Ngành khoa học không gian Hoa Kỳ vừa đạt được một thành công ấn tượng khi con tàu thăm dò Sao Hỏa lớn nhất và hiện đại nhất mang tên Curiosity trị giá 2,5 tỉ USD hạ cánh an toàn xuống hành tinh đỏ trong sứ mệnh khám phá những bí mật mà nhân loại đã tập trung chú ý hơn nửa thế kỷ qua. Ngành khoa học không gian Hoa Kỳ vừa đạt được một thành công ấn tượng khi con tàu thăm dò Sao Hỏa lớn nhất và hiện đại nhất mang tên Curiosity trị giá 2,5 tỉ USD hạ cánh an toàn xuống hành tinh đỏ trong sứ mệnh khám phá những bí mật mà nhân loại đã tập trung chú ý hơn nửa thế kỷ qua.
Giây phút tiếp đất của Curiosity ở hố Gale
Đây là một cột mốc đáng ghi nhớ của ngành khoa học Mỹ và nhân loại trong quá trình nghiên cứu Sao Hỏa.
Được phóng lên vào ngày 26-11-2011 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở mũi Canaveral, bang Florida Mỹ, tàu thăm dò này đã tách khỏi tên lửa đẩy Atlas 5 sau 45 phút đúng theo dự kiến và bắt đầu cuộc du hành dài hơn tám tháng từ Trái đất tới Sao Hỏa. Là loại tàu thăm dò vũ trụ lớn nhất (nặng đến một tấn, to như một chiếc xe hơi) và hoàn thiện nhất của NASA, tuy nhiên hoạt động hạ cánh của Curiosity cũng vì thế mà được xem là khó khăn nhất, do nó lớn hơn nhiều so với các robot thăm dò Sao Hỏa trước đây như Spirit hay Opportunity. Đây chính là một phòng thí nghiệm khoa học di động, hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị 17 máy quay camera và 10 thiết bị khoa học, sẽ lấy mẫu đất đá trên Sao Hỏa và phân tích ngay tại chỗ.
Các kỹ sư đối đầu với thử thách rất lớn để có thể đưa Curiosity đi qua khí quyển và hạ xuống mặt đất của hành tinh đỏ. Phương thức hạ cánh mới chưa từng được NASA sử dụng. Nó mạo hiểm và chứa nhiều rủi ro tới mức NASA đã gọi quá trình hạ cánh dài bảy phút của Curiosity là “bảy phút kinh hoàng”.
Theo NASA, module chở con tàu đi vào bầu khí quyển Sao Hỏa ở độ cao 129km với tốc độ hơn 20.000km/g. Module sẽ giảm dần tốc độ khi không khí dày dần lên. Ma sát với không khí ở tốc độ lớn sẽ khiến nhiệt độ lá chắn nhiệt của module chở tàu tăng tới 1.600 độ C.
Khi còn cách bề mặt Sao Hỏa khoảng 11km, một chiếc dù đường kính 15 mét sẽ bung ra, giúp giảm tốc độ rơi xuống còn 288km/g. Khi còn cách bề mặt khoảng 1,6km, tàu Curiosity và phương tiện đóng vai trò “cần cẩu trên không” sẽ tách khỏi module chở nó. Các động cơ tên lửa của chiếc cần cẩu đặc biệt sẽ được kích hoạt để giảm tốc độ rơi xuống còn khoảng 2,72km/g trong khi các rađa và máy tính ở trên cần cẩu này sẽ lái nó về phía bãi đáp.
Khi còn cách mặt đất khoảng sáu mét, tàu thăm dò sẽ được cần cẩu sử dụng các sợi dây nylon hạ xuống một cách nhẹ nhàng. Tiếp đó, cần cẩu thả dây và bay đi.