục được gửi tới Sao Hỏa để tìm kiếm sự sống ở hành tinh này. Một số nghiên cứu mang lại những kết quả bất ngờ, nhưng cũng có những điều đến nay vẫn còn là ẩn số.
Điều làm đau đầu các nhà khoa học nhiều năm nay là qua hình ảnh các vệ tinh chụp được thì Bắc bán cầu của hành tinh đỏ là bình nguyên thấp và phẳng, là một trong những bề mặt phẳng phiu nhất trong tất cả các hành tinh thuộc Thái dương hệ. Một số giả thuyết cho rằng nước từng tồn tại ở bán cầu Bắc, do đó bề mặt nơi này nhẵn và phẳng. Trong khi đó, bề mặt Nam bán cầu lồi lõm, gãy khúc, có độ cao trung bình từ 4 – 8km so với Bắc bán cầu. Các nhà khoa học cho rằng, có thể Nam bán cầu từng chịu một trận thiên thạch tàn phá trên diện rộng.
Năm 2003, robot tự hành Mars Express của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Châu Âu đã phát hiện trên Sao Hỏa có khí metan. Các nhà khoa học đánh giá, khí metan đã tồn tại trên Sao Hỏa chừng 300 năm nay, tuy nhiên không ai lý giải được bằng cách nào và sinh vật nào đã tạo ra khí metan ở đây (thông thường, khí metan chủ yếu do động vật sản sinh ra).
Ngoài ra, mặc dù có rất nhiều bằng chứng nói rằng trên Sao Hỏa ngày xưa đã từng có nước ở dạng lỏng, nhưng hiện nay có còn hay không vẫn là một điều bí ẩn. Áp suất khí quyển trên Sao Hỏa chỉ bằng 1% so với Trái đất, do đó khả năng nước đọng lại trên bề mặt Sao Hỏa là rất thấp. Thế nhưng những đường rãnh trên Sao Hỏa luôn được xem là bằng chứng cho thấy có nước chảy ít nhất một lần trong năm.
Hầu hết các chuyến viễn thám Sao Hỏa đều cho một kết quả trùng lặp: trên Sao Hỏa có nhiều dấu hiệu cho thấy ở đó từng có đại dương, hệ thống sông ngòi, kênh rạch phong phú, phức tạp. Các nghiên cứu cho rằng Sao Hỏa trước đây có nhiệt độ ấm áp hơn và có nước, là điều kiện để có sự sống.
Cách đây gần bốn thập niên, vào năm 1976 NASA đã phóng tàu vũ trụ Viking để thực thi sứ mệnh tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa, nhưng sau đó đã đi đến kết luận rằng hành tinh này không có sự sống. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới do một nhóm các nhà khoa học Mỹ tiến hành đã cung cấp những bằng chứng mới cho thấy sứ mệnh Sao Hỏa năm 1976 đã phát hiện vi khuẩn trên hành tinh đỏ này.
Theo báo cáo công bố ngày 17-4-2012 trên trang web của Đài truyền hình NBC (Mỹ), các nhà khoa học đã tìm thấy những con vi khuẩn trong đất được lấy về từ Sao Hỏa có thể đã bị chết do sơ suất dưới nhiệt độ 160 độ C. Họ đã sử dụng công nghệ hiện đại để phân tích dữ liệu của sứ mệnh năm 1976.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Joseph Miller, từng là nhà nghiên cứu tại NASA và hiện là Phó giáo sư tại đại học Nam California khẳng định: “Tôi chắc chắn đến 99% rằng sự sống tồn tại ở Sao Hỏa”. Các nghiên cứu về sự thải khí metan trên Sao Hỏa do nhóm trên tiến hành trong thời gian gần đây cũng củng cố phát hiện mới nói trên.
Với thành công bước đầu của tàu thăm dò Curiosity, nhà thiên văn học Martin Rees – cựu chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia Anh – nhận định đây là sự kiện đánh dấu sự mở đầu cho thời kỳ con người xuất hiện trên hành tinh đỏ, bất chấp những rủi ro và nguy hiểm khi di chuyển trong hệ Mặt trời.
Tiến sĩ Martin Rees cũng tin rằng, câu hỏi liệu con người có đơn độc trong vũ trụ sẽ sớm được trả lời. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có thể mất cả thế kỷ này để tìm hiểu sự tiến hóa sinh học là duy nhất trên hành tinh của chúng ta hay phổ biến trong vũ trụ. Nhưng khi tàu thăm dò Curiosity khám phá các hố lớn trên Sao Hỏa, chúng ta hy vọng câu hỏi này sẽ được giải đáp”.
Giám đốc NASA, ông Charles Bolden, cũng tuyên bố rằng Curiosity đã đặt ra tiêu chuẩn mới trong hoạt động chinh phục không gian và sự thành công của con tàu đã mở ra cánh cửa cho việc con người tới chinh phục hành tinh đỏ dự kiến vào năm 2030.
Đình Namtổng hợp