Là một trong hai hoạt động mới trong năm nay của VietAbroader (VA), Hội thảo nghề nghiệp VA đang được tổ chức từ ngày 12-6 đến ngày 26-7 tại TP. Hồ Chí Minh với chủ đề “Việt Nam – Chung một tương lai”. Có thể nói, đây là chương trình hội thảo có nhiều đầu tư và đổi mới về cách thực hiện cũng như nội dung, giúp mang đến cho người tham dự cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường lao động Việt Nam, cũng như trang bị những kỹ năng cần thiết trong quá trình tìm việc.
Nhiều điểm mới
Hội thảo nghề nghiệp VA hướng đến đối tượng là các bạn trẻ có mong muốn làm việc tại Việt Nam. Khác với các hội thảo nghề nghiệp khác, Hội thảo nghề nghiệp VA không mở cửa cho công chúng mà chỉ dành cho khoảng 200 bạn trẻ đã đăng ký trước. Hội thảo mong muốn hướng đến cả hai đối tượng: các du học sinh và sinh viên đang học tại Việt Nam. Hội thảo cung cấp những thông tin về thị trường việc làm cũng như các cơ hội thực tập và làm việc tại các công ty, tổ chức hàng đầu. Trong khuôn khổ hội thảo, các sinh viên được tham gia các buổi tập huấn trực tuyến, tập huấn tại chỗ về kỹ năng viết CV/resume, phỏng vấn xin việc, giao tiếp chuyên nghiệp, xây dựng mạng lưới quan hệ nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các bạn trẻ trong quá trình tìm việc. Bên cạnh đó, hội thảo còn là môi trường giao lưu văn hóa của chính những người trẻ Việt khi những bạn trẻ tham gia đang học tập và sinh sống tại những nền văn hóa khác nhau.
Lịch trình hoạt động của chuỗi Hội thảo nghề nghiệp VA bao gồm hai hội thảo kỹ năng với chủ đề “Khám phá bản thân” và “Kỹ năng tạo lập mối quan hệ và phỏng vấn” vào sáng và chiều ngày 20-7. Ngày 26-7, Hội thảo nghề nghiệp “Việt Nam – Chung một tương lai” dự kiến có sự tham gia của hơn 200 sinh viên Việt Nam và du học sinh cùng với trên 20 tổ chức, công ty trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, marketing, sự kiện, công nghệ thông tin… Vào buổi sáng của ngày hội thảo, người tham dự sẽ được nghe những phân tích về thị trường việc làm tại Việt Nam, được giới thiệu những yếu tố cần chuẩn bị cho bản thân để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, và cuối cùng được chia thành các nhóm nhỏ để tìm hiểu sâu hơn về ngành nghề mình quan tâm. Buổi chiều ngày sự kiện sẽ là hội chợ việc làm với sự góp mặt của hơn 20 công ty lớn tại Việt Nam. Cùng với việc tiếp cận được nguồn thông tin trực tiếp từ phía các đơn vị tuyển dụng, các sinh viên còn được gặp gỡ, giao lưu với các diễn giả đều là những người có kinh nghiệm trong việc đào tạo kỹ năng mềm, có thành tựu nhất định trong nghề nghiệp.
Sinh viên nghĩ gì?
Theo số liệu được công bố từ Báo cáo Trao đổi giáo dục quốc tế Open Doors năm 2013, Việt Nam đứng thứ tám về số lượng du học sinh tại Mỹ với hơn 16.000 sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng trên toàn nước này. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam trong năm 2013 đã lên tới con số 2,2 triệu.
Những số liệu trên đã cho thấy Việt Nam hiện đang có một nguồn cung cấp lao động chất lượng cao rất lớn. Không chỉ có sinh viên trong nước, cộng đồng du học sinh Việt Nam cũng có mong muốn tìm hiểu thêm các cơ hội việc làm tại Việt Nam. Những tập đoàn đa quốc gia cùng với các công ty trong nước ngày càng tạo ra nhu cầu rất lớn cho nguồn lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Việt Nam (lứa tuổi 15-24 tuổi) hiện nay đang ở mức 5,95%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu là 13,1%, nhưng vẫn cao hơn gấp ba lần tỷ lệ thất nghiệp ở người lớn.
Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là tại Việt Nam hiện nay chưa có nhiều chương trình hướng nghiệp hay những sân chơi để các học sinh, sinh viên trong nước và du học sinh được học hỏi, gặp gỡ với những nhà tuyển dụng trong nước. Hồng Ngọc – sinh viên năm ba Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Qua theo dõi báo chí và nhìn nhận của bản thân, tôi thấy việc định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông chưa rõ ràng và được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc nhiều bạn trẻ thi đại học để tính tiếp, còn sau đó ra trường làm gì thì… chưa biết được”.
Còn theo Phúc Thụ – sinh viên ngành Hóa Dược, Trường Đại học Duke (Hoa Kỳ): “Với ít số học bổng và quỹ tài trợ nghiên cứu, cơ sở vật chất và điều kiện máy móc còn nhiều hạn chế, kèm chính sách không rõ ràng, lương bổng khiêm tốn, khó trách nhiều sinh viên trong nước không theo học các ngành khoa học, kỹ thuật, cũng như nhiều du học sinh lưỡng lự khi trở về nước để đóng góp vào các ngành này”.
Đây cũng chính là lý do mà những hội thảo nghề nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin luôn được các bạn trẻ quan tâm. Chị Nguyễn Thị Tâm (Trưởng ban tổ chức Hội thảo nghề nghiệp VietAbroader 2014) cho biết: “Qua những buổi chia sẻ thông tin, khóa huấn luyện ngắn và buổi hội thảo về thị trường việc làm tại Việt Nam, Hội thảo nghề nghiệp VA mong muốn giúp đỡ, định hướng về việc làm cho các sinh viên trong nước và du học sinh có nguyện vọng quay trở về cống hiến cho quê hương. Trong quá trình này, hai nhóm đối tượng sẽ tương tác và học hỏi lẫn nhau, đó là lý do chủ đề chuỗi hội thảo của chúng tôi là “Việt Nam – Chung một tương lai”.
Nhật Hà